Mới đây nhất, một tên trộm smartphone sau khi giải nghệ đã trải lòng trên Cnet về câu chuyện của mình. Dù chỉ mới 19 tuổi nhưng Greg đã là một tay trộm lành nghề khi chỉ chuyên nhắm đến iPhone. Có ngày, Greg "thó" được tới 2 chiếc.
Lần ra tay cuối cùng của Greg là vào một buổi đêm tháng 5/2013 tại San Francisco. Đó là một đêm đen đủi theo nhiều nghĩa. Greg tưởng rằng mình sẽ lấy được một chiếc iPhone 5, model iPhone mới nhất khi ấy. Nhưng té ra lại chỉ là một chiếc iPhone 4 với thị giá chỉ bằng một nửa so với iPhone 5 ở chợ đen. Sự nhầm lẫn này khiến Greg chỉ kiếm được 100 USD và tệ hơn, còn cho hắn một chuyến "du lịch miễn phí" vào khám. Đó cũng là lần đầu tiên hắn bị bắt vì tội trộm smartphone.
Tại phòng hỏi cung, cảnh sát không hề ngạc nhiên về tội của Greg. Smartphone dường như đang là lựa chọn đầu bảng của dân trộm cướp đường phố tại thời điểm này, nhất là với giới trộm vị thành niên. Trong vòng một năm từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013, có gần 2/3 số vụ cướp do trẻ vị thành niên tại San Francisco gây ra có liên quan đến ĐTDĐ. Giới chức Mỹ đã phải gọi xu hướng này là một "bệnh dịch". Cứ 10 người sở hữu smartphone tại Mỹ thì có 1 người là nạn nhân của đạo chích smartphone. Con số này nhiều gấp đôi so với chỉ một năm trước đó.
Tình hình còn tệ hơn tại San Francisco, thủ phủ của làng công nghệ Mỹ khi 65% số vụ cướp đầu năm nay liên quan đến thiết bị di động. Diễn biến bệnh dịch nghiêm trọng đến mức cuối tháng 8 vừa qua, San Francisco đã phải ký ban hành điều luật quy định bắt buộc mọi smartphone bán tại đây kể từ tháng 7/2015 sẽ phải tích hợp công nghệ "kill switches". Đây là một phần mềm chống trộm được thiết kế để biến những chiếc điện thoại bị đánh cắp thành cục gạch khi không ai khác, ngoài chủ nhân của máy sử dụng được.
Thủ đoạn ăn trộm ưa thích của Greg là giật thật nhanh điện thoại khỏi tay nạn nhân, thay vì chỉ dựa vào thủ pháp móc túi nhẹ nhàng. Greg cho biết có những mẫu nạn nhân mà giới đạo chích thưởng để mắt. "Bạn sẽ không muốn lấy điện thoại từ ai đó nếu bạn nghĩ mình có thể gặp rắc rối từ họ". Nạn nhân cuối cùng của Greg là một thiếu nữ châu Á, nhỏ nhắn, khoảng 20 tuổi, đang đứng trước xe và nói chuyện điện thoại. Greg tiếp cận nạn nhân, giật điện thoại từ tay cô gái rồi bỏ chạy. Sau đó, hắn lái xe tới một trung tâm thương mại ở dưới phố - địa điểm quen thuộc với dân mua bán điện thoại mất cắp. Hắn bán chiếc iPhone vừa cướp được, nhưng ngay khi hắn lái xe rời đi, cảnh sát đã ập tới.
Hóa ra cảnh sát đã theo dõi chiếc điện thoại thông qua tính năng Find My iPhone trên iPad của nạn nhân. Họ cũng tìm thấy hóa đơn 100 USD trong xe của Greg. "Lẽ ra tôi có thể thoát được vụ đó vì họ không bắt được quả tang tôi với chiếc điện thoại". Nhưng có một vấn đề: Bạn gái của Greg, mẹ của đứa con 9 tháng tuổi của hắn, cũng ở trên xe. Và nếu như cảnh sát cố truy vụ việc đến cùng, cô này cũng có thể bị khép tội đồng phạm. Khi ấy, sẽ không ai chăm sóc con gái của Greg cả.
Mẹ của Greg mất sau khi hắn vào tù được 2 tuần. Cú sốc này khiến Greg bừng tỉnh và suy nghĩ lại về cuộc sống của mình.
Một tuýp nạn nhân phổ biến là phụ nữ, đeo túi xách lớn và cắm cúi nhắn tin trên iPhone, không màng đến xung quanh. Những người này dễ dàng trở thành mục tiêu cho giới đạo chích vì họ gần như không để ý gì đến những nguy cơ rình rập quanh mình và thường sẽ phản ứng chậm chạp khi bị can thiệp. Tương tự, một đứa trẻ vung vẩy điện thoại trong tay cũng không khác gì đưa thức ăn ra trước miệng mèo, cảnh sát cho biết.
Chợ đen buôn bán điện thoại mất cắp đang hoạt động rất phát đạt. Bản thân các điều tra viên cũng không chắc những chiếc điện thoại bị trộm sẽ được tẩu tán đi đâu. Một số sẽ đáp xuống chợ đen địa phương. Số khác có thể được vận chuyển tới tận những nơi như Hong Kong. Giới đầu nậu thường chuộng những chiếc điện thoại không khóa mạng, hoặc không được bảo vệ bởi các tính năng bảo mật. Các đời iPhone mới gần đây (cài hệ điều hành iOS trở lên) thường dễ kích hoạt tính năng Find My iPhone hơn, vì thế, ở chợ đen, iPhone đời cổ lại tỏ ra hấp dẫn hơn.
Đối với điện thoại bị khóa mạng thì việc nó dùng nhà mạng nào sẽ quyết định giá bán. AT&T và T-Mobile có giá cao nhất vì hai nhà mạng này thiết lập cấu hình để liên lạc được trên phạm vi toàn cầu, do đó dễ bán lại ở thị trường nước ngoài hơn.
Mục tiêu "hời nhất" hiển nhiên là iPhone vừa ra lò, không khóa mạng hoặc chạy trên nền mạng AT&T và T-Mobile. Tại thời điểm vừa lên kệ, một chiếc iPhone 5S có thể bán được từ 300 - 400 USD. Nếu của các nhà mạng khác thì cũng model đó sẽ rẻ hơn từ 100 - 150 USD. Một chiếc Galaxy S5 không khóa mạng sẽ có giá 100 - 200 USD trên phố.
Tuy nhiên, công việc làm ăn sẽ ngày một khó hơn. Nếu như phần mềm "kill switch" có hiệu quả như lời cảnh sát và giới Tư pháp hứa hẹn thì giới đạo chích chắc chắn sẽ phải nghĩ lại khi định ăn cắp một chiếc điện thoại. Nếu không thể bẻ khóa và sử dụng được thì không ai lại bỏ tiền ra mua một cục gạch cả.