Lập luận quen thuộc của PVN
Dường như mỗi năm một lần, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) sẽ lại có văn bản gửi tới các Bộ, Sở, ngành thậm chí lên cả Thủ tướng Chính phủ, để trình bày những khó khăn của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Vừa qua, PVN vừa gửi văn bản tới Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và cả Văn phòng Chính phủ để cảnh báo nguy cơ “bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới”. Với lý do không còn xa lạ, đó là mức thuế mà các sản phẩm xăng dầu của Dung Quất đang phải chịu vẫn còn quá cao so với mức thuế áp trên các mặt hàng xăng dầu nhập từ các nước trong khu vực ASEAN.
Ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch HĐTV Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chia sẻ hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn hoạt động với công suất 100% do vẫn còn hợp đồng ký với các khách hàng trong 2-3 tháng tới.
Nhưng sau thời gian này, trong tầm khoảng 2 - 3 tháng nữa, nếu các hợp đồng cung ứng sản phẩm cho khách hàng đã hết, không có hợp đồng ký kết mới thì Nhà máy Dung Quất sẽ đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất |
Trong văn bản "cầu cứu" của PVN, viễn cảnh về ngày không xa nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ phải đóng cửa do ế ẩm đã được thể hiện một cách rõ ràng.
Hiện xăng của Dung Quất chịu áp lực cạnh tranh với mặt hàng cùng chủng loại nhập từ Hàn Quốc. Song với mức thuế suất mà xăng của Dung Quất đang bị áp là 20%, trong khi theo Thông tư 201/2015/TT-BTC thực hiện Hiệp định thương mại tự do – FTA Việt Nam – Hàn Quốc sản phẩm nhập từ Hàn Quốc chỉ phải chịu 10%, (tương đương 4,84 USD/thùng tính theo giá trung bình tháng 1/2016), dẫn tới tình trạng khách hàng nhập khẩu sản phẩm từ Hàn Quốc với chi phí và phụ phí cao.
Còn sản phẩm của Dung Quất dù đã giảm giá đến 1,3 USD/thùng so với 6 tháng cuối năm 2015 nhưng vẫn khó cạnh tranh nổi vì vẫn bị chê đắt. Chủ tịch BRS cũng cho rằng, các sản phẩm của Dung Quất là do thị trường định giá, song thuế suất phải chịu cao nên giá thành bị đội lên cũng là dễ hiểu.
Dù đã đàm phán với đối tác giảm giá bán, nhưng hiện Dung Quất mới ký được hợp đồng bán hàng 2 tháng đầu năm 2016. Ngay chính khách hàng lớn nhất của Dung Quất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng chỉ “gật đầu” ký với nhà máy này hợp đồng cung ứng sản phẩm trong 2 tháng đầu năm 2016, nhưng khối lượng cũng giảm từ 120.000 m3/tháng xuống còn 80.000 m3/tháng.
Theo lập luận của PVN, trong cơ cấu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, mặt hàng xăng dầu chiếm tới hơn 90% tổng lượng sản phẩm của toàn nhà máy. Vì thế, nếu các mặt hàng này không tiêu thụ được sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành an toàn của nhà máy, khả năng nhà máy ngừng sản xuất là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Từ đề xuất "điều chỉnh mức thuế" đến "kéo dài ưu đãi"
Trước đó, vào thời điểm tháng 4/2015, hàng loạt báo chí cũng đã đưa tin về việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
Khi đó, lãnh đạo Dung Quất đã trình bày lý do là bởi có sự thay đổi lớn trong chính sách thuế với xăng dầu
Cụ thể, từ ngày 1/1/2015, trong biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 165/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, các mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu có mức thấp hơn đáng kể so với các mức thuế suất trong biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng cho xăng dầu, LPG và các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu đối với Dung Quất.
Do có sự chênh lệch quá lớn về mức thuế này mà sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất khó lòng có thể cạnh tranh được.
Trong một văn bản gửi Bộ Tài chính, PVN cho rằng, nếu Dung Quất được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt như hàng hóa có xuất xứ từ khu vực ASEAN, thì các khoản nộp ngân sách của nhà máy này sẽ giảm 14.305 tỷ đồng ngay trong năm 2015, và giảm tiếp mỗi năm 16.251 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 – 2018.
Theo ông Vũ Mạnh Tùng – Phó tổng giám đốc BSR, nếu tiếp tục áp dụng chính sách mà Bộ Tài chính đã ban hành thì nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ có nguy cơ phải đóng cửa do không bán được hàng, do các đối tác từ chối nhận hàng bởi sản phẩm của Dung Quất sẽ cao hơn giá bán từ các nước ASEAN. Ông Tùng cũng đã có đề xuất tới các bộ, ngành để xem xét, điều chỉnh chính sách thuế sao cho phù hợp.
Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng đã xem xét và giảm thuế đối với mặt hàng xăng từ 35% xuống còn 20%, dầu diesel cũng giảm từ 30% xuống còn 20%.
Sau những đề xuất liên quan đến mức thuế ưu đãi, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) còn từng gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ để đề xuất việc kéo dài ưu đãi cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất đến năm 2027, thay vì đến năm 2018.
Theo báo cáo tình hình của nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau 5 năm hoạt động, năm 2010 khi mới đi vào vận hành, Dung Quất có lãi 119 tỷ đồng. Tuy nhiên 2 năm liên tiếp sau đó nhà máy bị lỗ với các mức tương ứng là 2.959 tỷ đồng và 1.289 tỷ đồng. Mặc dù năm 2013 có lãi 2.932 tỷ đồng và năm 2014 là 149 tỷ đồng, song tính chung cả giai đoạn từ 2010 đến 2014 nhà máy vẫn lỗ 1.048 tỷ đồng.
PVN cũng thừa nhận kết quả sản xuất kinh doanh của Dung Quất chịu tác động rất lớn từ cơ chế ưu đãi, thậm chí nếu không được ưu đãi, số lỗ của nhà máy này có thể lên đến 27.600 tỷ đồng.
Cơ chế ưu đãi mà Dung Quất đang được hưởng là được giữ lại giá trị ưu đãi tương đương mức thuế nhập khẩu từ 3-7% và được cấp bù trong trường hợp Nhà nước quy định thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi và cơ chế này được kéo dài từ 7/2012 đến hết năm 2018.
Tuy nhiên, PVN vẫn gửi văn bản tới Chính phủ để kiến nghị cho Dung Quất tiếp tục kéo dài thời gian hưởng cơ chế ưu đãi cùng với Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tức tiếp tục được ưu đãi bắt đầu từ 2019 đến hết 2027.
Ưu đãi cho Dung Quất là quá lâu và quá nhiều?
Dù lọc dầu Dung Quất luôn kêu than rằng đang ở trong tình trạng "khó khăn", ế ẩm dẫn đến nguy cơ hết chỗ chứa dầu", thậm chí đến mức có "nguy cơ phải đóng cửa" nhưng theo báo cáo của PVN, tình hình sản xuất kinh doanh của BSR trong năm 2015 vẫn cho lãi sau thuế đạt 5.690 tỷ đồng, vượt hẳn kế hoạch ban đầu 52%. Tổng doanh thu hợp nhất của BRS còn lên tới 94.400 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm 2015.
Trước việc đã được hưởng ưu đãi nhưng vẫn "năm lần bảy lượt" đề xuất, kiến nghị để được giảm thêm thuế suất cho Dung Quất, nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm không đồng tình với PVN.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) từng thẳng thắn cho rằng, cơ quan quản lý cần đến tận nơi xem xét tình hình, đối chiếu giữa kiến nghị của PVN với tình hình thực tế xem có thực sự cần thiết để điều chỉnh hay không.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Nam, Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam và cũng là nhà máy lọc đầu được hưởng rất nhiều ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là các ưu đãi về thuế.
Ví dụ, Dung Quất được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, trong đó miễn hoàn toàn bốn năm đầu từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% trong chín năm tiếp theo. Được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với các sản phẩm hóa dầu khác...
"Ưu đãi xưa nay vẫn có nhưng lẽ ra chỉ trong giới hạn một vài năm đầu gặp khó khăn, đằng này nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đã lâu vẫn cứ tiếp tục được ưu đãi thì tôi rất ngạc nhiên. Ưu đãi phải có thời hạn chứ không phải mãi mãi", ông nhấn mạnh", ông Nam nói.
Còn về việc xin kéo dài ưu đãi, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nếu cứ tiếp tục kéo dài mãi việc cho Lọc dầu Dung Quất hưởng ưu đãi sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Theo quan điểm của TS Lưu Bích Hồ, Nhà nước chỉ nên ưu đãi cho Dung Quất đến năm 2018 như kế hoạch, bởi “ưu đãi cho Dung Quất như thời gian qua đã là quá nhiều”.
Theo TS Hồ, nên cố gắng phục hồi lại quản lý của nhà máy Dung Quất, vì dự án này chúng ta tự đầu tư nên quản trị không được tốt so với những nhà máy có quản trị của nước ngoài.
"Mấu chốt là tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn hiện nay của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, từ đó quay trở lại xây dựng hệ thống quản trị mới có sức cạnh tranh, còn cứ để ưu đãi mãi, bù lỗ mãi thì Dung Quất không thể tiến lên được.
“Vấn đề đặt ra là phải xem xét lại toàn bộ quản lý của Dung Quất cần khắc phục cái gì. Xin nhắc lại, ưu đãi mà không cải thiện quản trị thì vẫn xấu đi. Bộ Công Thương, PVN phải trực tiếp xử lý việc này, không phải cái gì cũng cứ đề nghị lên Chính phủ ưu đãi”, TS Hồ nêu quan điểm.
Về lâu về dài, Nhà nước cũng không thể kéo dài mãi được việc bảo hộ hay ưu đãi, vì nguồn ngân sách còn đang khó khăn, hụt thu do giá dầu giảm thì lấy gì để ưu đãi cho nhà máy? Trong khi chúng ta được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ và đã tham gia, ký kết được nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có cả TPP.
Chúng ta đã cam kết thay đổi nên ranh giới khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ dần phải được xóa bỏ, vậy nên sẽ không còn có thể ưu đãi quá nhiều và quá lâu như vậy.