Đầu tháng 5/2016 giá các loại thịt lợn bán tại chợ đồng loạt tăng. Thậm chí, có loại tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 tháng. Lý do, Trung Quốc "ăn" lợn Việt Nam quá nhiều.
Điệp khúc "mở - đóng"
Thương lái Trung Quốc đang tích cực gom mua, đẩy giá lợn hơi lên mức cao nhất từ trước tới nay. Như một hệ quả mang tính domino, khiến người nuôi lợn khắp cả nước thấy thế lại rục rịch tăng đàn, gia tăng số lượng.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ 3 tuần sau, Trung Quốc bất ngờ ngưng thu mua lợn mà không đưa ra lý do nào khiến thương lái lao đao vì số lượng lợn tồn kho lên đến cả ngàn con.
Diễn biến của thị trường lợn lần này khiến chúng ta nhớ lại những cay đắng mang tên dưa hấu, cũng với cách thức thu mua ào ạt, đẩy giá lên cao rồi bỗng dưng dừng mua đột ngột khiến không ít người trồng dưa ở miền Trung, miền Nam khốn đốn.
Cả ngàn tấn dưa đã thu hoạch, từng đoàn xe nối đuôi nhau ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hồi hộp chờ động tĩnh phía thương lái Trung Quốc. Nói về sự việc này một tờ báo đã giật tít “Hà Nội ngập trong dưa”.
Chăn nuôi lợn, kẻ cười người khóc |
Ngoài lợn, dưa hấu,... người nông dân Việt đã từng nếm trải rất nhiều quả đắng từ thương lái Trung Quốc như thu lá điều, gốc tiêu, móng trâu, thanh long… Các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tình trạng mua bán kỳ quặc này nhưng tại sao hết lần này đến lần khác chúng ta vẫn tự mình chui đầu vào tròng. Nói gì thì nói nhưng “tiên trách kỷ hậu trách nhân”.
Thương lái Trung Quốc thủ đoạn, lọc lõi đã đành, nông dân Việt làm ăn manh mún hám lợi trước mắt nên nhận hậu quả nặng nề. Bên cạnh đó cách thức buôn bán theo đường tiểu ngạch, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường “chợ đen” nên khi gặp sự cố, chúng ta không đủ cơ sở pháp lý để đòi lại công bằng từ một đối tác vốn quá nhiều mạnh khóe.
Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhưng mặt trái của nó khiến nông dân Việt Nam thường không tuân thủ quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGap, Global Gap…
Dĩ nhiên hàng hóa nông sản được sản xuất theo "tiêu chuẩn làng quê" chỉ chủ yếu bán sang Trung Quốc, về lâu về dài khiến chúng ta quá phụ thuộc vào họ để rồi khi Trung Quốc trái gió trở trời chúng ta sẽ sốt nặng!
Mô hình liên kết “3 nhà”, “4 nhà” trong nông nghiệp được nói đến từ lâu như là những giải pháp tạo tính ổn định trong ngành nông nghiệp nhưng hiệu quả của các mô hình này đến đâu vẫn là dấu hỏi.
Thực tế đến nay phần lớn người nông dân vẫn “tự bơi” trên mảnh đất của mình, vẫn sản xuất canh tác theo tập tục, thói quen chứ chưa áp dụng đồng bộ và đại trà những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sự phát triển chưa tương xứng của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam là rào cản không nhỏ khiến chúng ta chỉ xuất khẩu thô các sản phẩm nông nghiệp, mà hình thức xuất khẩu “thô” một mặt vừa kém hiệu quả kinh tế mặt khác dễ gặp rủi ro.
Bài học từ cá ngừ, vải thiều
Sự thành công của hai thương hiệu cá ngừ Bình Định xuất khẩu sang Nhật và vải thiều Hưng Yên, Bắc Giang được tiêu thụ tại các thị trường khó tính như Anh, Pháp, Úc… đã để lại nhiều bài học quý giá.
Từ sự thành công của niên vụ vải thiều 2015, cùng với bài học phải biết tôn trọng thị trường trong nước, thì cũng lại cho một bài học kinh nghiệm nữa. Đó là nếu tích cực tìm kiếm thị trường, đầu tư mở rộng thị trường thì việc nông sản của ta sẽ vào được nhiều thị trường, chứ không chỉ là những bạn hàng truyền thống như lâu nay.
Người Mỹ, người Pháp… khen vải thiều của ta ngon, lượng mua không ít, vậy mà những năm trước không ai nghĩ tới. Nếu sự thành công của vải thiều khẳng định sức mạnh và tầm quan trọng của thị trường nội địa thì việc ký hợp đồng cung cấp cá ngừ cho Nhật Bản là minh chứng cho hiệu quả của cách làm ăn khoa học, đạt tiêu chuẩn quốc tế tạo tiền đề cho hội nhập, đó là bài học về xây dựng thương hiệu.
Ở đây chính là câu chuyện “thắng hay thua” trên sân nhà. Nếu không chú ý đến thị trường nội địa thì cũng không phải là cách kinh doanh hay.
Đành rằng, xuất khẩu mang lại lợi nhuận lớn, nhưng nếu bỏ trống sân nhà thì cũng có nghĩa là mở đường cho hàng hóa bên ngoài tràn vào. Người Thái đã thâu tóm hệ thống bán lẻ Big C, người tiêu dùng Việt đã chứng kiến trái cây ngoại tràn lan trong các chợ, siêu thị Việt Nam, không ai kiểm soát nổi nguồn gốc. Trong khi đó thì dưa hấu, thanh long, mận, vải, dứa… của ta lại phải loay hoay tìm đầu ra! Nghịch lý này liệu kéo dài đến bao giờ?
Làm sao để thoát khỏi sự phụ thuộc thị trường nông sản Trung Quốc vẫn là bài toán chưa có lời giải. Khi nào người nông dân Việt Nam còn sản xuất kinh doanh manh mún, chưa nâng cao chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế để tiếp cận các thị trường Mỹ và EU thì những điệp khúc như lợn, dưa hấu…vẫn sẽ tiếp diễn ở những mặt hàng khác.