Bên trong một căn phòng tối ở Bắc Kinh, bức ảnh lớn được treo chính giữa với hình ảnh khuôn mặt một người đàn ông trên nền trắng. Khuôn mặt nam giới này được tổng hợp dựa trên ngoại hình của hơn 10 cá nhân bị cáo buộc quấy rối tình dục ở Trung Quốc kể từ năm 2018.
Căn phòng tràn ngập âm thanh của những cuộc độc thoại ghi lại lời kể của các nạn nhân bị quấy rối tình dục, phát ra từ mỗi chiếc loa ở các góc. Một tác phẩm sắp xếp in chữ “Resist” (tạm dịch: kháng cự) nằm trên một góc tường.
Khuôn mặt những kẻ bị kết tội quấy rối tình dục ở Trung Quốc được phác họa lại. Ảnh: SCMP. |
Triển lãm mang tên “Câu chuyện của cô ấy - Xóa bỏ bạo lực giới 2020” do các nhà hoạt động nữ quyền khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 25/11, trùng với Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Jing, người phụ trách sự kiện, cho biết các cuộc triển lãm về lạm dụng tình dục và bạo lực đối với phụ nữ không được chính quyền Trung Quốc hoan nghênh.
Một phiên bản trước đó của dự án này có tên #MeToo từng được trình chiếu ở 5 địa điểm vào năm ngoái. Khi tổ chức ở Quảng Châu, triển lãm bị buộc đóng cửa sau hơn 1 ngày.
Ở thành phố Thành Đô, cảnh sát xuất hiện sau một tuần và tịch thu tất cả thiết bị.
Phong trào #MeToo tại Trung Quốc bắt đầu vào đầu năm 2018. Luo Xixi, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Beihang, công khai chuyện bị giáo sư cũ tại trường quấy rối tình dục. Sau đó, nhiều phụ nữ khác cùng lên tiếng về hành vi sai trái tình dục của những người đàn ông có quyền lực.
Tại Trung Quốc, nhiều phụ nữ bị bạo hành song không được bảo vệ vì cảnh sát và tòa án coi đó là "chuyện riêng trong nhà". Ảnh: ET Today. |
Ngoài những câu chuyện cũ từng thu thập, cuộc triển lãm mới đem đến thêm các trường hợp phụ nữ chịu bạo lực gia đình vì Covid-19, khi họ bị mắc kẹt tại nhà và khó nhận được sự giúp đỡ như bình thường.
"Nó gần như thể các nạn nhân đang trò chuyện, kể lại trải nghiệm tổn thương trước mặt bạn”, Jing nói về các cuộc độc thoại phát ra khắp căn phòng.
Dù tồn tại một số cơ quan có chức năng bảo vệ phụ nữ trước bạo hành, lạm dụng tại nước này, Jing cho rằng hỗ trợ cơ bản còn rất thiếu.
“Luật pháp chưa hoàn chỉnh, việc thực thi còn thiếu sót. Luật chống bạo lực gia đình đã áp dụng trong 4 năm nhưng những người nắm quyền không bao giờ tích cực thúc đẩy thay đổi”, cô nói.
Mới tháng này, dư luận phẫn nộ trước phán quyết hưởng án treo của tòa án địa phương dành cho người chồng ở tỉnh Sơn Đông với tội danh lạm dụng thể xác, đánh chết vợ vì không sinh được con.
Tháng 10, cái chết của nữ vlogger Lạp Mẫu sau khi bị chồng cũ thiêu sống tiếp tục phơi bày những góc khuất của bạo lực gia đình tại Trung Quốc - vấn nạn còn rất lâu mới có thể xóa bỏ.