Đội tuyển Việt Nam đang sẵn sàng đón tiếp Thái Lan trên sân nhà Mỹ Đình 20h hôm nay, ngày 19/11, với sự tự tin hiếm thấy. Việt Nam đang dẫn đầu bảng đấu, là đội duy nhất bất bại sau lượt đi, và đương kim vô địch Đông Nam Á. Trong năm 2019, các đội tuyển của Việt Nam cũng 2 lần chiến thắng người Thái, bên cạnh một trận hòa, trong đó có chiến thắng 4-0 của đội U22 cũng tại sân Mỹ Đình hồi tháng 3.
Đúng ngày này 5 năm trước, ngày 19/11/2014, đội tuyển Việt Nam có nhà tài trợ áo đấu mới đến từ chính Thái Lan. Với logo mới của người Thái trên áo đấu, bóng đá Việt Nam thoát khỏi thời kỳ "đen tối" nhất khi bị loại từ vòng bảng ở 2 giải đấu liên tiếp dưới 2 nhiệm kỳ ngắn ngủi của 2 HLV nội.
Đội tuyển mạnh nhất nhưng giá áo "bèo" nhất
AFF Cup 2014 là giải đấu đầu tiên tuyển Việt Nam sử dụng áo thi đấu của Grand Sport. Nhà tài trợ Thái Lan đã nhiệt tình hỗ trợ trang phục cho đội tuyển ngay sau khi ký hợp đồng 5 năm dù hiệu lực hợp đồng chính thức bắt đầu từ năm 2015.
Sau khi thay áo và thay tướng cùng trong năm 2014, đội tuyển Việt Nam "đổi vận" khi cùng HLV Miura lọt vào bán kết AFF Cup năm đó rồi Sea Games 2015.
Các đội tuyển Việt Nam sử dụng áo đấu do người Thái thiết kế từ AFF Cup 2014. |
Dù có những nốt trầm trong 2 năm sau đó với chính HLV người Nhật rồi HLV Hữu Thắng, mẫu áo thi đấu do người Thái sản xuất đã đi cùng giai đoạn thành công nhất của bóng đá Việt Nam trong lịch sử dưới thời HLV Park Hang-seo cùng thế hệ vàng của Quang Hải.
Thành công là thế nhưng giá áo đấu của đội tuyển Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các đối thủ trong khu vực.
Thống kê của Fox Sports trước thềm AFF Cup 2018 cho thấy giá bán lẻ áo đấu của tuyển Việt Nam thấp nhất nhì trong nhóm các đội tuyển Đông Nam Á. Để mua áo thi đấu chính hãng của tuyển Việt Nam khi đó, người hâm mộ cần bỏ ra gần 500.000 đồng, khoảng 21 USD. Mức giá này chỉ cao hơn giá bán áo đấu của Lào, Campuchia và Timor Leste.
Năm 2019, các đội tuyển bóng đá Việt Nam sử dụng mẫu áo mới của Grand Sport từ Asian Cup hồi đầu năm. Giá bán lẻ áo thi đấu tuyển Việt Nam được Grand Sport tăng lên 745.000 đồng, tương đương 32 USD. Con số này chỉ bằng phân nửa so với những đối thủ cùng bảng tại vòng loại World Cup.
Áo thi đấu của UAE, Malaysia và Indonesia do hai thương hiệu thể thao lớn nhất thế giới là Adidas và Nike thiết kế. Riêng đội tuyển Thái Lan sử dụng trang phục do một thương hiệu nội địa của họ là Warrix sản xuất.
Trang phục thi đấu của tuyển Việt Nam và Indonesia. Ảnh: Minh Chiến. |
Mẫu áo đấu của cả 4 đội tuyển chạm trán Việt Nam ở vòng loại World Cup lần này đều có giá bán lẻ từ 60 USD trở lên.
Tuy nhiên, so sánh về giá áo đấu của Việt Nam so với các đội tuyển khác cũng chỉ mang tính tương đối vì còn phụ thuộc các yếu tố thị trường, thu nhập bình quân của người tiêu dùng.
Thêm vào đó, thương hiệu Grand Sports mới chỉ ở tầm khu vực với giá trị cách rất xa những nhãn hàng phủ sóng toàn cầu như Adidas, Nike.
Tuyển Việt Nam mặc trang phục Adidas hơn 20 năm trước
Nhìn vào giá trị cũng như thương hiệu áo đấu đội tuyển Việt Nam hiện tại có phần lép vế so với các đối thủ trong khu vực, có lẽ không nhiều fan hâm mộ trẻ biết việc ngay từ thời kỳ đầu khi bóng đá Việt Nam hội nhập với khu vực, thế hệ của Huỳnh Đức, Hồng Sơn đã ra sân với trang phục của Adidas.
Adidas còn là thương hiệu đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam trong thời gian dài nhất, suốt một thập kỷ, từ 1996 đến 2006, giai đoạn Việt Nam khẳng định vị thế trong nền bóng đá Đông Nam Á.
Sau Adidas, nhãn hàng Trung Quốc Li-Ning gắn bó với bóng đá Việt Nam trong 2 năm 2007-2008 với đỉnh cao thời điểm đó là chức vô địch AFF Cup đầu tiên.
Thiết kế một số mẫu áo đấu của tuyển Việt Nam khi sử dụng trang phục của Adidas và Li Ning. Đồ họa: Minh Trí. |
Sau thành công này, các đội tuyển Việt Nam nhận được hợp đồng tài trợ kéo dài 5 năm với hãng thể thao Nike từ 2009 đến 2013. Đây là thời điểm bóng đá Việt Nam đi xuống dần và chạm đáy bằng việc bị loại từ vòng bảng ở AFF Cup 2012, Sea Games năm 2013.
Đầu năm 2014, hợp đồng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Nike kết thúc và hai bên không tái ký mới. Không tiết lộ lý do nhưng nguyên nhân chính được cho là do cổ động viên Việt Nam chưa có thói quen mua áo đấu chính hãng còn thị trường đồ thể thao bên ngoài tràn lan hàng nhái với giá từ vài chục nghìn đồng.
Nhìn sang chính Thái Lan hay Malaysia, không khó nhận thấy tỷ lệ fan hâm mộ của "Voi chiến" và "Những chú hổ Mã Lai" mặc áo đấu khi cổ vũ đội tuyển cao hơn so với cổ động viên Việt Nam.
Sau khi kết thúc hợp đồng với Nike, phải đến 10 tháng sau, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mới tìm được nhà tài trợ trang phục mới là thương hiệu Thái Lan thành lập năm 1961, Grand Sports. Giá trị hợp đồng chi tiết không được 2 bên tiết lộ.
Với thời hạn hợp đồng kéo dài 5 năm, năm tới sẽ là thời điểm bóng đá Việt Nam tìm kiếm một bản hợp đồng tài trợ trang phục thi đấu mới.
Chiến thắng trước người Thái đêm nay cùng thành tích tốt tại Sea Games 30 ở Philippines sắp tới sẽ khép lại một năm hoàn hảo cho bóng đá Việt Nam. Khi đó, VFF có thể tự tin về một bản hợp đồng tài trợ trang phục thi đấu giá trị hơn với Grand Sports, nếu tái ký hoặc một thương hiệu thể thao quy mô toàn cầu.