Lộn xộn, manh mún như truyền hình cáp
Thị trường quy mô còn nhỏ nhưng có quá nhiều đài truyền hình (TH) địa phương, quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ, hoạt động lộn xộn, chồng chéo, dẫm lên chân nhau.
>>Doanh nghiệp Trung Quốc 'chiếm lĩnh' truyền hình cáp Quy Nhơn
>>VTV từ chối nghệ sĩ mặc hở lên sóng
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền Thông - Đỗ Quý Doãn - đã nhận định như vậy trong Hội thảo Quy hoạch Phát triển Phát Thanh Truyền Hình Việt Nam đến năm 2020, diễn ra ngày 28/6 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng, hiện dịch vụ cáp đồng trục đang phát triển “rất manh mún”, với sự tham gia của trên 40 đơn vị nhưng hầu hết đều chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, từ vài ngàn tới vài chục ngàn thuê bao.
Mạnh ai nấy làm
Cụ thể, ở truyền hình quảng bá có 3 đài mặt đất toàn quốc, 8 đài của các bộ ngành và tỉnh thành nào cũng có đài địa phương. Bên cạnh đó, còn quảng bá số mặt đất của VTC, quảng bá di động mặt đất của VTV. Truyền hình trả tiền cũng đủ các loại hình, số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình IPTV (qua giao thức Internet), truyền hình qua di động với 40 đơn vị cung cấp, nổi trội là VTC, VTCT, FPT...và mới đây là AVG.
Sự phát triển thiếu quy hoạch tổng thể này dẫn tới nhiều hệ lụy như lãng phí nguồn lực đầu tư mà hiệu quả vẫn không cao. Khu vực thành thị “bội thực” nội dung truyền hình trong khi các khu vực nông thôn, hẻo lánh vẫn “đói” thông tin.
Ảnh minh họa. |
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Doãn, ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng Giám đốc Đài TH Việt Nam, cũng cho rằng thị trường truyền hình cáp nói riêng và truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện nay quá lộn xộn, và việc phải chấn chỉnh lại là “không phải bàn cãi”.
“Tổng số đài TH và các nhà cung cấp dịch vụ hiện quá nhiều rồi. Không một nước nào lại có nhiều đài TH địa phương như ở Việt Nam”, vị chuyên gia kỳ cựu này chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Lãm cũng chỉ ra nhiều thực trạng phổ biến như việc các kênh dịch vụ chưa đạt chất lượng đồng đều, nhiều kênh phát sóng nội dung “khá cẩu thả”, các đài phát triển theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng” chứ không nhìn chung quanh, không nghĩ đến toàn cục.
“Thú thật là chúng ta chưa phát triển lắm nhưng lại chơi sang”, ông Lãm kết luận.
Tách riêng truyền dẫn phát sóng với nội dung
Trước tình trạng này, Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT, cho biết Bộ TT&TT đã đặt quan điểm phải quản lý lĩnh vực phát thanh truyền hình (PTTH) dưới dạng công nghệ, cụ thể là tách ngành truyền hình thành hai mảng riêng là truyền dẫn phát sóng và nội dung thông tin. Phần nội dung thông tin sẽ chịu quy định của Luật báo chí, nghĩa là chỉ các đơn vị sự nghiệp Nhà nước mới được làm, trong khi phần truyền dẫn sẽ thuộc phạm vi quản lý của luật Viễn thông, do các doanh nghiệp khai thác.
Ông Tuấn cũng thừa nhận hiện đang có hiện tượng “bắt tay ngầm” giữa các các đơn vị truyền hình lớn, theo kiểu phân địa bàn khai thác cho từng đơn vị. “Quận này bên A đã vào rồi thì nhường lại quận kia cho hãng B, hãng C”, rồi nhiều tòa nhà ký hợp đồng độc quyền với một nhà cung cấp dịch vụ, buộc tất cả các hộ dân ở đó đều phải sử dụng dịch vụ truyền hình của nhà cung cấp đó…”. Đây là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh cho thị trường, và ông Tuấn cho biết, quan điểm của Bộ TT&TT là “rất phản đối”.
Trong quy hoạch PTTH đến năm 2020, Bộ sẽ có những quy định bắt buộc doanh nghiệp có hạ tầng mạng phải “mở mạng”, công bố giá cước cho thuê để các nhà cung cấp dịch vụ khác vào.
Chọn công nghệ nào?
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, đề xuất tại Hội thảo rằng việc phát triển thị trường TH trả tiền phải được “tiến hành có lộ trình”, những công nghệ không chiếm nhiều tài nguyên quốc gia như tần số thì không nên bị quản lý cứng về lộ trình cụ thể.
“Doanh nghiệp khi kinh doanh tất sẽ cân nhắc đến bài toán lợi nhuận thực tế, nên tôi cho rằng, Bộ nên để sự lựa chọn về công nghệ sử dụng (cáp đồng trục, cáp quang, truyền hình số mặt đất…) cho doanh nghiệp tự lựa chọn. Bộ đang khuyến khích DN triển khai cáp quang, nhưng điều kiện kinh tế Việt Nam còn ở mức thấp, cáp quang không phải lựa chọn tốt nhất vì quá đắt”, ông Hùng phát biểu. Theo đại diện Viettel, Bộ chỉ nên đặt mục tiêu 10% phủ sóng cáp quang đến năm 2015 và sau năm 2020 hãy đặt vấn đề 50% diện tích phủ sóng là cáp quang.
Đối với tình trạng phát triển “đông về số lượng nhưng yếu về chất lượng” của thị trường TH trả tiền hiện nay, ông Hùng cho rằng, đối với từng phân khúc như TH số mặt đất, IPTV, TH cáp… chỉ nên có từ 3-4 doanh nghiệp được cấp phép, còn doanh nghiệp làm nội dung thì không nên khống chế. “Các nhà làm nội dung có mạnh, giàu sức sáng tạo thì mới có thể cải thiện đóng góp của truyền hình vào GDP. Đừng quan niệm truyền hình là thị trường nhỏ. Nếu hiện tại nó chỉ chiếm 1% GDP thì nếu nội dung làm tốt, kinh doanh tốt, hoàn toàn có thể nâng GDP lên mức 2%, thậm chí là 4%”, ông Hùng kết luận.
Theo Vietnamnet