Bộ Y tế Singapore ngày 6/9 thông báo nước này sẽ triển khai một số biện pháp mới nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Singapore tăng gấp đôi lên 1.200 trường hợp trong tuần qua, so với con số 600 của tuần trước đó, theo Straits Times.
Lawrence Wong, người đứng đầu lực lượng tác chiến đa bộ chống Covid-19, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Singapore, cho biết điều khiến chính quyền Singapore lo ngại không chỉ là tổng số ca nhiễm, mà còn là tốc độ virus lây lan.
“Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, chúng tôi biết rằng khi số ca nhiễm tăng mạnh, sẽ có nhiều trường hợp cần điều trị trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) và nhiều ca tử vong hơn”, ông Wong nói.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, cho đến nay, Singapore đã ghi nhận tổng cộng 68.901 ca nhiễm Covid-19 và 55 ca tử vong.
Một người dân Singapore được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Straits Times. |
Những hạn chế mới
Trong suốt đại dịch, Singapore tích cực theo đuổi chiến dịch đưa số ca mắc Covid-19 hàng ngày về mức 0 (Zero Covid). Quốc đảo sư tử đã áp đặt nhiều biện pháp chặt chẽ, bao gồm đóng cửa những trung tâm mua sắm, ăn uống, cấm xuất nhập cảnh và thực hiện giãn cách xã hội.
Dù vậy, vào tháng 6, chính phủ Singapore tuyên bố triển khai kế hoạch sống chung với dịch thay vì hạn chế cuộc sống của người dân. Quốc gia này cố gắng kiểm soát Covid-19 bằng vaccine và các biện pháp theo dõi chặt chẽ.
“Tin xấu là Covid-19 có thể không bao giờ biến mất. Tin tốt là chúng ta có thể sống bình thường với chúng”, các quan chức hàng đầu về Covid-19 của Singapore cho biết hồi tháng 6.
Khác với các nước láng giềng đang chật vật để tiêm chủng, Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Tính đến ngày 7/9, hơn 80% dân số đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.
Từ tháng 8, Singapore đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế, cho phép những người đã tiêm phòng đầy đủ tới nhà hàng và có thể tụ tập tối đa năm người.
Nhưng các đợt bùng phát mới đã ngăn chặn chính phủ Singapore gỡ bỏ bất kỳ hạn chế nào khác. Ông Wong cho biết Singapore sẽ cố gắng ngăn chặn các đợt bùng phát mới thông qua việc tích cực truy vết, tăng cường xét nghiệm và khoanh vùng nhanh chóng.
Những người lao động có nguy cơ phơi nhiễm cao bắt buộc phải xét nghiệm thường xuyên hơn, mỗi tuần một lần thay vì hai tuần một lần. Danh sách xét nghiệm bắt buộc cũng được bổ sung thêm nhân viên bán lẻ, giao hàng và giao thông công cộng.
Những nhân viên bán lẻ tại Singapore sẽ phải xét nghiệm bắt buộc mỗi tuần một lần. Ảnh: Straits Times. |
Chính phủ Singapore sẽ trợ cấp chi phí cho tất cả lượt xét nghiệm trong hệ thống giám sát tăng cường với cả người đã tiêm vaccine và người chưa tiêm vaccine tới cuối năm 2021.
Ngoài ra, chính quyền cũng cấm tất cả những cuộc gặp mặt tại nơi làm việc kể từ ngày 8/9. Ông Wong khuyến khích trong hai tuần tới, công dân nên hạn chế tham gia các sự kiện xã hội không cần thiết.
“Nhưng nếu những nỗ lực tốt nhất không có hiệu quả, số lượng trường hợp nghiêm trọng cần chăm sóc ICU tăng mạnh, chúng tôi sẽ không có cách nào ngoài việc thắt chặt kiểm soát và áp đặt các biện pháp hạn chế. Chúng tôi không loại trừ trường hợp đó”, ông Wong cho biết.
Tuần trước, Singapore thông báo sẽ triển khai tiêm vaccine tăng cường cho người cao tuổi, bắt đầu từ cuối tháng 9. Chính quyền nước này cũng đang nghiên cứu khả năng tiêm tăng cường cho nhóm người nhỏ tuổi.
“Vaccine tăng cường sẽ bảo vệ họ và giúp làm chậm quá trình lây nhiễm Covid-19”, ông Wong nhận định.
Lời cảnh báo cho nước khác
Giống như Singapore, nhiều nước đã từ bỏ mô hình “Zero Covid” và chuẩn bị thực hiện kế hoạch sống chung với dịch. Tuy nhiên, sự bùng phát dịch tại Singapore là lời cảnh báo mạnh mẽ với tất cả các quốc gia.
Nhiều tháng qua, hàng triệu người dân tại bang New South Wales và Victoria của Australia phải sống trong tình trạng phong tỏa do biến chủng Delta hoành hành. Vào tháng 8, chính phủ Australia tuyên bố rằng các hạn chế sẽ được nới lỏng một khi 70% người trên 16 tuổi được tiêm phòng đầy đủ.
Nhưng tính đến ngày 6/9, mới có 38,4% dân số nước này được tiêm đầy đủ hai liều vaccine. Australia phải vật lộn để tiêm chủng cho người dân do nguồn cung vaccine không đủ.
Một quán cà phê tại Sydney phải đóng cửa do các hạn chế Covid-19. Ảnh: Reuters |
Các nhà dịch tễ học cho rằng nếu các hạn chế được nới lỏng trước khi tỷ lệ tiêm chủng đủ cao, hậu quả có thể rất thảm khốc.
Đối mặt với áp lực kinh tế, số ca nhiễm gia tăng và các cuộc biểu tình chống phong tỏa, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố bắt đầu chấm dứt chính sách Zero Covid vào ngày 22/8.
“Số ca nhiễm có thể sẽ tăng lên khi chúng ta bắt đầu mở cửa. Đó là điều không thể tránh khỏi”, ông Morrison cho biết.
Các bang Tây Australia, Tasmania và Queensland cố gắng kiểm soát số ca Covid-19 xuống con số không và phản đối mạnh mẽ việc mở cửa của thủ tướng. Một số thủ hiến bang đã cảnh báo chính phủ Australia không nên nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.
“Chúng tôi có những cộng đồng tự do, cởi mở và thú vị nhất thế giới. Chúng tôi muốn giữ những giá trị đó trong khi triển khai tiêm phòng cho người dân”, Thủ hiến bang Tây Australia Mark McGowan nói hôm 30/8.
Ông cho rằng việc mở cửa trở lại để “đưa virus vào cộng đồng” là một điều “điên rồ”.
“Chúng tôi hiện không có bất kỳ lệnh hạn chế nào trong tiểu bang. Chất lượng cuộc sống tuyệt vời và khả năng kinh tế mạnh mẽ của chúng tôi đang tài trợ cho các nỗ lực cứu trợ ở các khu vực khác của đất nước. Tây Australia cho rằng các quyết định nên xem xét hoàn cảnh của tất cả các tiểu bang”, ông McGowan nói thêm.