10 con lợn phát ra ánh sáng huỳnh quang màu xanh lục đã ra đời nhờ nỗ lực của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Nam, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ thể chúng không phát quang trong ánh sáng thường. Hiện tượng ấy chỉ xảy ra trong ánh sáng cực tím hoặc bóng tối, Daily Mail đưa tin.
Ánh sáng màu xanh phát ra từ cơ thể lợn trong bóng tối hoặc ánh sáng cực tím. Ảnh: Daily Mail |
Để tạo ra những con lợn phát sáng, các nhà khoa học của Đại học Nông nghiệp Hoa Nam đã cấy DNA của sứa vào những con lợn từ khi chúng còn là bào thai. Sau khi chào đời, cơ thể những con lợn sản xuất những protein phát quang. Họ khẳng định tuổi thọ của chúng sẽ tương đương những con lợn bình thường.
"Thành tựu này có thể giúp giới khoa học chế tạo những loại thuốc rẻ hơn dành cho người", nhóm nghiên cứu tuyên bố.
Các nhà khoa học của Đại học Hawaii tại Mỹ là những người đầu tiên tìm ra phương pháp tạo ra động vật phát sáng. Một số chuyên gia ở Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng kỹ thuật đó để tạo ra những con thỏ phát sáng đầu tiên trên thế giới trong năm nay. Hiện tại nhóm nghiên cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tạo ra cừu phát sáng.
Mục tiêu cuối cùng của kỹ thuật tạo động vật phát sáng là đưa những gene vào cơ thể những loài động vật lớn hơn lợn, cừu, thỏ để tạo ra những dược phẩm rẻ hơn nhưng hiệu quả hơn. Chẳng hạn, những người mắc chứng rối loạn đông máu cần những enzyme có khả năng làm đông máu trong cơ thể. Để sản xuất những enzyme như thế, con người phải chi hàng triệu USD cho việc xây dựng những nhà máy vô cùng tối tân nên giá thành sản phẩm sẽ rất cao. Nhưng nếu chúng ta có thể sản xuất enzyme trong cơ thể động vật, chi phí sẽ giảm rất mạnh.
Cảnh tượng lợn phát sáng trong phòng thí nghiệm
Video: YouTube |