Ngày 7/9, SCMP đưa tin nhiều phụ nữ trên thế giới cho biết họ bị những kẻ lừa đảo mạo danh nam diễn viên Keanu Reeves đánh cắp thông tin cá nhân và tiền mặt.
Để lấy cắp tài sản và thông tin từ nạn nhân, thủ phạm đóng giả thành Keanu Reeves, tán tỉnh đối tượng mục tiêu, lợi dụng tình cảm của họ dành cho nam diễn viên và dụ dỗ nạn nhân gửi tiền.
Đây là một trong số chiêu trò lừa đảo phổ biến giữa thời kỳ đại dịch. Theo SCMP, khi tìm kiếm thông tin, kết quả báo cáo cho thấy nạn nhân của phương thức lừa đảo này gồm nhiều phụ nữ sống tại Canada, Trung Quốc và khắp nước Mỹ.
Tán tỉnh nạn nhân dưới danh nghĩa Keanu Reeves
Chia sẻ với SCMP, Molli Hermiston - một người phụ nữ 35 tuổi - cho biết dì của cô đã bị kẻ tự xưng là Keanu Reeves lừa gạt gần một năm nay. "Dì ấy bị tẩy não quá nhiều, và dì sẽ không nghe lời gia đình chúng tôi", Hermiston tiết lộ.
Nhiều tội phạm lừa đảo mạo danh nam diễn viên Keanu Reeves để lấy cắp thông tin cá nhân và tiền mặt từ nạn nhân. Ảnh: Daniel Jackson. |
"Dì của tôi không phải người ngu ngốc. Việc này hoàn toàn xuất phát từ cảm xúc", cô khẳng định.
Theo Hermiston, dì của cô - người đã bước sang tuổi 70 - dành tình cảm cho nam diễn viên John Wick nhiều tới mức bà đang cố gắng bán căn nhà tại thành phố Little Rock, tiểu bang Arkansas.
"Dì ấy định chuyển tới Los Angeles. Dì muốn được ở gần Keanu hơn", Hermiston chia sẻ.
Hermiston cho biết vào năm 2020, một kẻ lạ mặt đã tiếp cận dì của cô trên mạng xã hội và thuyết phục bà cùng trò chuyện qua ứng dụng trực tuyến. Tại đó, kẻ lừa đảo bắt đầu tán tỉnh dì cô dưới danh nghĩa Keanu Reeves. Sau vài tháng nhắn tin qua lại, cả hai dần phát triển quan hệ tình cảm.
"Hắn thậm chí còn gửi tặng dì tôi một chiếc vòng cổ và đôi hoa tai. Dì ấy đeo chúng mỗi ngày", Hermiston phàn nàn. Đổi lại, kẻ mạo danh Keanu Reeves yêu cầu nạn nhân phải gửi cho hắn 10.000 USD.
Chia sẻ với SCMP, Hermiston cho biết gia đình đã nhờ cô can thiệp vào vấn đề của dì mình và cố gắng thuyết phục bà. Cho tới hiện tại, đây vẫn là thử thách khó khăn dành cho cô. Cô giải thích: "Dì ấy không muốn nói chuyện về vấn đề này".
Nạn nhân là người hâm mộ lớn tuổi, giàu có
Tò mò về cách thức hoạt động của kẻ lừa đảo, Hermiston bật mí cô đã tạo tài khoản mạng xã hội mới và đóng giả làm một người phụ nữ lớn tuổi, có điều kiện kinh tế khá giả. Cô nhấn theo dõi hàng loạt tài khoản về Keanu Reeves do người hâm mộ lập ra.
"Rất nhanh sau đó, 5 người khác nhau tự xưng là Keanu Reeves đã tiếp cận tôi trên mạng xã hội", cô tiết lộ.
Hermiston chia sẻ với SCMP đoạn trò chuyện trên ứng dụng trực tuyến của cô cùng một trong số các kẻ lừa đảo.
"Do tính chất công việc và ngành nghề của tôi, tôi muốn điều này trở thành bí mật riêng giữa tôi và bạn", kẻ mạo danh Keanu Reeves nhắn tin cho Hermiston.
Kẻ lừa đảo nhắm tới những phụ nữ lớn tuổi, có điều kiện kinh tế khá giả và quan tâm tới Keanu Reeves. Ảnh: British GQ. |
Tiếp theo, kẻ giả danh nam diễn viên đưa ra loạt câu hỏi thăm dò dành cho Hermiston. Hắn muốn điều tra thêm về khả năng kinh tế và địa vị xã hội của cô.
Sau thời gian dài trò chuyện cùng Hermiston, kẻ mạo danh bắt đầu dụ dỗ cô. Hắn khuyên cô nên tới gặp hắn tại một sự kiện dành cho người nổi tiếng. Theo hắn, cô chỉ cần bỏ ra 2.000 USD là có thể giành lấy cơ hội tham dự sự kiện này. Ngoài ra, kẻ lừa đảo muốn cô thanh toán bằng Bitcoin.
Thông thường, thủ đoạn lừa đảo bằng cách mạo danh người nổi tiếng khó có thể đánh lừa người hâm mộ của các ngôi sao. Hermiston cho biết cô đã dành nhiều thời gian tìm hiểu để tìm ra lý do nạn nhân mắc bẫy thủ phạm.
Cô phân tích: "Đối tượng bị nhắm tới là phụ nữ lớn tuổi, có thể là những người thường xuyên cảm thấy cô đơn và không ra ngoài nhiều... Họ là những người phụ nữ không có nhiều kiến thức về mạng xã hội".
Số lượng nạn nhân tăng cao
Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, kể từ tháng 1/2020, người tiêu dùng Mỹ đã bị lừa tổng cộng 545 triệu USD. Trong đó, lừa đảo thông qua mạo danh là thủ đoạn phổ biến nhất năm 2020.
Ngoài ra, trong nửa đầu năm, số báo cáo về các vụ lừa đảo bằng mạo danh đã chạm mốc gần 557.000 báo cáo, tăng 1% so với cùng thời kỳ của năm 2020. Vào đầu năm, số vụ lừa đảo lợi dụng quan hệ tình cảm tại Hong Kong tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Tổng số tiền thiệt hại của nạn nhân lên tới 37 triệu USD, tăng 1,6 lần.
Thêm vào đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cho biết thiệt hại từ các vụ lừa đảo lợi dụng quan hệ tình cảm đã đạt mức kỷ lục là 304 triệu USD vào năm 2020. Con số này lớn hơn khoảng 50% so với năm 2019.
Chia sẻ với SCMP, cơ quan này khuyên công chúng nâng cao cảnh giác và không làm theo yêu cầu đáng nghi từ những kẻ mạo danh hoặc không rõ danh tính, đặc biệt là yêu cầu gửi tiền.
Theo SCMP, khả năng thành công của những vụ lừa đảo thông qua mạo danh cũng phụ thuộc vào mong muốn và suy nghĩ của nạn nhân. Nạn nhân càng hy vọng đối phương thực sự là ngôi sao mình yêu thích, họ càng dễ bị thủ phạm lợi dụng và đánh cắp tài sản.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ chia sẻ: "Hàng triệu người chuyển sang dùng ứng dụng hẹn hò trực tuyến, hay các trang mạng xã hội để có thể gặp gỡ ai đó. Nhưng thay vì tìm thấy đối tượng phù hợp, nhiều người lại gặp phải những kẻ lừa đảo cố gắng dụ dỗ họ gửi tiền cho chúng".
Từ năm 2020, số lượng nạn nhân của các vụ lừa đảo thông qua mạo danh người nổi tiếng có xu hướng tăng cao. Ảnh: SCMP. |