Nhìn bề ngoài, đám đông xông vào các tòa nhà chính phủ ở Brazil để ủng hộ một cựu tổng thống thua cuộc, tuyên bố có gian lận bầu cử, trông giống một cuộc bạo loạn lấy cảm hứng từ cuộc tấn công vào Điện Capitol của Mỹ.
Hai vụ bạo loạn đều có những điểm tương đồng về tính chất. Cuộc bạo loạn ngày 8/1 diễn ra sau nhiều tuyên bố gay gắt của cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - người còn được báo chí Mỹ gọi là "ông Trump của Brazil" - về tính hợp pháp của cuộc bầu cử.
Ông Bolsonaro thường nhắc đến tình trạng “tin giả” trong nhiệm kỳ của mình, khẳng định các cuộc thăm dò nói ông xếp sau ông Lula là không đáng tin cậy, và nói rằng máy bỏ phiếu gặp vấn đề. Đây đều là những lập trường tương tự cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhưng đối với người Mỹ, việc so sánh cuộc bạo loạn do tổng thống thứ 45 của của nước này thúc đẩy vào ngày 6/1/2021 và cuộc nổi dậy mới nhất của những người ủng hộ ông Bolsonaro thậm chí còn đáng lo ngại hơn, theo CNN.
Những người ủng hộ ông Trump bên trong Điện Capitol (bên trái) và người ủng hộ ông Bolsonaro tại dinh tổng thống Brazil (bên phải). Ảnh: AP. |
Du nhập đặc điểm của các xã hội chính trị hỗn loạn
Cũng giống cuộc bạo loạn ngày 6/1 ở Điện Capitol, đám đông kéo đến thủ đô Brazil đã áp đảo cảnh sát ở vòng ngoài tòa nhà trụ sở Quốc hội và tràn vào các phòng họp. Họ phá cửa sổ, lấy đi những đồ vật có giá trị và tạo dáng chụp ảnh trong tòa nhà lập pháp.
Theo CNN, ông Bolsonaro không kích động việc tụ tập người biểu tình rõ ràng như ông Trump từng làm, và cũng không có mặt ở trong nước vào thời điểm xảy ra bạo loạn.
Tuy nhiên, ông đã áp dụng vở kịch của ông Trump, gieo rắc nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu, từ chối thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử và thu lợi từ thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội.
Sự xói mòn của nền dân chủ và việc sử dụng bạo lực làm công cụ chính trị là đặc điểm của phần lớn Tây Bán cầu từ rất lâu trước khi bạo loạn ở Quốc hội Mỹ diễn ra.
Vì vậy, trong khi nhóm người cực đoan ở Brazil đang sao chép những gì diễn ra ở Mỹ, thì nhìn từ khía cạnh khác, Mỹ có thể cũng đang du nhập đặc điểm của các xã hội chính trị hỗn loạn ở nước ngoài.
Hàng nghìn người xông vào các tòa nhà chính quyền Brazil hôm 8/1. Ảnh: Reuters. |
Bạo lực ở Brazil là mối lo ngại lớn kể từ sau cuộc bầu cử vào tháng 10/2022. Những người biểu tình bị kích động bởi tuyên bố gian lận bầu cử của ông Bolsonaro - động thái giống với hành động của ông Trump sau cuộc bầu cử năm 2020.
Và cũng tương tự Mỹ, một số nhà lập pháp Brazil và người có quyền lực chính trị ở các bang đã ủng hộ ông Bolsonaro cùng nỗ lực từ chối công nhận kết quả bầu cử.
Tại Washington, đa số thành viên Hạ viện khóa mới, bao gồm các thành viên đảng Cộng hòa, từng bỏ phiếu không xác nhận chiến thắng bầu cử của Tổng thống Joe Biden vào năm 2020, dựa trên những tuyên bố gian lận phiếu bầu.
Thế nhưng sau tất cả, cho đến nay, nền dân chủ của Brazil vẫn đứng vững và những người biểu tình đã bị đẩy ra khỏi các tòa nhà chính phủ, giống nền dân chủ của Mỹ hai năm trước.
Kết quả vẫn không thay đổi. Ông Lula da Silva đã nhậm chức tổng thống Brazil, điều tương tự người đồng cấp Joe Biden từng làm cách đây hai năm.
Nỗi lo ngại
Trên thực tế, chính quyền Biden ngay từ đầu đã lo ngại về tác động của chủ nghĩa phủ nhận bầu cử do ông Bolsonaro dẫn dắt đối với một quốc gia là điểm tựa chính trị và kinh tế ở Mỹ Latinh.
Vài tuần trước cuộc bầu cử ở Brazil, Washington từng cảnh báo công khai và ở nơi hậu trường rằng ông Bolsonaro không nên phá hoại nền dân chủ. Washington đồng thời cũng hiểu rõ điểm tương đồng giữa ông và ông Trump, rộng hơn là nguy cơ mà nền dân chủ Brazil phải đối mặt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đặt các mối đe dọa đối với nền dân chủ toàn cầu vào trung tâm chính sách đối ngoại của mình, sau đó đã lên án cuộc bạo loạn.
Cảnh tượng hỗn loạn ở Brazil khiến nhiều người liên tưởng tới vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol ở Washington DC. Ảnh: Reuters. |
Hôm 8/1, ông gọi tình hình ở Brazil là "tàn bạo" khi những người ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro xông vào Quốc hội, dinh tổng thống và Tòa án Tối cao của nước này, theo Reuters.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói ông lên án “cuộc tấn công vào nền dân chủ và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở Brazil”. Ông khẳng định Mỹ hoàn toàn ủng hộ các thể chế dân chủ của Brazil, cũng như không đồng tình trước các hành động làm suy yếu “ý chí của người dân Brazil”.
Theo New York Times, cuộc bạo loạn ở Brasilia cũng gặp phải sự lên án từ các nhà lập pháp Mỹ.
“Các nền dân chủ trên thế giới phải hành động nhanh chóng để làm rõ rằng sẽ không có sự ủng hộ nào dành cho những người theo chủ nghĩa nổi dậy cánh hữu đang xông vào Quốc hội Brazil”, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jamie Raskin viết trên Twitter.
Bạo lực ở Brazil bùng phát khi tại Mỹ, cử tri ở một số bang dao động đã bắt đầu bác bỏ chủ nghĩa phủ nhận bầu cử do những người ủng hộ ông Trump thúc đẩy.
Vì vậy, ví dụ mạnh mẽ nhất mà Washington gửi tới Brazil cùng các quốc gia khác, nơi hệ thống chính trị cũng đang gặp vấn đề, đó là nền dân chủ bị bẻ cong nhưng không bị phá vỡ vào năm 2021 và những người đe dọa nó đang bắt đầu phải chịu trách nhiệm.
Nhưng hai ngày, ngày 6/1 ở Mỹ và ngày 8/1 ở Brazil, là những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng rằng sự tồn tại và việc chấp nhận các cuộc bầu cử tự do ở bất cứ đâu không phải là điều hiển nhiên.
Brazil đầu thế kỷ XXI
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về chính trị Brazil mang tên "Brazil đầu thế kỷ XXI" do NXB Từ điển Bách Khoa xuất bản năm 2012. Cuốn sách tập trung vào những vấn đề chính trị và kinh tế của Brazil, từ đó đưa ra một số đánh giá chung và khả năng mở rộng quan hệ với Việt Nam cũng như triển vọng kinh tế - chính trị Brazil.