Tại Trung Quốc, WeChat là một trong những nền tảng kỹ thuật số đa năng, phổ biến nhất. Từ gọi điện video, thanh toán hóa đơn cho đến đặt lịch hẹn tại bệnh viện, ứng dụng này dường như có thể làm mọi thứ.
Tuy nhiên, đối với bà Ma Chunxia, 67 tuổi, WeChat chỉ là phương tiện giúp bà giữ liên lạc với bạn bè.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc năm 2018, chưa đến một nửa số người cao tuổi được hỏi tại nước này biết cách sử dụng các dịch vụ thiết yếu như mua sắm trực tuyến, đặt vé trên điện thoại.
Thế hệ trẻ thường quá bận rộn để có thể chỉ dạy những tính năng trên điện thoại cho bố mẹ. Ảnh: Getty. |
Bên cạnh đó, công ty công nghệ Tencent cho biết trong 9 tháng đầu năm 2018, có tới 30% người cao tuổi dùng WeChat rơi vào bẫy lừa đảo trực tuyến. Con số này tương đương với khoảng 61 triệu người.
Trước tình trạng đó, Drum Tower, trường cao đẳng giáo dục thường xuyên dành cho người cao tuổi ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đã mở một khóa đào tạo cách sử dụng điện thoại thông minh.
Trong khóa đào tạo này, bà Ma cùng nhiều người cao tuổi khác được học về kỹ năng thanh toán trực tuyến, cách sử dụng mã sức khỏe kỹ thuật số (một hệ thống theo dõi tình trạng sức khỏe và lịch trình di chuyển cá nhân của Trung Quốc). Quan trọng nhất, những người tham gia khóa học được dạy các cách tránh lừa đảo trực tuyến.
“Không nên bỏ qua người cao tuổi trên quá trình phát triển công nghệ”, Ye Qingtao, Hiệu trưởng trường chia sẻ với Beijing News. Ông tin rằng khóa học sẽ mở ra cơ hội giúp người cao tuổi thích nghi và đối phó với những bước tiến của thời đại.
“Các con tôi rất thạo vấn đề này, nhưng chúng không có thời gian và kiên nhẫn để chỉ cho tôi. Giờ đây tôi có thể hỏi các giáo viên trong lớp”, bà Ma cho biết mục tiêu hiện tại của bà là học cách đặt lịch hẹn tại bệnh viện.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, bà Ma quyết định tham gia lớp học khi nhận thấy nhiều cửa hàng ngừng nhận tiền mặt do lo ngại nguy cơ lây lan bệnh. Bà không phải người duy nhất bị tụt hậu khi các ứng dụng công nghệ ngày càng gắn bó hơn trong cuộc sống.
Thanh toán trực tuyến, đặt lịch hẹn trên điện thoại thông minh là những dịch vụ cơ bản tại Trung Quốc. Ảnh: CFP. |
Trong đại dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy quá trình số hóa các dịch vụ dân sự, đồng thời yêu cầu người dân đăng ký mã sức khỏe được hiển thị ngay lối vào bệnh viện, trung tâm mua sắm, ngân hàng…
Một số bệnh viện, ngân hàng nước này thậm chí chỉ chấp nhận các cuộc hẹn trực tuyến hoặc thông qua các ứng dụng điện thoại. Các cửa hàng cũng khuyến khích thanh toán qua thiết bị di động.
Sự thay đổi trong thời kỳ dịch bệnh đang khiến thế hệ người cao tuổi Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Tháng 10/2020, một người đàn ông lớn tuổi đã bị Bệnh viện Răng hàm mặt Hoa Tây Tứ Xuyên từ chối phục vụ do không biết cách đặt lịch hẹn trực tuyến.
Người đàn ông đã bắt chuyến xe buýt đến bệnh viện vào buổi sáng. Khi đến nơi, nhân viên bệnh viện cho biết các dịch vụ tại chỗ đã bị hủy để đảm bảo an toàn. Nhân viên bệnh viện ngay sau đó đã đề nghị ông nhờ con cái giúp đặt lịch hẹn trực tuyến.
“Bệnh viện không thể đuổi chúng tôi về”, mặc dù đã xin phép nhân viên, người đàn ông này vẫn phải quay trở về nhà.
Trước những bất cập đó, những khóa học kỹ năng sử dụng điện thoại di động của trường cao đẳng Drum Tower đã thu hút nhiều sự quan tâm. Các lớp học mở ra cũng luôn kín chỗ. Hiệu trưởng Ye cho biết chương trình giảng dạy vốn không được thiết lập sẵn, thay vào đó giáo viên sẽ dạy cho người cao tuổi bất cứ kỹ năng cơ bản nào trong cuộc sống.