Theo Bloomberg, các công tố viên Singapore cáo buộc Ng Yu Zhi lừa ít nhất 1 tỷ đôla Singapore (740 triệu USD) từ nhiều nhà đầu tư thông qua hàng loạt giao dịch hàng hóa khống. Cảnh sát Singapore mô tả đây là một trong những bê bối lừa đảo đầu tư lớn nhất đảo quốc sư tử từ trước đến nay.
Nhà chức trách Singapore vẫn chưa công khai đầy đủ thông tin về Ng và các thủ đoạn lừa đảo của hắn. Tuy nhiên, Bloomberg nghiên cứu hồ sơ tòa án, phỏng vấn các nhà đầu tư và xác định giao dịch viên 33 tuổi huy động số tiền đầu tư khổng lồ với cam kết đảm bảo lãi suất trung bình hàng quý tới 15%.
Mức lãi này tương đương thành tích của các nhà quản lý quỹ phòng hộ hàng đầu thế giới.
Đầu tư rất nhiều lĩnh vực
Là công dân Singapore, Ng được phép tại ngoại sau khi đóng số tiền bảo lãnh 1,5 triệu đôla Singapore (1,1 triệu USD). Giao dịch viên này phải đeo thiết bị giám sát điện tử. Phiên tòa xét xử Ng sẽ tiếp tục diễn ra trong những tuần tới.
Quá khứ của Ng vẫn là một bí mật. Tuy nhiên, giao dịch viên này trở nên nổi tiếng trong cộng đồng làm từ thiện, những người chơi siêu xe và câu lạc bộ doanh nhân của Singapore những năm gần đây. Tháng 8/2020, Ng được Trường Y Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore vinh danh nhờ những đóng góp trong hoạt động gây quỹ.
Giao dịch viên Ng Yu Zhi. Ảnh: PR Newswire. |
Theo Straits Times, chính quyền Singapore đã tịch thu khối tài sản trị giá 100 triệu đôla Singapore (74 triệu USD) - bao gồm chiếc siêu xe Pagani Huayra - của Ng để phục vụ quá trình điều tra. Nguồn tin từ cảnh sát cho biết chiếc Pagani Huayra có mức giá khoảng 5,2-5,9 triệu USD.
Ng đầu tư trong nhiều lĩnh vực, từ hàng hóa, startup công nghệ cho đến cả nhà hàng Nhật Bản và phòng khám thú y. Cáo buộc gian lận chống lại Ng xoay quanh những giao dịch của hắn tại hai công ty Envy Asset Management và Envy Global Trading. Ng kiểm soát và giữ chức giám đốc hai công ty này.
Theo cáo buộc của các công tố viên, trong số hơn 1 tỷ đôla Singapore (747 triệu USD) được đổ vào hai công ty này, khoảng 300 triệu đôla Singapore (224 triệu USD) được chuyển vào tài khoản riêng của Ng. Khoảng 200 triệu đôla Singapore (150 triệu USD) biến mất không dấu vết.
Đến nay, các khách hàng của Ng mới nhận được các khoản thanh toán trị giá tổng cộng 700 triệu đôla Singapore (523 triệu USD). Tuy nhiên, Ng còn nợ các nhà đầu tư tới 1 tỷ đôla Singapore (747 triệu USD).
Lừa gạt bằng giao dịch khống
Theo cáo trạng, Ng huy động tiền từ các nhà đầu tư để mua niken từ một công ty Australia có tên Poseidon Nickel Ltd. Tuy nhiên, Ng chưa từng thực hiện giao dịch này. CEO Poseidon ông Peter Harold khẳng định công ty không có quan hệ hợp tác với Ng hoặc các công ty liên quan.
Ngoài ra, Ng cũng nói với các nhà đầu tư rằng hắn ký nhiều hợp đồng với ngân hàng Pháp BNP Paribas SA. Tuy nhiên, các hợp đồng này không hề tồn tại. BNP không có tài khoản hoặc lịch sử giao dịch nào với Ng, Envy Asset Management hoặc Envy Global Trading.
Trả lời Bloomberg, một nhà đầu tư của Ng cho biết bắt đầu đầu tư với Ng từ năm 2018. Từ đó đến nay, nhà đầu tư này chưa từng rút tiền vì tin tưởng khả năng tạo ra lợi nhuận của Ng.
Trong danh sách các nhà đầu tư của Ng có công ty quản lỹ quỹ Envysion Wealth Management và bà Shim Wai Han - nhà sáng lập Envysion. Cáo trạng cho biết Ng thuyết phục Envysion và bà Shim đầu tư 35,8 triệu USD vào các giao dịch đầu tư niken ảo. "Mục tiêu của chúng tôi bây giờ chỉ có một, đó là lấy lại tiền cho các nhà đầu tư và chính mình", bà Shim nói.
Singapore là trung tâm giao dịch tài chính ở châu Á. Ảnh: AP. |
Cả Envy Asset và Envy Global của Ng đều không được Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cấp phép vì luật không yêu cầu các công ty đầu tư vào tài sản vật chất phải có giấy phép. Sau bê bối của Ng, MAS đã đưa Envy Asset vào danh sách cảnh báo. Hiện, Envy Asset đã không còn hoạt động. Ng bị loại khỏi vị trí giám đốc điều hành Envy Global vào tháng trước vì bê bối lừa đảo.
Trước scandal của Ng, Singapore từng rúng động vì vụ gian lận tài chính của tập đoàn kinh doanh dầu mỏ Hin Leong Trading Ltd. hồi năm ngoái.
Dù vậy, chuyên gia Lawrence Loh - giám đốc Trung tâm Quản trị và Bền vững thuộc Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore - cho rằng chính quyền Singapore cần đảm bảo sự cân bằng giữa việc thắt chặt các quy định kiểm soát tài chính và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư.