Chị M. có ý định tìm ứng dụng chụp ảnh trên App Store mang tên Analog Pack (giá 3,99 USD). Khi lướt Instagram, chị thấy có quảng cáo mua phần mềm này với giá 20.000 đồng, thanh toán bằng thẻ điện thoại. Thấy mức giá hời, người này đã liên hệ để mua.
Thủ đoạn lừa đảo mới nhắm đến sự ham rẻ và cả tin của người dùng iPhone. |
Sau khi dụ nạp thẻ thành công, kẻ gian yêu cầu nạn nhân đăng nhập một tài khoản iCloud khác để "kéo app về máy". Làm theo hướng dẫn, sau khi đăng nhập, máy chị M. lập tức bị khoá, màn hình iPhone hiển thị dòng chữ "iPhone đã bị mất, liên hệ số điện thoại: 0968527xxx".
Theo nạn nhân, kẻ gian đòi 1,5 triệu đồng để mở khoá thiết bị.
Theo anh Nhật Huy (chủ một cửa hàng di động tại quận 10, TP HCM), khi iPhone bị khoá bằng Find My iPhone bằng một tài khoản iCloud khác, rất khó để mở khoá thiết bị nếu không biết mật khẩu. Người dùng cần quản lý tài khoản trên máy thật tốt, không tin vào những lời "hướng dẫn" đăng nhập, đăng xuất từ người khác.
Anh Ngô Xuân Anh, kỹ thuật viên tại một cửa hàng di động ở quận 5, TP HCM cho rằng, thủ đoạn trên khá mới mẻ dù dựa trên kỹ thuật rất cơ bản, đánh vào việc ham rẻ và cả tin của người dùng iPhone là nữ giới. "Đa phần họ đều không ý thức được sự quan trọng của iCloud, hoặc suy nghĩ chủ quan về người bán", Xuân Anh nhận định.
"Bắt cóc" iPhone và đòi tiền chuộc là những trường hợp không hiếm tại Việt Nam. Trong năm 2014, Hà My, một người trẻ ở Hà Nội cũng là nạn nhân, nhưng kẻ gian đã ra tay với một thủ đoạn khác. Sau khi làm mất chiếc túi xách đựng iPhone và khoá máy bằng Find My iPhone, cô gái này nhận được tin nhắn từ một người nhặt được máy, với nội dung "xin mật khẩu iCloud để mở khoá iPhone". Đổi lại, người này sẽ trả lại toàn bộ giấy tờ cho nạn nhân.
Sau khi Hà My trình báo công an địa phương, kẻ gian đã lộ mặt và vụ việc được giải quyết. Tuy nhiên đây là trường hợp hiếm hoi lấy lại được iPhone bị mất ở Việt Nam. Hầu hết những chiếc iPhone bị khoá iCloud đều bị đem bán xác với giá rẻ.