Người trẻ đi học các lớp nấu cỗ để thành thạo kỹ năng chế biến và trình bày món ăn. Ảnh minh hoạ: Sơn Tùng Trần/Pexels. |
Từ đầu tháng 12/2022, đầu bếp, giảng viên nấu ăn Lưu Huỳnh Châu (Hà Nội) đã tất bật với những lớp dạy nấu cỗ Tết. Gà luộc, xôi đỗ hay canh măng miến, đó là những món chính mà học viên của anh muốn được hướng dẫn tỉ mỉ.
Chia sẻ với Zing, anh Châu cho biết học viên của mình ở độ tuổi 22-45, trong đó có các chị em làm công việc nội trợ, kinh doanh hoặc nhân viên văn phòng.
Đa số đăng ký học nấu món lẻ, đặc biệt là những món cổ truyền như gà, xôi, nem rán… Tuy vậy, một số mong muốn học cách nấu trọn vẹn một mâm cỗ Tết nhiều món.
“Nhiều năm qua, đến dịp cuối năm, số lượng học viên học nấu cỗ Tết lại tăng đột biến. Có người đã có kinh nghiệm nấu ăn cơ bản, muốn nâng cao tay nghề, nhưng cũng có những bạn trẻ học tập từ con số 0”, đầu bếp Châu nói.
Giai đoạn cuối năm, đầu bếp Huỳnh Châu nhận số lượng lớn học viên học nấu cỗ Tết. |
Loay hoay với cỗ Tết
Sau mùa lễ hội cuối năm với hàng loạt bữa tiệc tại gia, Như Ngọc (27 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định đăng ký một khóa học nấu cỗ.
Trước đó, được mẹ truyền dạy kinh nghiệm nấu ăn, nhân viên văn phòng này từng nghĩ nấu cỗ Tết chỉ là chuyện nhỏ.
Chỉ đến khi chật vật trong bếp với hàng tá xoong nồi, gia vị, cô mới nhận ra nấu cỗ đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Với khoảng 8 món ăn mặn, cô không biết thứ tự thực hiện sao cho phù hợp. Đang nêm nếm nồi nước dùng, Ngọc lại nhớ ra chưa luộc gà.
Như Ngọc từng nghĩ nấu cỗ không mấy khó khăn, cho đến khi loay hoay với nhiều mâm cỗ 8 món. |
“Nấu ăn hàng ngày dễ dàng hơn nhiều vì đồ ăn không xuất sắc vẫn có thể ăn tạm. Trong khi đó, hoàn thiện một mâm cỗ để thắp hương gia tiên yêu cầu sự chỉn chu và tỉ mỉ cao”, cô chia sẻ.
Nhiều lần đứng bếp tê chân vẫn chưa thể hoàn thiện mâm cỗ, mẹ lại có tuổi nên không thể hỗ trợ, Ngọc thử đặt cỗ từ nhà hàng.
Ban đầu, cô háo hức vì nghĩ rằng các món ăn được chuyển đến vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Tuy nhiên, sau khi thắp hương xong, cô nhận ra phần lớn mâm cỗ không phù hợp với khẩu vị gia đình.
Dù đã đổi nhà hàng nhiều lần, Ngọc vẫn chưa tìm được địa chỉ nấu cỗ vừa ý.
“Tôi là người khá khó tính. Đối với tôi, mâm cỗ Tết phải chỉn chu từ mùi vị đến hình thức”, cô tâm sự.
Tương tự Như Ngọc, Duy Phong (28 tuổi, Hà Nội) cũng từng nhiều lần khổ sở với với mâm cỗ truyền thống. Cả năm làm việc vất vả, đến Tết, anh mong sẽ có thể nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè và họ hàng. Tuy nhiên, việc cùng mẹ nấu cỗ đã chiếm phần lớn thời gian trong ngày.
“Những năm trước, tôi thường mất khoảng 7-8 tiếng để chuẩn bị một mâm cỗ Tết gồm đầy đủ 8 món. Đứng bếp lâu rất mệt, lại làm giảm hứng thú ăn uống”, Phong kể.
Đặc biệt, khâu sơ chế gà trước khi luộc khiến anh ngại ngần nhất. Ngoài ra, những món ăn chiên, xào sử dụng nhiều dầu mỡ cũng làm anh ngán ngẩm vì vừa không tốt cho sức khỏe, vừa gây hại cho môi trường.
Học luộc gà, đồ xôi và nấu cỗ chay
Cách Tết Nguyên đán khoảng một tháng, Như Ngọc tham gia một khóa nấu cỗ ngắn hạn. Với 8-9 buổi học liên tiếp, cô được đào tạo bài bản từ khâu chọn nguyên liệu đến bày biện mâm cỗ. Mức học phí khoảng 200.000 đồng/món ăn được cô cho là phù hợp với khả năng chi trả.
Hiện tại, sau khi được chỉ dẫn đầy đủ, Ngọc đã tự tin tự gói bánh chưng, đồ xôi tại gia. Đây vốn là hoạt động cô luôn yêu thích từ ngày còn bé.
“Hồi nhỏ, mỗi dịp Tết, gia đình tôi thường quây quần nấu cỗ. Mỗi người một việc, ai cũng háo hức, vui vẻ. Đó là cảm giác mà tôi không bao giờ quên”, cô chia sẻ thêm.
Từ ngày thành thạo việc cỗ bàn, Ngọc hiếm khi nghĩ tới chuyện đặt cỗ từ tiệm. Dù bận rộn công việc, cô vẫn sẵn sàng xắn tay áo vào bếp trộn nhân làm nem, ngâm gạo đồ xôi.
Không chỉ thực hiện được mâm cỗ truyền thống, Ngọc còn thể hiện khả năng sáng tạo qua mâm cỗ “healthy” hơn như tàu hủ ky cuộn mọc, bắp cải cuộn thịt, salad chanh leo, nộm dưa chuột... Với những món ăn ít dầu mỡ, nhiều chất xơ, các thành viên trong gia đình không còn cảm thấy ngấy trong những ngày Tết.
Như Ngọc tự tay làm bánh chưng sau bài học từ lớp nấu ăn. |
Trong khi đó, Duy Phong quyết tâm chuyển hẳn sang nấu cỗ chay cho những ngày Tết tại gia đình mình. Anh đăng ký một khóa học cỗ chay cơ bản với giá gần một triệu đồng.
Chỉ trong một buổi chiều, Phong cùng giáo viên thực hiện một mâm cỗ chay gồm canh chua ngọt, gỏi bưởi, salad, miến trộn, nem thính rau củ, rau xào nấm… Những món ăn này vừa giàu dinh dưỡng, vừa giúp cơ thể cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng hơn.
Thêm vào đó, anh cũng học được nhiều mẹo hữu ích khi nấu ăn, ví dụ như bỏ vài lát gừng vào món ăn để giúp cơ thể ấm hơn khi trời lạnh, xào qua nấm để loại bỏ các vi sinh vật...
“Khi tôi đề xuất nấu cỗ chay, ban đầu gia đình khá bối rối nhưng sau đó đã đồng ý. Tôi thuyết phục rằng cỗ chay tốn ít thời gian chuẩn bị hơn, nhưng vẫn ngon không kém gì cỗ mặn”, Phong chia sẻ.
Duy Phong được hướng dẫn nấu mâm cỗ chay với nguyên liệu là rau củ và đậu phụ. |
Cần đầu tư thời gian, tiền bạc
Theo đầu bếp Lưu Huỳnh Châu, xu hướng học nấu cỗ Tết đã xuất hiện từ nhiều năm qua với số lượng học viên trẻ ngày càng gia tăng. Không chỉ học nấu từng món trong mâm cỗ, các bạn còn mong muốn được hướng dẫn về khâu lựa chọn nguyên liệu, cắt tỉa trang trí…
Tùy vào độ phức tạp của món ăn, thời gian và công sức học sẽ thay đổi. Tuy vậy, học viên thông thường cần dành một buổi để có thể được hướng dẫn nấu thành công một món. Như vậy, để nấu trọn vẹn một mâm cỗ Tết, họ cần dành thời gian dài hơi hơn với chi phí tăng theo tỷ lệ thuận.
“Tại lớp của tôi, học viên cần chi trả 1-3 triệu đồng để học thành thạo một món trong mâm cỗ Tết cơ bản. Thông thường, các bạn cũng ưu tiên hình thức học lẻ như vậy, chỉ học một món khó làm để tiết kiệm thời gian, chi phí”, anh cho hay.
Phần lớn học viên của đầu bếp Châu học nấu cỗ Tết theo món lẻ, một số học trọn vẹn một mâm cỗ. |
Food blogger ẩm thực Nguyễn Thu Hương (Hương Chóe, Hà Nội) cũng nhận thấy sự gia tăng số lượng bạn trẻ có nhu cầu học nấu cỗ Tết.
“Tôi từng cho rằng các bạn trẻ chuộng đặt cỗ Tết từ nhà hàng để đỡ phải tất bật nấu nướng dịp lễ. Nhưng học viên của tôi thường cầu kỳ và kỹ tính nên mong muốn tự tay thực hiện mâm cỗ tại gia”, cô nói với Zing.
Theo chia sẻ của Hương, các đơn vị nấu cỗ Tết thường sử dụng nhiều gia vị và dầu mỡ để món ăn trở nên đậm đà, bắt mắt. Vì thế, việc sử dụng những món ăn này có khả năng tác động xấu tới sức khỏe. Các gia đình có người già và trẻ nhỏ cần hạn chế những mâm cỗ như vậy.
Sau khi học xong khóa nấu cỗ Tết, học viên không chỉ thực hiện thành công những món ăn hợp khẩu vị gia đình mà còn kiểm soát được thành phần dinh dưỡng trong mâm cỗ.
Theo food blogger này, những người chưa có kỹ năng cơ bản cũng có thể tham gia lớp học nấu cỗ. Nhiều học viên của cô chưa từng động tới nồi niêu tại nhà.
Tuy nhiên, để hoàn thiện một mâm cỗ, học viên cần thực hiện nhiều kỹ thuật tương đối khó như cắt tỉa rau củ, căn chỉnh mức độ lửa và nêm nếm gia vị.
Lớp học nấu cỗ của Thu Hương thu hút nhiều học viên vào dịp cận Tết. |
Mâm cỗ tại mỗi vùng miền lại chuộng một loại vị khác nhau. Người Bắc thích vị mặn, người Trung ưa vị cay, người Nam lại quen thuộc với vị ngọt. Điều này đòi hỏi người đứng bếp phải tinh tế trong việc gia giảm các món ăn.
Với những kỹ thuật khó như vậy, học viên thường phải mất từ 2-3 tháng để thành thạo từ khâu chọn lựa, sơ chế nguyên liệu, nấu nướng và trang trí. Đó cũng là lý do các lớp học nấu cỗ của Hương kín chỗ từ tháng 10 hàng năm.
Hương Chóe cũng cho biết mức giá cho các lớp nấu cỗ dao động trong khoảng từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
“Học viên thường không do dự chi trả cho các lớp học này, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn theo học hết khóa. Với lịch trình bận rộn dịp cuối năm, nhiều học sinh của tôi phải gác lại mơ ước tự tay thực hiện một mâm cỗ Tết”, cô nói thêm.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.