Lúa giống phụ thuộc Trung Quốc
Tự hào là quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai thế giới nhưng cả nước hiện có khoảng 700.000ha lúa lai, thì có đến 70% diện tích là lúa giống nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.
Gần 10 năm nay, người dân thôn Dân Tài, xã Thiệu Chính (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) năm nào cũng sử dụng giống lúa lai Trung Quốc như nhị ưu 63, nhị ưu 838... do các cơ sở kinh doanh giống cây trồng ở xã cung cấp. Đặc biệt là vào vụ chiêm xuân, khi thời tiết lạnh nhất trong năm, có đến gần 80% diện tích đất trồng lúa của thôn sử dụng các giống lúa lai Trung Quốc.
Ông Hoàng Văn Sâm, nông dân ở thôn Dân Tài, cho biết: “Vụ chiêm xuân vừa qua gia đình tôi gieo cấy toàn bộ diện tích gần 4 sào bằng giống lúa lai Trung Quốc. Giá bán lúa lai Trung Quốc khá cao, từ 65.000-90.000 đồng/kg, đắt hơn 15.000-45.000 đồng/kg so với lúa lai nội địa nhưng cho năng suất cao nên người dân vẫn ưa chuộng dù chất lượng gạo không ngon bằng gạo trong nước”.
Cánh đồng gieo cấy bằng giống lúa được nhập khẩu từ Trung Quốc tại Yên Định (Thanh Hóa) |
Kế hoạch chỉ trên... giấy
Năm 2003, Bộ NN&PTNT đã đề ra kế hoạch đến năm 2010 nâng tổng diện tích lúa lai lên 1 triệu ha, trong đó giống lúa lai sản xuất trong nước chiếm đến 70% diện tích. Nhưng đến năm 2012, diện tích lúa lai mới chỉ đạt 700.000ha và tỉ lệ giống lúa lai trong nước hầu như không có gì thay đổi so với cách đây gần chục năm, nghĩa là vẫn có đến 70% lúa giống lai phải phụ thuộc nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc. Mới đây, Bộ NN&PTNT dời kế hoạch này cho đến năm 2015.
Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, vụ chiêm xuân năm 2012 toàn tỉnh gieo cấy được 122.614ha lúa, trong đó diện tích lúa lai là 77.644ha (chiếm 63,3%). Tuy nhiên qua khảo sát, các loại giống lúa lai được sản xuất trong nước chỉ chiếm 10-15%, còn lại nhập từ Trung Quốc với tổng số lượng giống 2.000-3.000 tấn/năm. Các loại giống lúa lai được nhập từ Trung Quốc phổ biến như nhị ưu 63, nhị ưu 838, nhị ưu 968, nhị ưu 69, đại dương 8, nam dương 99...
Ông Nguyễn Ngọc Đức, giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương đóng tại xã Định Tường, huyện Yên Định (Thanh Hóa), cho biết người dân vẫn thích lúa cho năng suất cao hơn nên nhiều bộ giống lúa Trung Quốc đang chiếm ưu thế dù chi phí mua giống lúa lai của VN sản xuất thấp hơn nhiều. Trong khi đó, ông Đức khẳng định chất lượng gạo từ lúa lai Trung Quốc không ngon, độ dinh dưỡng không bằng giống lai hoặc lúa thuần của VN sản xuất.
Tổng giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An Nguyễn Ngọc Dũng cũng khẳng định dù giá lúa giống của Trung Quốc đắt hơn nhiều lần lúa giống trong nước nhưng vụ xuân năm 2011, công ty vẫn bán cho nông dân được 600 tấn lúa giống nhị ưu 986 và khải phong (Trung Quốc), gấp 3 lần các giống lúa hương thơm, khang dân được sản xuất trong nước.
Giá lúa giống Trung Quốc đắt hơn nhiều so với lúa giống trong nước nhưng người dân vẫn chi tiền mua về trồng. Cụ thể, trong khi lúa nhị ưu có giá 86.000 đồng/kg, khải phong giá 94.000 đồng/kg thì lúa hương thơm (của VN) chỉ 12.000 đồng/kg. “Chúng tôi sử dụng loại giống, bộ giống nào là do hướng dẫn của Sở NN&PTNT. Giống lúa Trung Quốc tuy đắt hơn giống trong nước nhưng phù hợp với từng trà đất, từng mùa vụ” - ông Dũng cho biết.
Theo ông Phan Huy Thông - giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các giống lúa lai phát triển tốt và thể hiện được nhiều ưu điểm ở các vùng có khí hậu lạnh và khắc nghiệt. Do đó, khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ VN sử dụng nhiều loại lúa này, trong khi ở ĐBSCL và khu vực phía Nam có khí hậu ấm nóng và ổn định thì những ưu thế này không thể hiện được nhiều so với lúa thuần.
“Cả nước có 600.000-700.000ha trồng lúa lai nhưng có đến 70% diện tích dùng giống nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc, còn lại từ Ấn Độ, Nhật Bản...” - ông Thông cho biết. Theo Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN, lượng lúa lai nhập khẩu của VN mỗi năm khoảng 13.000-15.000 tấn với giá trị trên 40 triệu USD.
Nguy cơ phụ thuộc
Giám đốc một công ty kinh doanh hạt giống cho biết cứ đến thời điểm chuẩn bị vụ đông xuân hằng năm tại phía Bắc là các công ty hạt giống lại ồ ạt sang Trung Quốc đặt hàng lúa giống. Nhận biết được tâm lý này, các nhà cung cấp giống Trung Quốc thường tìm cách tạo ra khan hiếm giả tạo rồi đẩy giá lên cao hơn nhiều so với thông thường. Chẳng hạn như vào cuối năm 2011, lúa giống được các công ty Trung Quốc đẩy lên đến gần 70.000 đồng/kg, có loại trên 100.000 đồng/kg nhưng các công ty vẫn mua vì vụ gieo hạt mới đã sắp bắt đầu. “Công ty chỉ là khâu trung gian, giá mua vào cao thì giá bán cho người dân cao nên không ảnh hưởng gì nhiều” - vị giám đốc này cho biết.
Theo Cục Trồng trọt, VN có hàng trăm công ty giống cây trồng nhưng phần lớn trong số đó là công ty thương mại, chủ yếu nhập khẩu giống từ Trung Quốc về bán lại cho người dân. Trên thực tế việc nhập giống lúa lai từ Trung Quốc có lãi và lãi nhanh hơn khi phải nghiên cứu và sản xuất giống lúa lai. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào một nguồn nhập khẩu nên mỗi khi giá giống của Trung Quốc tăng sẽ tác động ngay đến diện tích lúa lai trong nước.
Ông Phạm Văn Dư, cục phó Cục Trồng trọt, cho biết Bộ NN&PTNT đã có nhiều chính sách để phát triển ngành lúa lai trong nước, nhưng đây là một ngành đòi hỏi công nghệ phải nghiên cứu lâu dài, trong khi đội ngũ nghiên cứu giống lúa lai hiện nay của VN quá mỏng nên kết quả chưa đạt như mong đợi.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia ngành nông nghiệp, điệp khúc nghiên cứu khó, thiếu kinh phí mà các nhà quản lý ngành nông nghiệp đưa ra không có gì mới so với cách đây hàng chục năm. Trong khi đó VN đã chi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng cho chương trình sản xuất giống lúa lai nhưng do cách quản lý lỏng lẻo nên không đạt kế hoạch. Những chương trình hỗ trợ công tác nghiên cứu giống trong nước không đủ để các công ty đầu tư dài hạn, trong khi nhập khẩu hạt giống về bán sẽ ít rủi ro và thu lợi nhanh hơn.
Ông Ngô Văn Giáo, chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN, cho rằng để ngành sản xuất lúa lai trong nước phát triển đạt 70% diện tích như kế hoạch của Bộ NN&PTNT, điều quan trọng là cần đầu tư, hỗ trợ các đơn vị sản xuất hạt giống lúa lai và hỗ trợ một phần giá cho giống sản xuất trong nước. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi để sản xuất giống lúa lai, miễn thuế nông nghiệp với diện tích đất dùng cho việc nhân giống bố mẹ và sản xuất giống lúa lai F1.
Theo Tuổi trẻ