Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố số liệu tài chính quý II. Sau khi phải tạm đóng phần lớn cửa hàng trong nửa đầu tháng 4 để thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, lợi nhuận của PNJ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lợi nhuận thấp nhất từ 2016
3 tháng qua, doanh thu thuần của PNJ đạt 2.745 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2019, doanh thu công ty chỉ giảm 7%. Sau tháng 4 tăng trưởng âm 43% vì tạm thời "đóng băng", doanh số của PNJ hồi phục tích cực trong tháng 5, 6 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, sự tự tin tiêu dùng của khách hàng trở lại.
Tuy nhiên, tương quan so sánh với cùng kỳ năm trước chưa thật sự là thước đo phản ánh đúng sự phục hồi của công ty thời gian qua. Vì quý II/2019, doanh số của PNJ bị ảnh hưởng vì sự cố triển khai ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp).
Trong quý II, đại gia ngành trang sức ghi nhận lợi nhuận gộp 473 tỷ đồng, sụt giảm tới 26%, cao hơn mức giảm doanh thu. Nguyên nhân là biên lãi gộp thấp hơn cùng kỳ 4%, chỉ còn 17,2%.
Trong bối cảnh doanh thu, lãi gộp đi xuống, công ty đã tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, chủ yếu nhờ giảm chi phí lương. Tuy nhiên, chi phí tài chính, cụ thể là lãi vay cao gấp đôi khi doanh nghiệp cần thêm vốn lưu động phục vụ kinh doanh, đảm bảo thanh khoản để ứng phó với tác động của Covid-19.
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn lại 32 tỷ đồng, giảm 81% so với quý II/2019. Đây là mức lãi thấp thấp nhất của PNJ trong một quý từ năm 2016 đến nay.
Đồ họa: Việt Đức |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PNJ đạt doanh thu thuần 7.745 tỷ đồng, đi ngang so với bán niên 2019. Trong đó, kênh bán lẻ tăng nhẹ 2%, kênh bán sỉ giảm 20%. Đặc biệt, doanh thu vàng miếng tăng 14% khi giá vàng liên tục đi lên từ đầu năm. Tuy nhiên, vàng không có tỷ suất lãi gộp cao.
Lợi nhuận ròng sau 2 quý của PNJ đạt 440 tỷ, sụt giảm 26%. Công ty vẫn đảm bảo kế hoạch kinh doanh năm nay khi đã hoàn thành 53% mục tiêu doanh thu, lợi nhuận sau 1/2 thời gian.
Người dân thích vàng hơn, công ty trang sức gặp khó
Kết thúc quý II, tổng tài sản của PNJ gần 8.200 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ so với thời điểm 31/12/2019. Trong đó, công ty giảm giá trị hàng tồn kho 600 tỷ còn 6.430 tỷ đồng và tăng lượng tiền mặt nắm giữ thêm hơn 130 tỷ lên 230 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6, hệ thống bán lẻ của PNJ có 339 cửa hàng. Công ty mở mới 14 điểm bán nhưng cũng đóng 22 cửa hàng, đồng thời tăng thêm 20 điểm kinh doanh đồng hồ.
PNJ hiện dẫn đầu trên thị trường về số lượng điểm bán. Tuy nhiên, khoảng cách với doanh nghiệp đứng thứ hai là Doji đã bị thu hẹp sau khi Doji mua lại hệ thống gần 100 cửa hàng của Thế giới Kim cương đầu tháng 5. Ban lãnh đạo PNJ cho biết cũng được Thế giới Kim Cương mời chào mua lại nhưng không thực hiện M&A vì không phù hợp.
Theo phân tích của chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bất chấp những động thái kể trên của Doji, PNJ vẫn sẽ duy trì vị trí đầu ngành trong lĩnh vực kinh doanh trang sức nhờ vào kinh nghiệm trong quản lý bán lẻ, tăng đầu tư cho chuyển đổi số, công suất sản xuất lớn, mạng lưới cửa hàng thâm nhập rộng.
Tuy nhiên, toàn thị trường tiêu thụ trang sức đều đang khó khăn khi thu nhập khả dụng giảm và tình trạng thất nghiệp gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế bị gián đoạn. Hậu quả là cầu tiêu dùng không cao như trước và có thể mất khá nhiều thời gian để lấy lại mức bình thường.
Theo nhận định của chuyên gia VDSC, người tiêu dùng đang ưa thích đồ trang sức có hàm lượng vàng cao hơn trang sức có hàm lượng kim cương và đá quý do xu hướng tích trữ tài sản cao hơn so với nhu cầu về thời trang. Vì vậy, biên lợi nhuận của PNJ sẽ giảm do đồ trang sức có hàm lượng vàng cao thường mang lại ít lợi nhuận hơn.