Theo South China Morning Post, Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, đã có tới 84.000 vụ cháy rừng Amazon thuộc phạm vi Brazil, tăng tới 75% so với cùng kỳ năm 2018.
Cháy rừng Amazon trở thành chủ đề nóng tại Hội nghị G7 ở Pháp tuần trước. G7 tuyên bố cung cấp cho Brazil 22 triệu USD để chống cháy rừng, tuy nhiên Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro từ chối sự hỗ trợ này, một phần do bất đồng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Chuyên gia Enrique Ortiz thuộc Quỹ Amazon Andes tại Washington (Mỹ) cho biết trên thực tế, cháy rừng Amazon có mối quan hệ với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Rừng Amazon đang bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: AFP. |
Cơ hội xuất khẩu của Brazil
Tháng 7/2018, khi chiến tranh thương mại bắt đầu nổ ra, chính quyền Trung Quốc đánh thuế 25% lên đậu nành Mỹ. Xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc lập tức sụt giảm nghiêm trọng. Thịt bò Mỹ cũng bị áp thuế 25% tại Trung Quốc.
Và xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tụt dốc từ cuối tuần này khi các loại thuế trừng phạt mới bắt đầu có hiệu lực. "Việc dòng thương mại bị đứt quãng ảnh hưởng lớn tới đất đai (ở Brazil)", chuyên gia Richard Fuchs thuộc Viện Công nghệ Karlsruhe (Đức) cho biết.
Đậu nành và thịt bò là hai sản phẩm chủ đạo của ngành nông nghiệp Brazil. Và từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nước này đã tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Nông dân Brazil ồ ạt phá rừng lấy đất trồng trọt và chăn nuôi để tăng sản lượng đậu nành và thịt bò.
"Phía Brazil đánh giá Trung Quốc là khách hàng lớn và thuế Mỹ buộc Trung Quốc phải chuyển hướng sang mua sản phẩm Brazil. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro lại là người có đầu óc kinh doanh. Chắc chắn vô số công ty nông nghiệp đã vận động ông ấy tìm mọi cách tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc", chuyên gia Enrique Ortiz giải thích.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro quyết liệt đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Ông Bolsonaro nới lỏng các quy định bảo vệ môi trường, thậm chí cổ súy hành vi hành vi phá rừng. Giới chuyên gia cảnh báo nếu Mỹ và Trung Quốc không thể đạt một thỏa thuận thương mại, chắc chắn nạn cháy rừng Amazon sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới và trước đây phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ và Brazil. Theo thống kê, từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018, Trung Quốc nhập khẩu hơn 24 triệu tấn đậu nành từ Mỹ và hơn 14 triệu tấn từ Brazil.
Nguy cơ những nghĩa địa rừng mọc lên như nấm
Nhưng khi chiến tranh thương mại leo thang, Mỹ và Trung Quốc liên tiếp đánh thuế trừng phạt lên hàng hóa của nhau. Xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ vào Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng. Thị trường Trung Quốc tăng nhập khẩu từ Brazil để bù đắp sự thiếu hụt.
Thống kê của hải quan Trung Quốc cho thấy từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, xuất khẩu đậu nành từ Brazil sang Trung Quốc tăng chóng mặt lên tới 26 triệu tấn, trong khi xuất khẩu của Mỹ tụt dốc xuống tận đáy, chỉ còn vỏn vẹn 2,7 triệu tấn.
Trong khi đó, nhu cầu thịt bò Brazil của thị trường Trung Quốc cũng tăng nhanh trong 10 năm qua. Năm 2018, Hiệp hội Xuất khẩu Thịt bò Brazil cho biết thị trường Trung Quốc (không tính Hong Kong) chiếm 20% tổng xuất khẩu thịt bò từ quốc gia Nam Mỹ, đạt 1,48 tỷ USD.
Giới quan sát cảnh báo nguy cơ hàng loạt "nghĩa địa rừng" mọc lên tại Brazil. Ảnh: Getty Images. |
Các chuyên gia cảnh báo nếu nông dân Brazil tiếp tục phá rừng để lấy đất trồng trọt và chăn nuôi, rừng Amazon sẽ tiếp tục bị tàn phá nặng nền. Từ tháng 8/2018 đến tháng 7/2019, diện tích rừng Amazon bị tàn phá tăng 15% so với một năm trước.
Chỉ trong tháng 6, khoảng 1.287 km2 rừng - diện tích lớn hơn Hong Kong - bị thiêu trụi. Chuyên gia Richard Fuchs cảnh báo tại Amazon và thảo nguyên Cerrado sẽ xuất hiện hàng loạt “nghĩa địa rừng”.
Trên thực tế, Brazil trước đây có hệ thống chính sách bảo vệ rừng rất chặt chẽ. Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro làm suy yếu hệ thống này khi giảm hình phạt và các quy định ngăn chặn tội phá hoại môi trường.
Và rừng Amazon sẽ còn đối mặt với nhiều nguy cơ lớn khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không có dấu hiệu chấm dứt. Chuyên gia Liên Hợp Quốc Thomas Lovejoy than thở: "Nông dân Brazil chỉ lo không bán được hàng cho các thị trường nước ngoài".