Trưa. Tháng tư nắng gay gắt. Ngồi ngay trước hiên nhà, dựa lưng vào cánh cửa gỗ màu xanh, tiếng hát khàn khàn của Khánh Ly vang lên từ chiếc máy nhạc đã cũ bên nhà hàng xóm. Không gian hệt như những gì ngày mới bước vào thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn mà tôi đã tưởng tượng. Cái không gian nhỏ bé, xưa cũ, gần gũi, đời thường lặng lẽ cháy trong màu nắng loang loáng.
Ngày mới chập chững trong tình yêu với Trịnh, tôi là một kẻ bồng bột, bộc lộ tình yêu rộn ràng. Tôi nghe Trịnh hàng ngày, viết nhiều về Trịnh, và chìm nghỉm trong âm nhạc của ông.
Trịnh Công Sơn mất ngày 1/4/2001 nhưng âm nhạc của ông vẫn khiến hàng vạn trái tim người nghe rung động. |
Tôi ôm chầm lấy ông, như ôm một người tình, tận hưởng cảm giác được nương tựa trong những tuyệt vọng. Thế giới của ông và những câu chuyện muôn đời phôi phai đã dẫn dụ bao mê đắm trong tôi.
Tình yêu phút đầu trôi qua, bỏ lại sau lưng những bồng bột, những ồn ào. Tình yêu sau đến bằng sự lặng lẽ. Tôi đằm mình trong tình yêu ấy, đi quanh qua những ngõ ngách mà trước đây tôi chẳng thể nào cảm nhận được. Trịnh nằm lặng trong một góc tâm hồn mà tôi muốn giấu kín cho riêng mình.
Suốt những năm tháng cũ, chúng tôi, những đứa trẻ hay buồn, thích ngồi trong góc quán âm u, nhấp từng ngụm cà phê đen đắng, trong khói thuốc đặc quánh, lặng nghe Khánh Ly hát lên những khúc nhạc của Trịnh. Từ góc quán ấy, tuổi trẻ đã cười, đã khóc, đã nơi gặp gỡ của biết bao duyên lành trong đời.
Chúng tôi say sưa đắm đuối, không còn cất nhiều lời “khoa trương” để xem ai hiểu biết hơn, về Trịnh. Chúng tôi chỉ lặng lẽ lắng nghe, những lời tự tình.
Tình yêu tôi luôn thấy mới mỗi ngày, thấy hồi hộp mỗi ngày, thấy khao khát mỗi ngày chính là thứ tình yêu mê mẩn với những ca từ của người nhạc sĩ ấy.
Đó là khoảng cất giữ, thuộc riêng tôi. Cái khoảng đó khiến tôi mãi mãi ở lại, ở gần. Âm nhạc là để cảm nhận, không phải để phân tích. Tôi yêu nhạc Trịnh, nhưng tôi chưa bao giờ cố gắng tìm kiến giải. Tôi tận hưởng giai điệu, ca từ, tận hưởng cả nỗi niềm trăn trở của mỗi đoạn khúc mà ông viết nên.
Tôi nhớ đến K, người đã từng ôm đàn ngồi hát Tôi ru em ngủ bên dòng sông Hồng lộng gió thuở ấy, ca khúc mà anh thích nhất.
Buổi chiều ấy là lần đầu tiên tôi nghe K hát một ca khúc của Trịnh với một cảm giác thanh thản và bình yên đến như thế. Giọng hát trầm ấm của anh đã gieo vào lòng tôi điều gì đó dịu dịu như những gió mùa thu loang dài trên phố.
K hát Tôi ru em ngủ bằng điều gì đó rất tinh khôi. Thứ tình cảm trong sáng, hồn nhiên của một trái tim không còn nhọc nhằn. Tôi lặng đi vì xúc động. Vì những con gió ngoài kia cứ dài thêm mãi, để âm thanh nhẹ lâng kia cứ dâng đầy vào mình từ lúc nào.
Tôi ru em ngủ từng là khúc nhạc tôi đã nghe đến thân thuộc với tâm hồn mình bằng giọng ca day dứt mênh mang như thoát thai từ trong tận cùng nỗi tuyệt vọng của Ly và Trịnh. Nhưng giọng hát của K, ngẫu hứng trong bình yên và thanh thản, từng âm điệu cất lên khi ấy, đã hơn chục năm, tôi chưa từng quên. Hay bởi buổi chiều hôm đó quá đẹp, hay bởi câu chuyện hôm đó, anh bảo rằng anh sắp đi xa. Ấy lại là lần cuối cùng chúng tôi có thể nghe anh hát.
Tôi nghĩ K cũng như chúng tôi, đều ôm mộng “di cư”, khao khát bước vào Sài Gòn phù hoa một lần, để trải nghiệm những điều mới mẻ, tự do của cuộc đời. Cũng là để sáng sớm có thể lang thang qua hẻm Trịnh, nơi cuối hẻm kia là ngôi ông từng ở, để nhâm nhi ly cà phê và ngẫm nghĩ sự đời.
Từ góc quán ấy, tuổi trẻ đã cười, đã khóc, đã nơi gặp gỡ của biết bao duyên lành trong đời. Ảnh: Pinterest. |
Tôi đâu biết rằng, K đang chuẩn bị cuộc đi về cát bụi của chính mình. Lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng từng nghĩ về cái chết, đôi lần khắc khoải nhắn cho nhau “Tao muốn chết”, nhưng chúng tôi không ai rời đi. Còn K, đã âm thầm rời đi, ngả mình vào dòng sông, vĩnh viễn rời “quán trọ” cuộc đời.
Lũ chúng tôi không còn ngồi với nhau ở quán Trịnh sau khi K ra đi. Chúng tôi nỗ lực thực hiện những chuyến "di cư" của mình. Tôi đã vào Sài Gòn, đã đến nơi chúng tôi thường nói về, đã lắng nghe bao nhiêu người ngồi bên nhau hát những khúc ca của Trịnh. Cuộc đời vùi lấp rất nhanh theo từng lớp thời gian, ai cũng tự nhiên quên đi bao nhiều điều nhưng tôi chưa từng quên K và khoảnh khắc cuối cùng K hát Tôi ru em ngủ. Có những điều sẽ mãi nằm lặng yên ở đó.
Đã hơn mười năm rồi, những đứa trẻ hay buồn thuở ấy giờ đã không còn ngồi bên nhau, cùng nghe tròn một bài hát của Trịnh, nhưng tôi biết mỗi khi đến ngày này, chúng tôi đều nghĩ về ông, nghĩ về tuổi xưa của chính mình, và nghĩ về nhau, dù chúng tôi không nói với nhau, chúng tôi không còn gặp nhau.
Bây giờ, tôi ở đây, giữa Sài Gòn mộng ước, dưới bầu trời chang chang nắng, trong tiếng nhạc rè rè, cũ kỹ phát ra từ nhà hàng xóm. Lặng nghe người nghệ sĩ ấy như đang cất tiếng tâm tình thương tiếc, bi ai cho những vô thường chợt đến trong đời này.
Ngày này đây, người đã bỏ ra đi, tìm về với cát bụi.
Cát bụi thổi mãi, thổi mãi trên sa mạc rồi vướng vít bước chân người.
Lãng quên là điều không tồn tại nơi đây.
Xin ngừng lại ở giây phút này để tôi viết lời biết ơn với những người trong tuổi trẻ của tôi, viết lời cảm tạ với người nhạc sĩ đã cho tôi bao tình yêu thương từ trong tuyệt vọng.
Lời nói rồi sẽ tàn phai, nhưng tình vẫn còn ở đó mà thôi.