Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, ông Lê Văn Tính (SN 1935, cựu chiến binh Trung đoàn Thủ đô, Sư đoàn 308) về Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) gặp Bác Hồ và được giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Đây là sự kiện để lại ấn tượng sâu sắc mà cả cuộc đời ông Tính không bao giờ quên.
Lần đầu gặp Bác, chiến sĩ Lê Văn Tính xúc động khi thấy Bác mạnh khỏe, trời se lạnh mà chỉ mặc bộ quần áo nâu bạc màu. Bác ngồi trên bậc thềm nhà và thân mật hỏi: “Các chú có biết đây là nơi nào không?”. Có vài lời thưa: “Thưa Bác đây là Đền Hùng”.
Lúc đó Bác Hồ đáp: Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước. Tám, chín năm nay, quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn.
Ông Lê Văn Tính, cựu chiến binh Trung đoàn Thủ đô. |
“Bác ân cần dặn: Khi vào tiếp quản Thủ đô các chú phải hết sức đề phòng âm mưu phá hoại của địch, đấu tranh giữ được nguyên vẹn điện, nước, bệnh viện, trường học, nhà cửa, đường sá... để ta dùng. Các chú phải luôn giữ kỷ luật nghiêm minh, giữ gìn phẩm chất cách mạng. Trong chiến tranh xông pha lửa đạn không chết vì viên đạn đồng, trong hòa bình nếu không giữ được phẩm chất cách mạng có thể ngã vì viên đạn bọc đường... các chú phải luôn đoàn kết cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, chăm tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách quy định của Nhà nước, phản bác những luận điệu sai trái của kẻ thù”, ông Lê Văn Tính nhớ lại.
Kết thúc buổi nói chuyện Bác hỏi: Vào thành phố mới giải phóng Bác mong các chú nghiêm chỉnh gương mẫu chấp hành, hoàn thành nhiệm vụ có được không?".
“Anh em đứng dậy hứa với Bác hoàn thành nhiệm vụ và chúc Bác mạnh khỏe sống lâu. Bác cười đôn hậu: 'Được, muốn Bác vui khỏe sống lâu, các chú hãy hoàn thành lời Bác căn dặn'. Bộ đội vỗ tay hân hoan chào Bác”, cựu chiến binh Lê Văn Tính chia sẻ.
Chấp hành chỉ thị của Bác về công tác đặc biệt này, đơn vị của ông Tính có hơn một tháng để chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc và rất cụ thể. Các buổi truyền đạt quy định trong vùng mới giải phóng, đặc biệt là hướng dẫn sinh hoạt trong thành phố được tiến hành chu đáo, chan hòa tình đồng đội, cùng với đó là không khí phấn khởi, háo hức mong nhanh đến ngày vào Thủ đô.
“Ngày 10/10/1954 ngày lịch sử đã đến. 5 giờ sáng, rời làng Phùng (huyện Đan Phượng), chúng tôi đội ngũ chỉnh tề theo đường 32 tiến về Hà Nội. Qua Cầu Diễn hiện ra trước mặt: Hà Nội một rừng cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu, các kiểu chữ rất cầu kỳ, nhiều nhất là: Hồ Chí Minh muôn năm!”, ông Tính hồi tưởng.
Sáng 10/10/1954, các cánh quân vào tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa đón chào của người dân Hà Nội. Ảnh: TTXVN. |
Cựu chiến binh Lê Văn Tính nhớ như in hình ảnh sáng mùa thu lịch sử 70 năm trước, đông đảo nhân dân Thủ đô đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào hàng quân chỉnh tề diễu qua. “Những ánh mắt ướt lệ, những cánh tay như muốn ôm chặt lấy người thân xa lâu ngày gặp lại. Khó nén nỗi xúc động dâng trào mắt nhòa lệ, nhất là những đồng chí đã chiến đấu 60 ngày đêm trong đội quân “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” giữ Hà Nội, ra đi từ ngày đầu kháng chiến nay trở về”, cựu chiến binh Sư đoàn 308 cho hay.
Khi đoàn quân đi qua các đường phố đến Hồ Gươm, về cửa chợ Đồng Xuân, dù phố phường đang có lệnh giới nghiêm nhưng nhà nào cũng mở cửa, mọi người đứng trong nhà nhìn bộ đội đi qua với nét mặt thân thiện, gần gũi như mong đợi từ lâu.
Buổi chiều ngày 10/10/1954, đoàn quân tiếp quản Thủ đô tập trung ở sân Cột Cờ, đội ngũ chỉnh tề cùng nhân dân dự lễ thượng cờ. 15 giờ cùng ngày, còi Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài, Quốc ca hùng tráng vang lên, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội.
“Sư đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đọc thư Hồ Chủ Tịch gửi đồng bào Thủ đô. Lời thư thân mật, tha thiết, trong không khí thiêng liêng, lòng tôi xúc động rưng rưng nước mắt, lời đọc vừa dứt, tiếng hô Hồ Chí Minh muốn năm vang lên, biểu thị tấm lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô”, ông Lê Văn Tính nói.
Ông Tính cho biết, tiến hành quân quản trong một thời gian ngắn, phố phường Thủ đô buôn bán ngày càng nhộn nhịp, sinh hoạt trở lại bình thường. Những ngày đầu đơn vị ông Tính chia tổ 3 người vào từng nhà thăm hỏi, nói chuyện, giải đáp những vướng mắc cho nhân dân, được mọi nhà tiếp đón vui vẻ.
“Thực hiện lời căn dặn của Bác, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Bác giao. Đơn vị được khen thưởng, riêng tôi và một số cán bộ trong trung đoàn được Bác tặng Huy hiệu của Người là một phần thưởng vô cùng quý giá”, cựu chiến binh ông Lê Văn Tính xúc động nói.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.