Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lộc Trời muốn huy động 3 tỷ USD

Đây là nhu cầu vốn để xây dựng chuỗi cung ứng lúa gạo chất lượng cao trong 3-5 năm tới của doanh nghiệp. Trước mắt, có 7 ngân hàng đã cam kết cấp tổng hạn mức 100 triệu USD.

Ngày 24/10, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) ký hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng trong và ngoài nước, gồm First Commercial Bank, Agricultural Bank of China Limited - chi nhánh Hà Nội, China Construction Bank Corporation - chi nhánh TP.HCM, CTBC Bank và E.Sun Commercial Bank - chi nhánh Đồng Nai.

Gói tín dụng hợp vốn này có hạn mức 100 triệu USD, trong thời gian 3 năm, nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, qua đó đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho các đơn hàng trong thời gian tới của Lộc Trời.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn, với quỹ đất khoảng 1 triệu ha ở Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp đang có nhu cầu vốn lên đến 1 tỷ USD dành cho sản xuất và 2 tỷ USD để thu mua toàn bộ nguyên liệu lúa.

Do đó, gói 100 triệu USD lần này không quá lớn nhưng sẽ là tiền đề để ông lớn ngành nông nghiệp mở rộng mạng lưới đối tác ngân hàng và nâng quy mô tín dụng, mục tiêu đạt con số tối thiểu 3 tỷ USD.

loc troi anh 1

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời chia sẻ về nhu cầu vốn thời gian tới. Ảnh: LTG.

Chia sẻ rõ hơn về chiến lược huy động vốn, ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Lộc Trời cho biết sẽ hoàn thành con số 1 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới, thông qua cả hai nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay.

Trong đó, đối với vốn chủ sở hữu, Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4 đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 100 tỷ đồng thông qua phát hành phát hành 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến sẽ tăng thành 905 tỷ đồng và thời gian triển khai kể từ năm nay.

Còn với vốn vay, doanh nghiệp đã làm việc với tất cả ngân hàng trong nước và nhiều ngân hàng nước ngoài. Giao dịch hợp vốn 100 triệu USD này có thể coi là cơ sở để Lộc Trời tiến đến thị trường vốn quốc tế.

Hồi đầu năm, doanh nghiệp cũng đã ký hợp đồng tài trợ vốn 12.000 tỷ đồng với các ngân hàng trong nước gồm Vietcombank, HDBank, TPBank, Maritime Bank... để thực hiện đơn hàng 2 triệu tấn lúa trong năm. Ông Nhiên cho biết gói này hiện đã được giải ngân gần hết, còn số ít trong những tháng gần đây phải hạn chế lại do hạn mức tín dụng gặp khó.

Tại ngày 30/6, tổng số nợ của doanh nghiệp là 4.658 tỷ đồng, chiếm 51% cơ cấu nguồn vốn. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm 4.602 tỷ đồng (chủ yếu là vay ngân hàng), tăng 29% so với thời điểm đầu năm.

Nửa đầu năm, LTG ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.893 tỷ đồng tăng 15%. Tuy nhiên, việc gia tăng chi phí hoạt động và chi phí tài chính khiến lợi nhuận sau thuế giảm 39% còn 140 tỷ đồng. Doanh nghiệp đạt 35% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cũng tại buổi lễ ký kết, ông Hạo Nhiên tiết lộ doanh thu quý III/2022 của Lộc Trời tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, đồng thời lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính được duy trì ổn định. Riêng lợi nhuận sau thuế thấp hơn năm ngoái vài phần trăm một phần do tác động của tỷ giá.

Xuất khẩu gạo của Lộc Trời tăng gấp 4 lần

Ông lớn xuất khẩu gạo và cung ứng dịch vụ nông nghiệp lần đầu tiên ghi nhận doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ đồng nhờ tăng trưởng ở các mảng chủ lực.

Lợi nhuận quý II của Lộc Trời giảm 60%

Trong bối cảnh lãi gộp từ hoạt động kinh doanh giảm, các chi phí quý II của Lộc Trời đều tăng mạnh khiến lợi nhuận doanh nghiệp chỉ đạt chưa tới 1/3 số thu cùng kỳ năm 2020.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm