Lợn ở chung cư, đi lại bằng thang máy
Nghe có vẻ khó tin, nếu không tận mắt xuống trang trại nuôi lợn của tỷ phú Nguyễn Trọng Long (Chủ nhiệm hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) ít người có thể tin được ông Long lại xây “chung cư” nuôi lợn.
Theo Trang Trại Việt, với hơn 2 ha đất, ông Long đã tận dụng triệt để diện tích để nuôi lợn bằng cách xây chuồng cao tầng với 2 khu nuôi. Một bên khu chuồng được xây dựng theo kiểu chuồng một dãy. Đối diện bên kia là một khu chuồng nuôi gồm 4 dãy trong đó 3 dãy 2 tầng và 1 dãy 3 tầng trông giống như căn hộ chung cư.
Lợn được ở chung cư, đi lại bằng thang máy. |
"Chung cư” này còn được lắp đặt hệ thống thang máy hiện đại để vận chuyển lợn úm từ trên tầng cao xuống tầng nuôi thương phẩm và vận chuyển cám từ khu vực sản xuất lên các tầng. Đến nay, hợp tác xã nuôi lợn của ông Long mỗi năm xuất bán 600-800 tấn thịt thương phẩm.
Tẩm bổ cho lợn bằng thuốc bắc
Với phương pháp sử dụng thuốc bắc làm thức ăn trong chăn nuôi lợn, anh Đỗ Văn Chuyên (42 tuổi; ở thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đang từng bước xây dựng thương hiệu thịt lợn sạch, có uy tín, cho thu nhập mỗi năm lên đến trăm triệu đồng.
Anh Chuyên áp dụng phương pháp tẩm bổ cho lợn bằng thuốc bắc. |
Năm 2006, gia đình anh bắt đầu nuôi lợn nhưng suốt những năm nuôi theo kiểu bán chuyên nghiệp có kết quả bấp bênh, không tìm được thị trường ổn định. Trong một lần đọc được bài báo về mô hình chăn nuôi lợn bằng thuốc thảo dược trên vùng đất Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, anh Chuyên lặn lội tới tận nơi với mong muốn học tập những bí quyết chăn nuôi lợn dùng thảo dược. Khi trở về nhà, anh nghĩ ngay đến việc áp dụng phương pháp mới này.
Đầu năm 2013, anh Chuyên áp dụng phương pháp tẩm bổ cho lợn bằng thuốc bắc. Lúc đó, để có nguồn thức ăn cho lợn, anh đến các đại lý thuốc bắc trong tỉnh để tìm mua đủ loại thảo dược, nhưng thấy giá thành không rẻ, nên anh đã nảy ra ý tưởng trồng các cây thuốc ngay trong khu trang trại của gia đình.
"Cho lợn ăn thuốc bắc cũng là một cách phòng trị bệnh, giúp tăng sức đề kháng cho lợn. Nhờ đó, đàn lợn của nhà tôi luôn khỏe mạnh và không hề mắc các dịch bệnh”, anh Chuyên chia sẻ.
Nuôi lợn bằng máy lạnh
Có máy lạnh ở nhiều vùng quê còn là điều xa xỉ, vậy mà anh Nguyễn Duy Tuấn (sinh năm 1982, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã mạnh dạn lắp cả hệ thống máy lạnh để nuôi lợn. Khi nghe anh Tuấn trình bày ý tưởng mô hình xây chuồng trại khép kín, lắp điều hòa để nuôi lợn, ai cũng can ngăn và cho là chuyện không tưởng. Bất chấp những khó khăn này, anh Tuấn vẫn quyết tâm làm.
Anh Tuấn mạnh dạn lắp cả hệ thống máy lạnh để nuôi lợn. |
Trước đó, năm 2006, anh cùng vợ mở trang trại nuôi lợn quy mô (khoảng 100 con) bằng phương pháp thủ công để kiếm thêm thu nhập. Để giảm chi phí, hằng ngày, anh cùng vợ tìm đến các quán ăn, nhà hàng mua thức ăn thừa mang về cho lợn ăn. Cách nuôi lợn thiếu đầu tư kỹ thuật này khiến lợn dịch bệnh, chết triền miên.
Không bỏ cuộc, anh đi khắp nơi học hỏi, tìm hiểu các mô hình nuôi lợn khác nhưng không thấy mô hình nào ưng ý. Trong lúc bế tắc, anh được một người quen giới thiệu mô hình nuôi lợn bằng máy lạnh khép kín ở Thái Lan.
Để huy động vốn, anh Tuấn phải mượn 10 sổ đỏ nhà đất từ người thân đem thế chấp ngân hàng được 2 tỷ đồng. Đầu năm 2013, anh xây trang trại khép kín và lắp dàn máy lạnh công nghiệp hết 1,5 tỷ đồng, mua 20 con lợn giống từ Mỹ với giá 200 triệu đồng, số tiền còn lại làm vốn mua thức ăn.
Đến nay, mô hình chăn nuôi của anh mỗi năm xuất 300-400 con lợn thịt có trọng lượng từ 1,2 tạ đến 1,4 tạ. Trừ tất cả chi phí, năm 2014 và 2015, anh thu được hơn 400 triệu đồng/năm.
Cho lợn nghe nhạc để chóng lớn, dễ đậu thai
Vừa qua, nhiều tờ báo đăng tải thông tin về anh Nguyễn Vũ Phương (49 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) cho đàn lợn nghe nhạc để tăng chất lượng thịt, dễ đậu thai đã khiến cộng đồng mạng không khỏi thích thú. Anh Phương cho biết, cứ mở đài là đàn lợn im phăng phắc nằm nghe quên cả giờ ăn, còn tắt đài thì chúng lại chộn rộn, kêu inh ỏi.
Anh Phương cho đàn lợn nghe nhạc nhẹ và những bài hát thịnh hành để tăng chất lượng thịt, dễ đậu thai. |
Qua thời gian theo dõi, anh Trường thấy lợn được chăn nuôi theo phương pháp mới tăng trọng nhanh hơn so với chăn nuôi theo phương pháp cũ, lợn ít bị bệnh dịch, không phải dùng thuốc nhiều.