Tỉ phú công nghệ Elon Musk phát biểu tại buổi vận động của ông Trump ở New York vào ngày 27/10. Ảnh: Reuters. |
Dù 2015 là năm đầy khó khăn của công ty tên lửa do Elon Musk làm chủ, tác giả Ashlee Vance đã dự đoán SpaceX sẽ tìm được cách đáp tên lửa lên một trạm vũ trụ hoặc Tesla Motors sẽ phát triển thành công tính năng đặc biệt nào đó của mẫu Model X. Hơn hết, tỷ phú Elon Musk có thể dấn thân vào ngành trí tuệ nhân tạo.
Sau một thập kỷ, các suy luận đó đều đúng với thực tế. “Elon Musk là một thực thể vận động không ngừng nghỉ”, nhà báo Ashlee Vance viết trong cuốn tiểu sử Elon Musk.
Tỷ phú Elon Musk từng bị gọi là ‘gã khùng’
Trong bữa tối tại Thung lũng Silicon, tỷ phú Elon Musk bất ngờ hỏi nhà báo Vance: "Anh có nghĩ tôi điên không?”. Câu hỏi này được thoát ra nhẹ nhàng từ miệng của người sáng lập SpaceX nhưng lại khiến nhà báo Ashlee Vance cảm thấy tò mò. Kể từ đó, tác giả Ashlee Vance đã dành nhiều năm trời theo sát mọi hoạt động của ông Musk để hiểu khát vọng sâu thẳm bên trong cha đẻ Paypal.
"Anh ấy như một Thomas Edison thứ hai, một nhà phát minh lừng lẫy, một doanh nhân có thể nắm bắt những ý tưởng lớn và biến chúng thành hiện thực”, tác giả Ashlee Vance viết.
Từ những năm 2013-2015, Elon Musk thuê hàng nghìn công nhân luyện kim tại các nhà máy trên đất Mỹ, điều mà nhiều người cho là bất khả thi. Sự kiên định và quyết tâm của ông được minh chứng qua việc thành lập hai công ty công nghệ sạch trong khi vô số doanh nghiệp khác cùng ngành phá sản. Nhưng tỷ phú Elon Musk không dừng lại, ông luôn kiên định với sứ mệnh của mình là "giải cứu nhân loại”.
Cuốn tiểu sử về Elon Musk đã được Alphabooks chuyển ngữ vào cùng năm ra mắt. Ảnh: Cùng bạn đọc sách. |
Cũng trong giai đoạn này, ông Elon Musk được coi là một tượng đài ở Thung lũng Silicon, nơi các CEO hàng đầu như Larry Page (đồng sáng lập Google) nói về ông với lòng tôn kính. Còn những doanh nhân mới khát khao “được như Elon”. Bên ngoài những bộ vest và hình ảnh CEO hào nhoáng, mọi người thường thấy nhà sáng chế Elon Musk ở quanh những mẫu xe điện Tesla, tấm pin Mặt Trời và tên lửa SpaceX. Chúng là những biểu tượng của khát vọng xanh mà ông quyết tâm theo đuổi.
Bên cạnh hình ảnh Thomas Edison, nhà báo Ashlee Vance ví Elon Musk thời trẻ như P.T. Barnum (ông tổ ngành giải trí đại chúng của Mỹ) trong thế giới viễn tưởng. “Thay vì chơi đùa với nỗi sợ, Musk bán cho con người niềm hy vọng về một thế giới bền vững”, tác giả Vance viết trong cuốn tiểu sử.
Ông Musk đòi hỏi rất cao ở nhân viên và luôn đưa ra những thời hạn dường như không thể. Vợ cũ của ông, bà Justine Musk, từng nhận xét: "Anh ấy làm những gì mình muốn và nỗ lực không ngừng nghỉ. Đó là thế giới của Elon và tất cả chúng ta sống trong thế giới ấy”.
Gạt bỏ mọi thứ không đem lại giá trị tức thời
Tỷ phú Elon Musk nổi tiếng với quan điểm khắt khe và thực dụng trong quản lý các nguồn lực, đặc biệt là nhân sự. Ông luôn nhấn mạnh hiệu quả công việc và không chấp nhận bất kỳ ai không đáp ứng tiêu chuẩn cao mà ông đặt ra. Đối với nhà sáng lập SpaceX, mỗi phút đều quý giá và không dành cho những cuộc gặp không cần thiết hay những cuộc trò chuyện tạo dựng mối quan hệ xã giao.
Điển hình là câu chuyện một nhân viên bán hàng đã bay tới gặp ông Musk với hy vọng tạo dựng mối quan hệ trước khi chào bán sản phẩm. Đáp lại, CEO Elon Musk chỉ cho anh ta hai phút và kết thúc cuộc gặp nhanh chóng, thể hiện thái độ không khoan nhượng với những ai không mang lại giá trị tức thời.
Tàu Starship 6 của SpaceX được phóng lên. Ảnh: New Scientist. |
Ông Elon Musk cũng không ngần ngại sa thải nhân viên không đạt yêu cầu. Đối với cha đẻ của Paypal, việc trì hoãn sa thải một người chỉ khiến công ty lãng phí thời gian và nguồn lực. “Ông luôn đòi hỏi ở nhân viên sự sáng tạo, chủ động, và khả năng tự điều hành, không chờ đợi chỉ đạo cụ thể. Những ai thể hiện sự do dự hoặc tỏ ra không thể đáp ứng yêu cầu của Musk sẽ nhanh chóng bị loại khỏi dự án”, tác giả Ashlee Vance viết.
Sự quyết liệt của ông không chỉ gây áp lực lớn lên nhân viên mà còn tạo ra một môi trường làm việc cường độ cao, nơi mà nhân viên luôn phải ở trạng thái sẵn sàng đối mặt với các thử thách và đòi hỏi cao từ cấp trên.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này của ông Musk không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tích cực. Tại SpaceX, nhiều kỹ sư giỏi đã phải ra đi hoặc bị sa thải khi họ đưa ra những ý kiến phản biện hoặc trình bày các giải pháp nhằm cải thiện thiết kế.
Cách CEO SpaceX “quản trị bằng sợ hãi” khiến cho không ít nhân viên tài năng bị loại bỏ chỉ vì họ không phù hợp với phong cách lãnh đạo của ông hoặc đơn giản là không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe. Một số nhân viên đã bày tỏ rằng cái tôi của Musk quá lớn, khi ông tự nhận công lao về thiết kế tên lửa Falcon và phớt lờ những đóng góp thực sự từ đội ngũ kỹ sư.
Phong cách quản trị của tỷ phú Elon Musk có thể tác động đến cả các quyết định tương lai của Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ, nơi mà ông mới được bổ nhiệm làm lãnh đạo. Tinh thần quyết đoán của Elon Musk nhắm thẳng vào những khoản lãng phí của Chính phủ Mỹ tiền nhiệm như 33 triệu USD cho công ty Monkey Island, 20.000 USD cho các buổi biểu diễn drag tại Ecuador, 5 tỷ USD để thuê không gian... Việc nhiều người trên bờ vực bị sa thải để Chính phủ cắt giảm ngân sách là điều khiến công chúng lo ngại.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.