Lỗi thường gặp trên smartphone chạy Android Jelly Bean
Sau khi nâng cấp lên hệ điều hành Android Jelly Bean, có thể bạn sẽ gặp phải một trong những lỗi như mất kết nối Wi-Fi, cảm ứng bị đơ hoặc máy sụt pin quá nhanh.
Google ra mắt hệ điều hành Android 4.1, tên mã là Jelly Bean tháng 9/2012. Tiếp đến là các phiên bản 4.2 vào ngày 13/11, phiên bản 4.2.1 vào ngày 27/11 và phiên bản 4.2.2 vào ngày 11/2/1013. Đây được đánh giá là phiên bản hoàn thiện nhất của Android. Khi nâng cấp máy từ phiên bản Android 4.0.4 Ice Cream Sandwich, bạn sẽ thấy máy chạy mượt hơn hẳn, giao diện đẹp mắt và tích hợp nhiều tính năng hấp dẫn như Google Now.
Tuy nhiên, đã là phần mềm thì gần như không thoát khỏi vấn đề gặp lỗi. Dưới đây là những lỗi thường gặp nhất trên phiên bản hệ điều hành Android Jelly Bean.
Google Nexus 4 đang chạy phiên bản Android mới nhất 4.2.2. |
Wi-Fi bị đứt hoặc không kết nối
Vấn đề này xảy ra trên khá nhiều dòng thiết bị chạy Android. Có nhiều nguyên nhân tiềm năng cho vấn đề nói trên. Nếu bạn thấy chiếc smartphone của mình không thể kết nối Wi-Fi hoặc liên tục bị ngắt kết nối, bạn có thể thử những cách sau:
Đầu tiên, bạn nên tắt kết nối Wi-Fi trên router và cả điện thoại, sau đó chọn quên mạng Wi-Fi mình đã kết nối. Bạn khởi động lại hoặc tắt hẳn máy sau đó bật máy trở lại. Bật router sau đó bật kết nối Wi-Fi của máy và truy cập lại vào mạng Wi-Fi. Ngoài ra, bạn có thể vào phần Settings > Wi-Fi > Menu > Advanced và đảm bảo phần “Keep Wi-Fi on during sleep” đang ở trạng thái Always. Bạn cũng nên bỏ dấu tích trên hộp Avoid poor connections.
Khởi động lại ngẫu nhiên hoặc đơ máy
Nếu bạn thấy máy có dấu hiệu khởi động lại hoặc đơ màn hình cảm ứng sau khi cài bản nâng cấp lên Jelly Bean, đó có thể là do một số ứng dụng không tương tích. Vấn đề là ở chỗ, hệ điều hành của bạn đã được nâng cấp trong khi ứng dụng thì không. Đó cũng có thể là một lỗi bug do chính bản cập nhật. Google đã cho phát hành bản Android 4.2.2 khắc phục hàng loạt các lỗi bug liên quan đến việc khởi động lại. Nếu bạn vẫn gặp phải những vấn đề nói trên, bạn có thể thử một số cách sau:
Cách đầu tiên vẫn là giữ nút nguồn để tắt thiết bị sau đó bật trở lại. Bạn có thể kiểm tra các ứng dụng đang chạy bằng cách vào phần Settings > Application manager, chọn phần Running tab và gỡ bỏ từng ứng dụng một để xem tình trạng đó có xảy ra nữa hay không. Giải pháp này có thể khá tốn thời gian.
Cách cuối cùng là khôi phục lại dữ liệu của nhà sản xuất bằng cách vào phần Settings > Backup&reset > Factory reset. Gõ mật khẩu hoặc số PIN nếu yêu cầu và chọn Erase everything. Nên nhớ rằng thao tác này sẽ xóa toàn bộ nội dung trên điện thoại của bạn và cài lại một phiên bản Android hoàn toàn “sạch”. Hãy đảm bảo bạn đã backup những nội dung quan trọng.
Máy ngốn pin
Pin luôn là vấn đề nhức nhối đối với người dùng smartphone nói chung nhưng nếu như điện thoại của bạn có thời lượng pin kém hơn sau khi nâng cấp lên Android 4.1 thì rõ ràng, có vấn đề xảy ra với bản cập nhật đó. Bạn có thể thử tìm ra vấn đề ở đâu bằng cách vào phần Settings > Battery để tìm xem ứng dụng nào ngốn pin nhất.
Một số người cho biết, thời lượng pin của máy tăng lên sau khi tắt tính năng Goole Now, Google Wallet hoặc NFC. Có thể, bạn đang có một ứng dụng nào đó chạy ngầm, gây ngốn pin. Nếu tìm ra nó, bạn chỉ việc tắt bỏ. Đó cũng có thể là do lỗi đọc nhầm trên thẻ nhớ microSD của bạn (nếu máy có thẻ nhớ). Bạn có thể thử bằng cách tháo bỏ thẻ nhớ để xem pin có tốt hơn không. Nếu vấn đề đúng là do thẻ nhớ, bạn nên backup lại nội dung trên máy tính và format lại hoàn toàn thẻ nhớ.
Đức Nam
Theo Infonet