Đến cuối tháng 6, mưa lớn và ngập lụt đã ảnh hưởng đến hơn 15 triệu người sinh sống trên các địa bàn ở 13 tỉnh của Trung Quốc, theo Bộ Ứng phó Khẩn cấp. Ít nhất 106 người chết và mất tích. Khoảng 97.000 ngôi nhà chịu thiệt hại. Tổn thất kinh tế từ đợt thiên tai này đã lên đến 25 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3,6 tỷ USD), theo Bloomberg.
Hình ảnh được chia sẻ trên truyền thông và mạng xã hội đã cho thấy hệ lụy nghiêm trọng từ hiện tượng thời tiết cực đoan: nhà cửa đổ sụp, nước cuốn trôi cả ôtô, cây trồng bị vùi lấp dưới bùn đất, còn những cánh đồng lúa đã biến thành biển nước.
Ở Dương Sóc, tỉnh Quảng Tây, một cây cầu treo bị nhấn chìm hoàn toàn dưới nước. Đường bộ và đường sắt ở Trùng Khánh, gần dòng Kì Thủy, cũng chịu chung số phận.
Người dân xem cảnh xả lũ tại đập Tam Môn Hạp, thuộc tỉnh Hà Nam, ngày 30/6. Ảnh: Imaginechina. |
Cảnh báo gần như mỗi ngày
Công cuộc trị thủy, tìm cách kiểm soát lũ lụt hiệu quả cho vùng đồng bằng thấp trũng, đã kéo dài hàng nghìn năm tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thời tiết ngày càng khó lường khiến việc kiểm soát lũ thêm thách thức, đe dọa cuộc sống thường ngày và sinh mạng của hàng triệu người đang sinh sống và làm việc dọc theo các dòng sông.
Giới hoạt động môi trường cảnh báo cảnh đau lòng sẽ còn tiếp diễn, cho đến khi nào Trung Quốc xây dựng được cơ sở hạ tầng có độ bền cao hơn và giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
"Những trận lũ kinh hoàng mà chúng ta đang chứng kiến diễn ra cùng lúc với tình trạng các sự kiện thời tiết cực đoan gia tăng vì biến đổi khí hậu", Liu Junyan, nhà hoạt động cho tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh) tại khu vực Đông Á, cho biết.
"Nhu cầu cấp bách hiện nay là củng cố hệ thống cảnh báo sớm cho các sự kiện thời tiết cực đoan, đánh giá rủi ro khí hậu trong tương lai tại các thành phố, và cải thiện hệ thống kiểm soát lũ".
Theo báo cáo năm 2019 của Cơ quan Khí tượng Trung Quốc, tần suất của cả những đợt mưa lớn và đợt nóng nghiêm trọng dưới tác động của biến đổi khí hậu đã tăng đều trong 6 thập kỷ qua.
Đợt lũ lụt năm nay đang gây ra tác động lớn về nông nghiệp lẫn năng lượng của Trung Quốc. Ít nhất 80.000 ha đất trồng lúa, hoa màu và trái cây tại tỉnh Hồ Bắc chịu thiệt hại. Đầu mùa hè là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của cây lúa. Các chuyên gia cảnh báo sản lượng năm nay sẽ giảm đáng kể vì mưa lũ. Trong khi đó, mưa lớn làm tăng năng suất phát điện của thủy điện và giảm nhu cầu tiêu thụ than đá cho nhiệt điện.
Kể từ đầu tháng 6, đã có 5 đợt mưa lớn được ghi nhận ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Trung tâm Khí tượng Quốc gia phải phát cảnh báo giông bão gần như mỗi ngày. Theo cơ quan này, sẽ còn hai đợt mưa lớn diễn ra trong những ngày tới. Tính đến cuối tháng 6, ít nhất 25 dòng sông lớn ở Trung Quốc đã vượt ngưỡng báo động lũ lụt.
Mặc dù một số vùng bị ảnh hưởng nhìn chung đều chịu thiệt hại từ mưa lũ gần như mỗi năm, tổng lượng mưa cộng dồn của năm nay đã cao hơn mức bình thường gấp 2-3 lần, theo Chen Tao, trưởng bộ phận dự báo thời tiết tại Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc.
Mưa lớn gây ngập lụt tại châu tự trị Tương Tây của Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Mất đi lá chắn tự nhiên
Hiện tượng nước biển dâng, được giới khoa học nhìn nhận là hệ quả của nóng lên toàn cầu, cũng đang đe dọa nhiều thành phố tại Trung Quốc.
Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, tốc độ dâng trung bình của mực nước biển tại duyên hải nước này là 3,4 mm/năm trong giai đoạn từ năm 1980-2019. Con số này còn cao hơn tốc độ trung bình toàn cầu. Trong năm 2019, mực nước biển dọc duyên hải Trung Quốc dâng cao hơn bình thường đến 72 mm.
Một nghiên cứu khác cho thấy khu vực đồng bằng châu thổ sông Châu Giang, vùng trọng điểm cho công nghiệp chế tạo của Trung Quốc và là nơi sinh sống của hàng chục triệu người, đã trở thành trung tâm đô thị chịu rủi ro cao nhất từ hiện tượng nước biển dâng. Nếu chính phủ Trung Quốc không có các biện pháp ngăn chặn, thành phố sẽ ngập 67 cm vào năm 2100.
Ngoài biến đổi khí hậu, quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa kéo dài nhiều thập kỷ qua tại Trung Quốc, bao gồm hoạt động san lấp hồ nước và đầm lầy, cũng tăng nguy cơ thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, từng được mệnh danh là "Bách Hồ Thành" (thành phố có hàng trăm hồ nước). Phần lớn trong số 127 hồ lớn của thành phố vào thập niên 1980 nay đã biến mất. Chúng được san lấp để phục vụ nhu cầu xây dựng. Giờ đây, thành phố là một trong những đô thị có tình trạng ngập lụt nghiêm trọng nhất Trung Quốc.
"Hoạt động của con người đã hủy hoại sông, hồ, rừng và mọi hình thái phòng vệ thiên nhiên trước lũ lụt", Yu Jianfeng, nhà sáng lập Trung tâm Văn hóa Công cộng về Bảo vệ Môi trường Các dòng sông, một tổ chức phi lợi nhuận đặt tại Trùng Khánh, chia sẻ.
"Đã đến lúc chúng ta đặt ra các nguyên tắc về cách phát triển. Chúng ta cần chừa lại đủ số hồ trữ nước tự nhiên trong các thành phố để giảm thiệt hại".