60 lá thư được chàng lính trẻ Phạm Ngọc Hùng viết gửi về cho gia đình trong suốt 2 năm ở chiến trường. Hùng nhiều lần hứa "con sẽ trở về và sống với mẹ đến trọn đời" nhưng lời hứa này mãi không thực hiện được.
"Là người lính ai chả đặt cho mình một niềm tin chiến thắng và nhất định là như vậy - con sẽ chiến thắng và nhất định trở về sống bên mẹ đến trọn đời. Mẹ hãy vui lên, mẹ đừng buồn nhé" (26/5/1970).
“Dù cho chiến tranh có tàn khốc và man rợ đến đâu, có gây ra tang tóc, biệt ly, không thể nào cướp được đứa con trai của mẹ đâu, tình yêu thương của bố mẹ gia đình sẽ bảo hộ cho con. Cuối cùng, sau ngày chiến thắng nhất định con sẽ trở về với bố mẹ, vì vậy mẹ hãy yên tâm nhé" (10/2/1970).
Đó là những dòng thư được viết bởi một người lính 20 tuổi gửi về cho bố mẹ từ chiến trường. Chàng trai ấy là Phạm Ngọc Hùng, quê Hà Nội, sinh ngày 3/4/1951.
Lúc viết những dòng thư trên gửi về cho gia đình, có lẽ Hùng vẫn luôn nuôi hy vọng và giữ vững niềm tin về ngày hòa bình sẽ trở về bên mẹ để được "sống với mẹ đến trọn đời". Nhưng chiến tranh thật tàn khốc, Phạm Ngọc Hùng đã hy sinh vào tháng 11/1971 tại chiến trường Kon Tum.
Tròn 60 lá thư gia đình nhận được trong 2 năm Hùng đi lính được bố của anh cẩn thận đánh số thứ tự, lưu giữ lại trong một quyển sổ bìa nhung đỏ đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn dù đã 49 năm.
60 lá thư được chàng lính trẻ viết trên đủ chất liệu giấy, nhiều màu mực, thậm chí có cả màu của thuốc đỏ. Có những trang được tận dụng cả phần ngoài lề tờ giấy để gửi gắm tình cảm về cho gia đình.
Nếu bây giờ Hùng còn sống thì ông đã bước sang tuổi 69. Nhưng trong bài viết này, cho phép tôi được gọi người liệt sĩ bằng tên, bởi tôi tin rằng dù có bao nhiêu năm trôi qua nữa, Hùng vẫn mãi mãi tuổi 20 với đầy nhiệt huyết, tình yêu. Và những tình cảm trong 60 lá thư được gửi từ chiến trường của người liệt sĩ này vẫn còn nguyên giá trị cho những thế hệ sau.
Ở độ tuổi 18-20 thời nay, những người trẻ sống cùng với đủ các vật dụng công nghệ hiện đại, dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, đi du lịch để có thêm trải nghiệm. Còn với những chàng trai như Hùng thời ấy, lý tưởng của lứa tuổi 19, đôi mươi là xếp bút nghiên vào Nam chiến đấu.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông (lúc đó là lớp 10) đạt loại giỏi, Hùng cùng lúc nhận được giấy báo đại học và nhập ngũ. Hùng chọn lên đường đi lính.
"Sao con không đi học đại học đã?", mẹ của Hùng lúc ấy hỏi cậu. Chàng trai 18 tuổi lúc ấy trả lời mẹ: "Mẹ cất tấm giấy học đại học này đi cho con. Chiến thắng trở về con học tiếp mẹ ạ. Con thích học lắm chứ, nhưng trai thời chiến, con phải xếp bút nghiên lên đường chiến đấu".
Vậy là ngày 4/9/1969, Hùng tạm biệt gia đình, bạn bè, hàng xóm ở phố Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), lên đường nhập ngũ.
Lá thư đầu tiên gia đình nhận từ Hùng được viết vào buổi chiều, trong ngày cậu lên đường. "Như vậy là sáng nay sau khi tạm biệt Hà Nội thân yêu, tạm biệt gia đình, chúng con đi về làng Đại Từ, Thanh Trì, Hà Nội. Lúc đi cũng tương đối vất vả, đường thì trơn như đổ mỡ mà lại mưa to nữa. Nhưng vẫn không sao cả, đây chỉ là khó khăn nhỏ nhặt bước đầu thôi". Lá thư ngắn gọn kèm dòng tái bút (TB) "chưa có địa chỉ của con".
Những lá thư đều đặn được Hùng gửi về cho bố mẹ và các em ở Hà Nội. Đó là những dòng cập nhật tình hình những ngày hành quân, đang ở nơi nào, có địa chỉ hay chưa, dòng thông tin về những đồng đội ở cùng và luôn luôn kèm lời nhắn gửi bố mẹ, anh chị em ở nhà giữ sức khỏe, nhớ viết thư và gửi kèm ảnh cho Hùng...
"20/9/1969
Mẹ ạ! Từ hôm chiều chủ nhật ở Hà Nội đi đến nay đã gần một tuần lễ rồi. Sáng thứ 2 bắt đầu cuộc hành quân gian kh/1969ổ, đầu tiên đi từ Đại Từ đến Đồng Văn. Đây là cuộc đi đầu tiên của chúng con, vai vác nặng vô cùng mà đường đi lại xa nên chân con rộp cả lên, mọng nước, vai đau ê ẩm...
Phong cảnh ở đây rất đẹp, trước mắt là núi trùng trùng điệp điệp, bên cạnh là dòng sông xanh biếc chảy róc rách thật là sơn thủy hữu tình. Nếu cứ ở Hà Nội mãi thì thật là tiếc vì không thể ngắm phong cảnh ở đây, phong cảnh thì đẹp như vậy nhưng bóng người thì thật là buồn, buồn lắm. Song con tin chắc rằng mọi sự gian khổ, buồn tẻ sẽ không lùi bước, nó sẽ theo thời gian mà trôi cả thôi. Có phải không mẹ".
"2/12/1969
Chúng con vì tập luyện chuẩn bị đi B cho nên rèn luyện tinh thần khẩn trương lắm. Dạo này đi 'rèn' nhiều, vai nặng hơn và đi dài lắm thường thường mỗi tối đi ngủ phải để 'vợ' (súng nằm bên cạnh). Sáng sớm nghe tiếng còi là vội vàng mặc quần áo, xách súng, ba lô chạy vũ trang toàn tiểu đoàn. Mệt lắm bố mẹ ạ, có nhiều lúc cảm giác không phải thở bằng mũi mà thở bằng cả tai, mắt, mồm... nữa, trời giá rét như vậy nhưng chúng con ai cũng mồ hôi đầm đìa ướt hết cả áo.
Rồi những buổi đi 'rèn' vác đất nặng khoảng 28 kg đi hàng chục cây số không nghỉ, những chiếc nan sọt như cố tình trêu ghẹo chúng con thích vào sườn ê ẩm như những mũi dao con...".
"Đất Kon Tum, 12/4/1970
Mẹ ạ! Mưa nhiều chúng con khổ quá. Bây giờ đi vùng đất B này thực sự là chúng con đang được ôn lại những hôm leo dốc Trường Sơn. Dốc rất cao và nhiều mưa dầm càng làm cho đường trơn và khó đi. Vắt và muỗi rất nhiều, lúc nào cũng bao vây và tấn công dữ dội bọn con. Vượt được Trường Sơn qua khỏi đất Lào vẫn an toàn đấy, mưa là điều đáng mừng với bọn con. Mà qua khỏi đất B này mới là điều hạnh phúc nhất, vì nước ở vùng này rất độc, nhiều biệt kích B52 và ném bom dữ".
"Gia Lai, 26/5/1970
Mẹ ạ! Ba lô hành quân chiến đấu hiện giờ lúc nào cũng nặng tới 40 kg - gạo 18 kg cả tháng - đạn - pháo cối - lựu đạn - súng tất cả lúc nào cũng è trên cổ, lại leo dốc của vùng đất B3 này nữa. Mùa mưa tới lại càng gây cho bọn con thêm khốn khổ".
Ở chiến trường có những đêm mất ngủ, có những ngày hành quân dài đằng đẳng, ba lô vác nặng, ròng rã leo dốc, ăn cơm vắt ngủ hầm, bom đạn bắn kế bên mình. Ở đó là những ngày "cơm ăn 5 lạng một ngày cũng đói", đào thêm củ mài ở rừng ăn thêm, muối không đủ ăn... nhưng Hùng cùng đồng đội vẫn cứ lạc quan, yêu đời, ca hát, Hùng còn tự học thổi harmonica...
Trong lá thư được Hùng chú thích "miền Tây, 26/2/1971", Hùng kể về tình hình những đồng đội của mình, người tên Dũng bị sức ép B52 động kinh, người tên Doanh bị thương mất 1/4 bán cầu não. Hay như trong lá thư viết cho anh trai đề ngày 22/8/1971, Hùng kể 3 người bạn Thọ, Cường, Mỹ đã hy sinh.
Nhiều đồng đội lần lượt ngã xuống hay bị thương nặng, được chuyển về đơn vị nơi mà Hùng gọi là "đơn vị Minh béo". Thế nhưng, Hùng vẫn kiên cường, mạnh mẽ trong những dòng thư gửi về để gia đình an tâm.
“Ngồi viết thư cho cậu mợ (cách gọi khác của bố mẹ - PV) máy bay địch vẫn gầm rú cuồng loạn trên đầu. Thỉnh thoảng vài loạt đại bác địch bắn cầm canh ầm ì từ xa - ở đất này là vậy, ngày cũng như đêm không bao giờ ngừng tiếng súng - Nhưng chúng con ở đây thì an toàn lắm, có lo gì là bom đạn địch đâu. Màu xanh của rừng núi là cái áo giáp che thân của bọn con. Loại máy bay trinh sát của địch L/9 - OVI10A suốt ngày vè vè trên đầu mà cũng như không thôi".
Và trong lá thư cuối cùng Hùng gửi cho bố mẹ đề ngày 19/9/1971, trong sự khó khăn của đời lính, Hùng vẫn cho bố mẹ thấy sự "thú vị riêng" của chiến trường.
"Ở đây rừng rú âm u tuy buồn, nó cũng dạy cho mình nhiều cái hay và thú vị riêng nhất định của nó. Bây giờ đã là cuối mùa mưa rồi, mùa mưa thứ 2 ở chiến trường đến với con cũng có phần dễ chịu hơn - không phải là mưa kém tai quái hơn đâu mà do sự quen biết và chịu đựng hơn thôi.
Chúng con bây giờ cả ngày chỉ cân 1 lạng rưỡi gạo và ăn độn thêm 8 lạng ngô do tự chúng con làm ra. Muối năm nay mùa mưa có đầy đủ hơn không bị tình trạng ăn nhạt kéo dài hàng tháng như năm ngoái"
Xuyên suốt những dòng thư của Hùng chỉ có gia đình, có mẹ, anh chị em, bạn bè, đồng đội. Lá thư nào Hùng cũng nhờ bố mẹ gửi lời hỏi thăm bà con hàng xóm, dặn bạn bè rảnh viết thư cho mình và luôn nhờ cả nhà gửi thật nhiều ảnh chứ không cần gì cả.
Trong những dòng thư biên từ chiến trường, Hùng luôn tự đặt câu hỏi rằng có phải mẹ đang ở nhà lo lắng và khóc vì nhớ thương cậu nhiều lắm không, rồi anh dặn dò người mẹ của mình "hãy tin tưởng nơi con", "mẹ hãy vui lên mẹ đừng buồn nhé", "mẹ hãy thật khỏe mạnh, đừng làm việc nhiều quá mà ảnh hưởng sức khỏe...".
Thậm chí, trong lá thư viết ngày 3/4/1970 - sinh nhật 19 tuổi của mình, Hùng còn sẵn sàng không lấy vợ mà chỉ nguyện sống với mẹ. Trong 60 lá thư gửi về, Hùng vẫn luôn nhắc đi nhắc lại lời hứa "sẽ về và sống với mẹ đến trọn đời".
"Sau này không lấy vợ cũng được, con chỉ sống bên mẹ đến trọn đời thôi. Mẹ hãy luôn vui khỏe đợi con về nhé. Bây giờ xa mẹ, con đang viết một quyển nhật ký tâm sự nỗi lòng con với mẹ trong những ngày hành quân gian khổ nhưng vinh quang. Sau này trở về con sẽ xin tặng lại mẹ. Mẹ hãy yên tâm mẹ nhé".
"Sau này trở về con cũng không cần mợ thưởng cho con cái gì cả. Chỉ cần một chiếc hôn của mẹ với con là phần thưởng cao quý nhất rồi, còn gì mà bằng được nữa".
Những lá thư viết cho anh chị và các em, Hùng cũng không quên "tị nạnh" với mọi người hạnh phúc hơn mình nhiều vì được ở gần bố mẹ và nhắn gửi "đừng bao giờ để bố mẹ buồn phiền hay lo nghĩ gì cả nhé. Bố mẹ thì già yếu và vất vả nhiều lắm rồi, để cho bố mẹ nghĩ ngơi và lúc nào cũng vui vẻ nhé".
Thế nhưng, trước tình hình ác liệt của chiến tranh, nhìn thấy những đồng đội của mình ngã xuống, dù có lạc quan đến thế nào, Hùng vẫn chuẩn bị tâm thế có thể hy sinh. Giữa những dòng thư gửi về, Hùng vẫn canh cánh nỗi lo chia lìa và tranh thủ dặn dò bố mẹ đừng buồn nếu cậu có ra đi mãi mãi.
"1/5/1970
Bố mẹ thương của con! Cuộc đời người ta ai là người biết trước số phận của mình được nhỉ. Khó lắm mẹ ạ! Cho nên dù phải trả 1 giá đắt nhất thì bố mẹ cũng đừng buồn gì cả. Mà mẹ hãy tự hào và kiêu hãnh vì có 1 người con hay một giọt máu của chính mình đã cống hiến cho tổ quốc trong sự nghiệp của cả dân tộc anh hùng này".
“Gia Lai, 26/5/1970
Xa mẹ để gần mẹ mãi mãi... Nhưng trong cuộc chiến sắp tới, ai là người biết trước số phận của mình được nhỉ. Không biết rằng ước mơ đó của con có thực hiện được không? Hay là xa mẹ - xa mãi mãi. Mẹ! Mẹ có buồn không mẹ!".
Trong lá thư Hùng viết ngày 28/4/1971, anh có ghi "kỳ trước 18/3 con nhận được 2 lá thư của cậu mợ gửi cho con hồi tháng 9 và 10/1970".
Điều này có nghĩa là những lá thư gia đình gửi có khi mấy tháng sau Hùng mới nhận được. Và cũng không biết đã có thêm bao nhiêu lá thư được Hùng gửi từ chiến trường về nhưng không đến được tay người nhận.
Từ những tháng cuối năm 1971, gia đình không còn nhận được lá thư nào từ Hùng nữa.
"Thời điểm đó, bố tôi cũng hay tin anh Hùng mất, người này người kia cũng có đồn là anh tôi đã hy sinh. Nhưng vì lo cho sức khỏe của mẹ có thể ngã quỵ, tăng xông khi hay tin nên ông giấu mẹ tôi. Và mẹ sau đó cũng biết, nhưng không nói cho bố. Ở nhà mấy mẹ con ôm nhau khóc, nhưng thấy bố về là vội lau nước mắt. Gia đình cứ giữ kín về cái chết của anh Hùng như thế, không khí im lìm và nặng nề cho đến 2 năm sau, khi nhận được giấy báo tử", bà Phạm Thị Kim Anh (67 tuổi, em gái của liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng trò chuyện với Zing.
Chuyện là trong một lần tiểu đội 3 người có Hùng đi trinh sát, chẳng may đã lọt vào ổ mai phục của địch. Khi Hùng bị bắn trúng phổi, biết mình không thể qua khỏi, anh đã lôi quyển nhật ký viết cho mẹ để nhờ đồng đội tên Cường đem về giao lại cho mẹ của mình. Nhưng tiếc thay, Cường sau đó cũng đã hy sinh trong một trận đánh khác.
Qua lời kể của người bạn cùng đơn vị, giây phút trước khi nhắm mắt, Hùng lôi từ ngực trái tấm hình của bố mẹ - tấm ảnh mà có lần bị mất, Hùng vẫn dặn bố mẹ gửi vào lại tấm mới cho anh - cố mở mắt nhìn lần cuối, nói xin lỗi vì đã không trở về như lời đã hứa. Tấm ảnh đó bây giờ vẫn còn lưu lại, thấm vết máu năm xưa của người lính trẻ.
Điều đặc biệt là có một lá thư được Hùng găm trong lọ penixilin, thả trôi theo dòng nước từ Kon Tum về xuôi, chỉ mong ai đó nhặt được, gửi về cho gia đình. Đây là cách mà nhiều chiến sĩ thời đó đã áp dụng, nhưng có biết bao người chờ mong trong vô vọng. Nhưng kỳ lạ thay, lá thư này cũng được một người nhặt được và mang về đưa tận nhà cho bố mẹ Hùng. Nhưng cũng chính lúc đó, chàng trai 20 tuổi ấy đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường Tây Nguyên.
Trong những lá thư gửi về, Hùng luôn kỳ vọng vào những người em của mình, rằng Kim Anh sẽ trở thành họa sĩ, Hiệp sẽ thật chăm ngoan không nghe lời bạn bè xấu, Yến sẽ làm bác sĩ... Chàng trai Phạm Ngọc Hùng ngã xuống, nhưng những lời nhắn gửi, yêu thương đong đầy của anh vẫn là động lực cho những người em. Để giờ đây, Kim Anh, Hiệp và Yến ngày nào đều trở thành người đúng như Hùng mong mỏi.