Mỗi năm doanh thu từ các trò chơi “lậu”, hay trò chơi không được cấp phép phát hành và không đóng thuế tại Việt Nam, lên đến 5.000 tỷ đồng. Đây là số liệu theo ước tính của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), công bố tại cuộc họp ngày 23/3 về quản lý thanh toán trong game.
Nguyên nhân game lậu dễ kiếm tiền, kể cả game cờ bạc, khiêu dâm, là có các kênh trung gian giúp người dùng dễ dàng thanh toán, mua vật phẩm, đại diện cơ quan này cho biết. Trong đó, cơ quan này nêu đích danh ví điện tử Momo là bên chiếm thị phần giao dịch qua ứng dụng lớn nhất, 60%, ngoài ra có các nhà mạng viễn thông.
“Rủi ro đã đến ‘sát nút’ cho các công ty đang làm dịch vụ trung gian thanh toán”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TTTT, cảnh báo. Ông Thanh Lâm cũng nhắc lại vụ việc trò chơi cờ bạc RikVip, khi các bên trung gian thanh toán đã phải nộp lại toàn bộ số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng chiết khấu từ các giao dịch bất hợp pháp, gọi đây là bài học về rủi ro cho các bên trung gian.
Vô tình tiếp tay cho game lậu kiếm tiền
Số trò chơi phát hành không giấy phép trên không gian mạng lên đến hàng trăm nghìn, chủ yếu là trên kho ứng dụng App Store và Google Play Store, theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi G1, hay game online có sự tương tác giữa các người dùng và với máy chủ, khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử do Bộ TTTT cấp. Với các trò chơi G2, G3, G4, chỉ tương tác 2 đầu giữa người dùng với nhau hoặc giữa người dùng với máy chủ, doanh nghiệp cũng cần Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử.
“Tất cả game chưa có giấy phép gọi là ‘game lậu’, vi phạm pháp luật tại Việt Nam”, ông Tự Do khẳng định. Ngoài những game có nội dung vi phạm pháp luật như cờ bạc, khiêu dâm, game lậu còn bao gồm nhiều tựa game đình đám nhưng chưa được cấp phép như Candy Crush hay My Hotpot Story.
Các bên trung gian thanh toán trong trò chơi điện tử phải chủ động từ chối, tạm ngừng thanh toán với các doanh nghiệp phát hành game chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản hoặc chưa thông báo cung cấp dịch vụ, theo Quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng trò chơi điện tử trên mạng do Bộ TTTT ban hành tháng 12/2014.
“Nhưng trên thực tế việc người dùng thanh toán cho các game lậu vẫn rất dễ dàng. Các trung gian thanh toán không kiểm tra tính hợp pháp của game khi tiến hành giao dịch nạp game, có thể là họ không chủ động kiểm tra hoặc không kiểm tra được, dẫn đến nạp tràn lan cho game lậu”, ông Tự Do cho biết.
Ví điện tử cũng không được biết game nào là “lậu”
Đại diện Cục PTTH&TTĐT cũng ghi nhận trong số các trung gian thanh toán, chỉ có các nhà mạng viễn thông đã đàm phán được với các cửa hàng ứng dụng để được biết sản phẩm mà người dùng đang mua. Các ví điện tử không được tiếp cận thông tin này, mà chỉ có thông tin về người giao dịch, tổng số tiền đã mua.
Trao đổi với Zing, đại diện một ví điện tử cho biết đây là vướng mắc khi thực hiện giao dịch, và trung gian thanh toán chỉ có thể làm việc với Apple, Google và kiểm tra lại giao dịch khi nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam rằng họ vừa thanh toán cho sản phẩm, dịch vụ chưa được cấp phép.
Đại diện ví điện tử Momo cho biết số người dùng ví điện tử ở Việt Nam là 25 triệu, trong khi đó số thuê bao di động là 80 triệu. “Tôi không rõ số lượng thanh toán là bao nhiêu, nhưng khi cả 2 phương tiện đều thanh toán dễ dàng như nhau, có thể suy ra số tiền thanh toán như thế nào”, ông Nguyễn Bá Diệp, Tổng Giám đốc M_Service, nói.
“Với trạng thái bây giờ, ví điện tử không xác định được game đang thanh toán là lậu hay không”, đại diện Viettel Money khẳng định. Vị này cho rằng giải pháp dài hạn hơn, thay vì chặn giao dịch với game lậu khi phát hiện, thì cần buộc Apple, Google chỉ cho phép thanh toán những trò chơi đã được cấp phép ở Việt Nam.
Đại diện VTC Pay cho biết khó khăn tương tự và kiến nghị các cửa hàng ứng dụng cho ví điện tử biết thông tin nhận dạng game để biết game có được cấp phép hay không.
“Tôi đồng tình với một số đơn vị trung gian, rằng nếu chúng ta chặn ngay từ nguồn là các cửa hàng Apple, Google, thì sẽ không có chuyện có hàng hóa bất hợp pháp để thanh toán nữa”, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết.
Phản hồi Viettel Money, ông Tự Do cho biết cơ quan chức năng vẫn tiếp tục thực hiện chặn, gỡ các game lậu trên cửa hàng cũng như chặn truy cập vào các tựa game này. “Tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh vào trách nhiệm và sự phối hợp của các trung gian thanh toán”, theo Cục trưởng PTTH&TTĐT.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.
Cộng đồng game thủ xôn xao với ảnh rò rỉ của GTA VI
Một ảnh chụp màn hình được được cho là của bom tấn Grand Theft Auto VI đã khiến cộng đồng game thủ "dậy sóng".
Đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ game online
Vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), bổ sung dịch vụ game online vào nhóm đối tượng áp thuế này.
Chuyên gia đánh giá cao bộ tiêu chuẩn VMLU do người Việt phát triển
Là nền tảng đầu tiên do người Việt phát triển nhằm đánh giá năng lực tiếng Việt của LLM, VMLU đã nhận được đánh giá tích cực từ chuyên gia trong và ngoài nước sau 1 năm vận hành.