Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang đăng tải thông tin làm biển số xe máy, ôtô theo yêu cầu, kèm theo đó là lời cam đoan chắc nịch “uy tín, chất lượng”.
Nhận làm cả biển xanh
Trong vai một người cần làm biển số xe, chúng tôi liên hệ với số điện thoại được chào mời nhận làm biển số xe và đặt vấn đề có nhu cầu làm biển số tùy ý. Người đàn ông nhận làm biển số cho biết: “Biển số nào cũng làm được, có phản quang đầy đủ. Ở đây nhận làm cả biển xanh, giá cho một chiếc biển khoảng 400.000 đồng”. Khi chúng tôi lo ngại tính pháp lý của biển số xe thì người này cho hay “chạy không có vấn đề gì, nó có khác gì biển thật đâu”.
Trên tài khoản Facebook “Nhận làm biển số xe theo yêu cầu” có hơn 10.000 người theo dõi đang quảng cáo: Nhận làm biển số theo yêu cầu; biển xanh, biển đỏ, biển trắng, quốc huy, phản quang đầy đủ…
Hay như trang có tên “Làm biển số ôtô, xe máy uy tín chất lượng” có hơn 12.000 người theo dõi cũng quảng cáo làm biển số xe, biển số đẹp. Đáng chú ý, các địa chỉ này còn nhận làm biển xanh của các cơ quan nhà nước.
Nếu phát hiện sẽ tịch thu biển số
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, trung tá Nguyễn Trọng Sơn, Phó trưởng phòng PC08, Công an TP.HCM, cho biết xe cơ giới khi tham gia giao thông phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Tuy nhiên, qua thực tế công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, lực lượng CSGT vẫn phát hiện một số cá nhân điều khiển xe gắn biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong giấy đăng ký xe, hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Trung tá Sơn khẳng định: “Các trường hợp người điều khiển xe sử dụng biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp khi bị phát hiện đều bị CSGT lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, đồng thời tịch thu biển số theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định, chỉ có cơ quan công an mới có thẩm quyền sản xuất, cấp biển số, tuy nhiên một số nơi vẫn công khai chào mời làm biển số. |
Năm 2018, Phòng PC08 đã phát hiện, xử lý 78 trường hợp sử dụng biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng PC08 tiếp tục phát hiện, xử lý được 52 trường hợp vi phạm.
“Công tác này được thực hiện thông qua việc truy xuất nguồn gốc phương tiện. Mọi cán bộ, chiến sĩ CSGT tuần tra, kiểm soát đều được tập huấn đầy đủ kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vi phạm hành chính của các đối tượng tham gia giao thông” - trung tá Sơn giải thích thêm.
Theo vị phó phòng PC08, việc sử dụng biển số xe giả có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do ý muốn chủ quan của cá nhân người sử dụng, muốn hợp thức hóa phương tiện để tham gia giao thông trên đường bộ.
Ông cũng nhấn mạnh lực lượng CSGT luôn chủ động phối hợp với công an các quận/huyện, cảnh sát hình sự theo dõi và rà soát địa bàn, kịp thời phát hiện các đối tượng, các cơ sở kinh doanh biển số xe trái phép.
Đồng thời, thông qua công tác phòng, chống đua xe trái phép, tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng và kiểm tra hành chính ban đêm, công an đã phát hiện và xử lý các trường hợp gắn biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Người chạy xe gắn biển số giả cũng bị phạt
Khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm hành vi sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Đối với hành vi bán, sản xuất biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc cho phép thì căn cứ vào Nghị định số 46/2016, mức phạt cao nhất cho cá nhân là 5 triệu đồng, còn đối với tổ chức là 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chương IV Thông tư 15/2014 của Bộ Công an quy định rõ: Việc sản xuất, cung cấp biển số xe được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan đăng ký xe. Các cơ sở sản xuất biển số, công an các địa phương có điều kiện đầu tư dây chuyền sản xuất biển số xe và được Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội - Bộ Công an kiểm tra, nghiệm thu đạt tiêu chuẩn quy định thì được phép sản xuất biển số xe. Biển số xe phải được quản lý chặt chẽ theo chế độ quy định.
Do đó, chỉ có cơ quan công an mới được quyền cấp biển số ôtô, xe máy trong thủ tục đăng ký xe.
Theo Nghị định 46/2016 thì người có hành vi sản xuất biển số trái phép bị phạt tiền 3-5 triệu đồng, mức phạt dành cho hành vi này đối với tổ chức là 6-10 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép, yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm nộp lại số lợi bất hợp pháp…
Riêng với người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi tham gia giao thông mà gắn biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt 300.000-400.000 đồng.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội