14h30 hàng ngày, hành lang tầng 6 khu điều trị nội trú (Bệnh viện Nhi Trung ương) rộn ràng bởi các bệnh nhân nhí tham gia lớp học của “cô giáo Adele”.
Những bé không có giờ tiêm buổi chiều hầu hết đều háo hức tham gia. Dưới sự hướng dẫn của Adele Bacogne, nữ tình nguyện viên 20 tuổi đến từ Pháp, các bệnh nhi chia thành từng nhóm nhỏ học và chơi.
Lớp học còn có sự tham gia của một số tình nguyện viên khác. Kim Anh, sinh viên Học viện ngoại giao phụ trách tổ chức trò chơi đoán tên con vật qua tiếng kêu. David Hlusko (24 tuổi, đến từ Slovakia) chơi trò ném dây vào cọc gỗ cùng các bệnh nhi nhỏ tuổi…
Trong lớp, Tuấn Anh, một bệnh nhi chậm phát triển luôn muốn thắng trong các trò chơi. Còn Giang, cô bé bị biến chứng do dùng thuốc chữa bệnh thận thì luôn giấu mình sau chiếc khẩu trang… Phụ huynh của các bé đứng ở vòng ngoài cổ vũ. Các y, bác sĩ đi ngang hành lang cũng dừng lại xem các bé chơi.
Để làm Tuấn Anh vui, mỗi lần chơi cùng, Adele thường để cậu giành phần thắng. Khi đó, cậu bé trầm lặng ngày thường lại hét lên sung sướng và hào hứng đòi chơi tiếp.
Mở từ 14h30 đến 16h30, trừ cuối tuần, tại lớp học của cô giáo trẻ ngoại quốc, các em được học tiếng Anh bằng trò chơi, chơi đoán chữ, xếp hình, ném dây, xúc xắc...
Vừa thắng được Giang 2 lượt trong trò đoán tên con vật, Tuấn Anh cười tít mắt: “Cháu thích chơi với các cô chú và các bạn lắm. Ở đây, nhiều trò chơi lạ, không có ở quê cháu”.
Adele, David và các tình nguyện viên Việt Nam sau khi lớp học kết thúc. Ảnh: Quỳnh Như. |
Adele Bacogne đến Việt Nam với tư cách là tình nguyện viên quốc tế thông qua tổ chức CSDS (Center for Sustainable Development Studies), tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam.
Kể về cơ duyên đến Việt Nam, cô chia sẻ, khi xem một chương trình truyền hình thực tế về các tình nguyện viên quốc tế làm việc với trẻ em châu Á, cô rất thích thú. Sau khi nhận chứng chỉ về chăm sóc và vui chơi với trẻ em ở Pháp, Adele đăng ký làm tình nguyện viên quốc tế và đến Việt Nam.
Hiện, ngoài lớp học ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Adele còn tham gia hỗ trợ lớp học cho trẻ em tự kỷ ở trường mầm non Sao Mai. Adele cho hay, cô dành nhiều sự chăm sóc với các em tự kỷ. Bởi, các bé không có ngôn ngữ, luôn thể hiện tình cảm bằng hành động.
“Tôi thích ôm các bé vào lòng, xoa đầu, dỗ dành khi các em buồn. Điều ấy khiến tôi có cảm giác như một người mẹ”, cô nói.
Đồng hành cùng Adele là David. Công việc chủ yếu của anh là dạy học ở lớp tiếng Anh cộng đồng. Vì muốn có thêm trải nghiệm và kinh nghiệm dạy các trẻ em nhỏ tuổi nên David tham gia vào lớp học của trẻ em ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Dù sắp phải trở về nước để hoàn việc học tập, song, David đã dự định trở lại Việt Nam để tiếp tục hoạt động tình nguyện
Luôn ở bên hỗ trợ Adele trong các công việc tình nguyện phải kể đến các bạn tình nguyện viên Việt Nam. Để được tham gia, các tình nguyện viên người Việt phải có vốn tiếng Anh tốt và vượt qua được cuộc tuyển chọn do các tổ chức phi chính phủ như CSDS thực hiện.
Adele và David đang trò chuyện với bệnh nhi và phụ huynh. Ảnh: Quỳnh Như. |
Nói về hoạt động của nhóm, Kim Anh cho hay, tình nguyện viên người Việt hỗ trợ Adele giao tiếp với trẻ em, phiên dịch, kết nối mọi người xung quanh.
“Adele rất yêu yêu trẻ con và nhiệt huyết với công việc, chơi với trẻ con là niềm hạnh phúc của bạn ấy”, Kim Anh chia sẻ.
Theo nữ sinh viên này, nhiều bệnh nhi tham gia lớp học rất rụt rè, nhút nhát. Nỗi đau bệnh tật cùng quá trình điều trị bệnh lâu dài khiến các em không được đến trường, tiếp xúc với xã hội khiến các em khép mình, buồn bực. Adele hướng dẫn các em vẽ tranh, ghép từ tiếng Anh và xếp hình. Bằng sự ân cần của mình, cô gái giúp các em từng bước, tạo cảm giác thân thiện khiến các em mở lòng.
“Hoạt động vui chơi, dạy tiếng Anh trong giúp bệnh nhi có người cùng chơi, hòa đồng với bạn bè, để các em biết luôn có người quan tâm đến mình, biết cuộc sống không chỉ có kim tiêm, dung dịch, thuốc men...”, Kim Anh nói.
Chị Nguyễn Thị Hệ (quê Hà Tĩnh), mẹ một bệnh nhi mắc chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh cho hay, lớp học khiến con chị vui vẻ và cởi mở.
“Ngày nào bé cũng mong đến giờ để ra chơi với các cô Tây, chú Tây. Thứ bảy, chủ nhật lớp không mở, con cứ ngóng. Lúc đó, tôi chỉ biết đem con đi dạo quanh quẩn trong khuôn viên bệnh viện”, chị kể.