Vào cao điểm mùa khô mỗi năm, để duy trì sinh hoạt, người dân 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh tìm đến các giải pháp tạm thời như đi xa vận chuyển hay mua nước với giá cao.
Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, vào mùa khô, cuộc sống người dân các tỉnh miền Trung nói chung và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh nói riêng trở nên vất vả hơn vì thiếu nước sạch sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Nguồn nước từ ao hồ, sông suối còn lại ít ỏi cũng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng khiến nhiều vườn tiêu, ruộng lúa héo hon, năng suất sụt giảm mạnh.
“Nước bữa có bữa không, khan hiếm lắm. Tôi phải tiết kiệm, hạn chế tắm rửa và lau dọn, tận dụng nước rửa rau để lau nhà. Sau đợt hạn, thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng vì cây cối thiếu nước tưới, tiêu 2 năm tuổi cũng chết, chuối thì xìu hết”, cô Nguyễn Thị Mai (thôn An Khê, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị) đau đáu khi nói về đợt hạn hán diễn ra hồi tháng 6-7.
Không chỉ cô Mai, nhiều gia đình thuộc thôn An Khê cũng đang chịu cảnh ngộ tương tự. Để duy trì sinh hoạt hàng ngày, họ phải vận chuyển nước từ giếng cổ cách đó 1,5 km. Đoạn đường đến giếng gập ghềnh và không thể chạy xe, nhưng hàng ngày, người dân vẫn cố gắng, miệt mài đi bộ gánh từng xô nước về nhà.
Ông Nguyễn Viết Điểu - Trưởng ban Văn hóa, công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thôn An Khê, cho biết do địa hình đá basalt khó khoan giếng sâu, toàn thôn chỉ có một giếng nước sạch sâu 50 m kèm bể chứa dung tích 30 m3 và hệ thống đường ống dẫn nước tới mỗi hộ dân được xây dựng từ năm 2006. Năm 2019, thôn có 200 hộ dân, tăng gấp đôi so với 2006, do vậy nhiều hộ chưa có đường ống dẫn nước tới nhà.
Vào cao điểm mùa khô, giếng không đủ cung cấp cho nhu cầu người dân, cộng thêm hệ thống xuống cấp khiến nước bị thất thoát. Trước đó, hệ thống nước có thể bơm 5 m3/giờ còn hiện tại, con số này giảm xuống còn 3 m3/giờ. Thời gian hoạt động của hệ thống buộc phải tăng lên 12 giờ/ngày, dẫn tới quá tải.
“Hạn hán kéo dài khiến nguồn nước không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Thôn phải chia phiên cho các hộ dân, một nhóm lấy nước buổi sáng, một nhóm lấy nước buổi chiều”, bác Điểu kể lại.
Không chỉ sinh hoạt, hạn hán còn phủ lên nơi đây gam màu trầm của những vườn cây héo hon, trụi lá. Người dân thôn An Khê đa phần trồng cao su, tiêu và bơ - những loại cây vốn chịu hạn tốt, nhưng hạn hán kéo dài, không có nước tưới nên cây trồng cho năng suất kém khiến kinh tế các hộ gia đình trở nên thiếu thốn hơn.
Giáp ranh với Quảng Trị, những nền đất cằn cõi, nứt nẻ cũng trở thành nỗi buồn đeo bám cuộc sống người dân tại nhiều địa phương ở “vương quốc” hang động Quảng Bình. Tại xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch, do vị trí nằm sát biển nên nguồn nước ngầm ít ỏi còn lại dưới cái nắng miền Trung bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng.
Vào mùa hạn, gia đình chị Từ Thị Hồng (xã Quảng Kim) không có nước dùng, phải đi xin hàng xóm; hoặc lấy từ giếng làng, bể nước công cộng từ trên núi, cách nhà chị đến 600 m.
“Nhà có con nhỏ nên nhu cầu dùng nước nhiều, có khi tôi phải đi mua nước sạch. Còn giếng đào lại ra nước mặn. Vợ chồng tôi nhiều lúc cáu kỉnh, cãi nhau vì thiếu nước và mệt mỏi. Tiền điện tốn nhiều hơn vì phải bơm nước công suất cao. Máy bơm trung bình một năm thay một cái vì dễ hỏng hóc, mỗi cái giá 2 triệu đồng. Gia đình tôi thay tổng cộng 3 máy rồi”, chị Hồng chia sẻ.
Hiện tại, xã cũng có công trình cung cấp nước tự chảy lấy nước từ thác Ba tầng của xã. Tuy nhiên, trong đợt bão Podul vừa qua, hệ thống ống thu và dẫn nước của công trình đã bị lũ quét làm hỏng hóc, không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trong xã.
Cũng thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, vào cao điểm mùa khô, người dân hai xóm Xuân Thủy 1 và Xuân Thủy 2, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cũng trải qua không ít gian nan trên hành trình đi tìm nước sạch. Nằm cách xa trung tâm của thị trấn, 2 xóm này chưa có hệ thống ống dẫn đến các hộ dân.
Theo anh Nguyễn Văn Việt, Xóm trưởng Xuân Thủy 2, người dân tại đây dùng nước từ hai nguồn chủ yếu là nước mưa và ao tù quanh nơi ở.
Cả 2 xóm đều là vùng nông nghiệp, chủ yếu chăn nuôi nên ao hồ dễ bị nhiễm bẩn từ nước thải. Để sử dụng nước sạch, người dân tại đây phải đi mua nước hay đi xa 2-3 km lấy nước.
“Nguồn nước hàng ngày là lấy nước mưa hoặc bơm từ ao. Nước bơm từ ao mà dùng thì ngứa lắm, khử phèn, khử bẩn thì đỡ hơn chút. Còn bể lọc, nhà tôi để hứng nước mưa, dùng cho ăn uống và sinh hoạt. Nguồn nước mưa trong mùa hạn thì thiếu lắm”, anh Nguyễn Đình Mạnh (45 tuổi, xóm Xuân Thủy 1) cho biết.
Hết trải qua hạn hán rồi lại tới lũ lụt, trong điều kiện khí hậu nào thì các gia đình tại đây cũng gặp khó khăn vì không có nước sinh hoạt. Nước sạch đã trở thành một mặt hàng đắt đỏ.
“Ăn uống thì gia đình dùng nước mưa nhưng không đủ. Gia đình tôi phải ra ngoài mua bình. Một ngày, cả gia đình dùng hết một bình 19 lít, giá 50.000 đồng”, bác Trần Thị Việt (55 tuổi, xóm Xuân Thủy 2) bộc bạch.
Khi cái nắng mùa khô bắt đầu gắt hơn, nỗi lo và khó khăn từ thiếu nước sạch lại hiện hữu trong cuộc sống của người dân vùng hạn ở 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Tuy đối mặt với muôn vàn khó khăn, người dân nơi đây vẫn nỗ lực cải thiện bằng việc đi xa vận chuyển nước, mua nước hay đầu tư nhiều tiền khoan giếng sâu.
Hàng ngày, trên những đoạn đường chông chênh mang nước sạch về nhà, người dân vùng hạn vẫn không thôi mơ về một tương lai tươi sáng hơn. Ở đó, con cái họ được được tắm rửa với dòng nước trong - mát lành, những thửa ruộng sẽ reo vui trong gió, trụ tiêu sai trái và vườn rau mướt xanh. Cứ thế, niềm hy vọng về một giải pháp mang nước sạch dài hạn vẫn chưa bao giờ tắt.
Đáp lại mong đợi này, thương hiệu bia Huda của Carlsberg Việt Nam đã phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện chương trình “Khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương”, khởi động với ba dự án tại Quảng Trị, Hà Tĩnh và Quảng Bình trong năm 2019. Chương trình được kỳ vọng giúp hơn 1.000 hộ gia đình với 4.000 người dân được tiếp cận nguồn nước sạch.
Theo đó, dự án tại thôn An Khê sẽ khoan thêm một giếng bổ sung sâu 50 m, xây dựng hệ thống bơm và ống dẫn nước đến 130 hộ chưa tiếp cận được nguồn nước từ giếng cũ. Dự án cũng sẽ nâng cấp hệ thống dẫn nước cũ đã xuống cấp gây rò rỉ.
Tại xã Quảng Kim, chương trình sẽ xây thêm đập dâng giúp việc thu nước đầu nguồn được dễ dàng hơn, nâng cấp bể lọc nước, thay hệ thống dẫn nước hiện tại bằng ống nhựa đường kính lớn đồng thời cho chạy chìm dưới đất để tránh bị ảnh hưởng bởithiên tai. Còn tại hai xóm Xuân Thủy 1 và Xuân Thủy 2, hệ thống dẫn nước dự kiến dài 6.500 m, đưa nước sạch từ nhà máy nước của huyện đến trực tiếp với bà con sẽ được lắp đặt.
“Tôi chỉ mong có nguồn nước sạch ổn định để sử dụng cho sinh hoạt gia đình. Hy vọng chương trình cấp nước sạch của Huda sẽ sớm hoàn thành”, cô Nguyễn Thị Mai (thôn An Khê, Quảng Trị) kỳ vọng.
Hay tin dự án nước sạch sắp được triển khai tại xã mình, bác Chu Văn Thái (xã Quảng Kim, Quảng Bình) chia sẻ thẳng thắn: “Nước về tận nhà là rất vui, nhưng nguồn nước phải đảm bảo sạch sẽ. Người dân ở đây rất cần nước, nhưng cần nước sạch. Tôi mong rằng, các nhà đầu tư làm chu đáo cẩn thận. Nếu thiếu tiền, nhà tôi sẽ ủng hộ. Chúng tôi mong mỏi có được nguồn nước sạch đủ để sử dụng”.
Gần 30 năm gắn bó với miền Trung, thông qua chương trình “Khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương”, Huda tiếp tục đồng hành cùng người dân tại đây trong hành trình phát triển, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thương hiệu bia “Đậm tình miền Trung” kỳ vọng một ngày không xa, dưới cái nắng đổ lửa của miền Trung, trên gương mặt chất phác của người nông dân vùng hạn sẽ nở nụ cười rạng rỡ. Những dòng nước mát lành sẽ mang đến cho người dân bữa cơm ngon và giấc ngủ sâu hơn, cây cối sẽ xanh tươi và góp phần giúp người dân có thu nhập ổn định hơn.
Bình luận