Lợi ích từ việc hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài
Các cơ quan chức năng thuế và hải quan đang tích cực triển khai việc hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam. Điều này được các chuyên gia đánh giá sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và quốc gia.
>> Hoàn thuế cho người nước ngoài mua hàng Việt
Cơ hội tăng doanh thu do bán được nhiều hàng hoá cho du khách nước ngoài |
Chính sách thí điểm hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài được thực hiện với mục tiêu phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác, trong đó có xuất khẩu hàng hoá, quảng bá văn hoá dân tộc…; góp phần hoàn thiện chính sách thuế GTGT và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, việc thí điểm này cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; xác định rõ quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài,; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế, DN bán hàng thí điểm, ngân hàng thương mại là đại lý thí điểm, KBNN, tổ chức và cá nhân khác có liên quan; thận trọng, có bước đi, lộ trình thích hợp, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam.
Việc tham gia bán hàng thí điểm hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài sẽ mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp như: Cơ hội tăng doanh thu do bán được nhiều hàng hoá cho du khách nước ngoài; cơ hội quảng bá, giới thiệu rộng rãi hàng hoá của doanh nghiệp mình ra các nước; áp dụng các hình thức tuyên truyền, quảng cáo, trưng biển thông báo cơ sở bán hàng thí điểm; cơ quan thuế, cơ quan hải quan trợ giúp trong việc thực hiện thí điểm bán hàng hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài; được cơ quan thuế, cơ quan hải quan quảng bá, đăng tải tên và địa chỉ của doanh nghiệp tham gia bán hàng thí điểm hoàn thuế GTGT trên các trang thông tin điện tử của ngành Tài chính.
Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, việc hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài sẽ thu hút nhiều khách du lịch vào Việt Nam, góp phần phát triển ngành du lịch, đây cũng là cơ hội cho các DN trong nước bán được nhiều hàng hoá hơn, từ đó nâng cao cơ hội quảng bá tuyên truyền cho các sản phẩm của các DN; cũng như tạo điều kiện gia tăng hàng hoá xuất khẩu, đóng góp vào việc phát triển kinh tế của đất nước. Mong rằng, thời gian thí điểm chương trình sẽ được rút ngắn để chính sách này sớm đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan, thì đây là một vấn đề còn có nhiều phức tạp. Phức tạp bởi nó không chỉ liên quan đến ngành Hải quan, mà còn liên quan đến 6 cơ quan khác. Ông cho biết: “Như chúng ta thường thấy, ở Việt Nam vấn đề gì cần sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành thường rất phức tạp. Chính vì vậy, chúng tôi cũng đã lường trước được một số khó khăn. Chẳng hạn, cần phải xác định rõ chức năng của từng ngành. Ví dụ, cơ quan liên quan đến doanh nghiệp như: Hải quan, thuế, ngân hàng, kho bạc… cần phải làm gì?...”
Ông Cường cho biết thêm, thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan có liên quan để từng cơ quan phải có các quy trình cụ thể. Ví dụ, cơ quan Hải quan phải có cơ quan kiểm tra như thế nào? Cơ quan thuế phải có quy trình ra sao để công nhận và hoàn thuế cho doanh nghiệp? Hy vọng đây vẫn đang là thời gian thí điểm, những gì còn bất cập thì có thể ngồi lại bàn bạc với nhau.
“Nói như vậy để thấy được rằng, dù chúng ta đang trong giai đoạn thí điểm nhưng vẫn phải quyết tâm làm. Thông qua việc hoàn thuế, sẽ thấy được thủ tục hành chính của các cơ quan Việt Nam trong vấn đề thực thi các quy định đối với người dân và doanh nghiệp”, ông Cường nói.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến nay, đã có 46/63 Cục Thuế các tỉnh báo cáo về tình hình khả năng tham gia của các doanh nghiệp trong chương trình thực hiện thí điểm, trong đó có 37 cục Thuế báo cáo không có doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, 9 Cục Thuế báo cáo doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia với tổng số 189 doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tham gia thí điểm, trong đó TP. Hà Nội có 83 doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh có 71 doanh nghiệp, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có 11 doanh nghiệp, tỉnh Tiền Giang có 3 doanh nghiệp, còn lại các tỉnh khác như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Vĩnh Long có từ 1-2 doanh nghiệp.
Theo DĐDN