NFT thuộc bộ sưu tập "Treasure Trunks" có giá 40.000 USD cho mỗi token. Ảnh: Louis Vuitton. |
Giữa một năm im ắng của Web3, Louis Vuitton quyết định lấn sân vào NFT. Ngày 6/6, thương hiệu ra mắt bộ sưu tập rương ảo “Treasure Trunks”. Chủ sở hữu NFT, có giá khoảng 40.000 USD, sẽ được ưu tiên mua các sản phẩm LV trong tương lai. Chỉ có tổng cộng vài trăm token được bán ra,
“Treasure Trunks” là một phần của dự án có tên “Via”, có nghĩa là "con đường" trong tiếng Latinh, ám chỉ quyền tiếp cận các sản phẩm và trải nghiệm LV chỉ dành cho những người sở hữu vật phẩm ảo đắt tiền, theo Vogue Business. Đây là cách làm đã trở nên quen thuộc với nhiều thương hiệu xa xỉ. Các NFT đắt tiền và khó mua thường được định vị là chìa khóa cho các sản phẩm và trải nghiệm khác, cả vật lý và kỹ thuật số.
Sản phẩm NFT trước đây của Louis Vuitton, Louis the Game, ra mắt tháng 8/2021 và là trò chơi miễn phí giáo dục người chơi về lịch sử của Louis Vuitton. Những người chơi đạt điểm cao có cơ hội giành được một trong 30 bưu thiếp kỹ thuật số miễn phí. LV coi Via là một bước ngoặt, bắt đầu sử dụng NFT để tăng khả năng truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, thời điểm ra mắt bộ sưu tập mới bị cho là kỳ lạ, vì các dự án NFT đều đang chậm lại và không còn là mặt hàng được săn đón.
Vào tháng 1/2022, khi metaverse và NFT ở cao điểm, Bernard Arnault, Giám đốc điều hành LVMH, nói rằng chỉ các mặt hàng NFT có giá trị cao mới phù hợp với thương hiệu của công ty. “NFT có thể có tác động tích cực, nhưng chúng tôi không sẽ không bán giày thể thao ảo với giá vài chục USD", Arnault nói.
Để có được một trong các rương thuộc bộ “Treasure Trunks”, khách hàng phải đến từ Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản hoặc Australia. Từ 8/6, người muốn mua phải đăng ký vào danh sách chờ qua một trang web, kết nối ví tiền điện tử và điền thông tin cá nhân.
Vào ngày 14/6, Louis Vuitton sẽ mời những người đăng ký tìm hiểu thêm về Via thông qua một trang web khác. Đến ngày 16/6, hãng sẽ gửi lời mời mua "Treasure Trunks" và đường dẫn đến một trang web khác nữa đến những khách hàng được chọn. Lúc này, người mua thanh toán bằng tiền điện tử hoặc tiền pháp định.
Sau khi mua NFT, khách hàng cũng sẽ nhận được một chiếc rương vật lý là bản sao của rương ảo. Thông thường, những chiếc rương Louis Vuitton có thể có giá hàng chục nghìn USD. Louis Vuitton đang tìm cách bảo vệ quyền truy cập vào Via, vì chủ sở hữu "rương ảo" không được phép bán hoặc tặng nó cho người khác, nhằm tránh tình trạng mua đi bán lại kiếm lời.
Khách hàng cũng không thể trả lại rương sau khi đã mua, chỉ có thể định kỳ mua thêm “chìa khóa” để mở khóa quyền truy cập vào các sản phẩm bổ sung. Sản phẩm đầu tiên sẽ ra mắt vào giữa tháng 6 và chỉ được tiết lộ cho những chủ sở hữu rương. Các sản phẩm bổ sung này có thể được mua và bán.
Cách tổ chức này - tiết lộ thêm sản phẩm sau đợt ra mắt ban đầu, quyền truy cập các sản phẩm độc quyền trong tương lai - giống với nhiều dự án NFT thành công trước đây, chẳng hạn như Bored Ape Yacht Club và Rtfkt, hiện thuộc sở hữu của Nike.
Để blockchain không bị hiểu nhầm
Blockchain vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, dù mang đến tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp. Phần lớn người quan sát nghĩ rằng blockchain gắn với tiền mã hóa cùng hàng loạt bê bối trong thị trường này, nhưng thực chất công nghệ chuỗi khối rộng hơn nhiều.
Mục Công nghệ giới thiệu những bài viết, cuốn sách hay nhất về blockchain để độc giả tìm hiểu thêm về công nghệ được đánh giá cao hiện nay.