Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Loạt phim trăm tỷ đồng cạnh tranh ở LHP Việt Nam 2021

Danh sách 17 tác phẩm điện ảnh tham gia tranh giải tại LHP Việt Nam lần thứ XXII đã được công bố. Chùm phim quy tụ nhiều cái tên ăn khách tại phòng vé giai đoạn 2020-2021.

LHP Việt Nam lần thứ XXII diễn ra trong bốn ngày, từ 17/11 tới 21/11 với điểm nhấn là lễ bế mạc và trao giải tổ chức vào đêm ngày 20/11. Ngày 18/11, lễ khai mạc LHP được tổ chức tại thành phố Huế. Trong chương trình, ban tổ chức đã công bố danh sách tác phẩm tham gia tranh giải Bông sen ở các thể loại phim truyện (17 tác phẩm), phim tài liệu (37 tác phẩm), phim khoa học (15 phim) và phim hoạt hình (23 phim).

Trong đó, được quan tâm hơn cả là chùm tác phẩm tranh giải Bông sen thể loại phim truyện. Năm nay, danh sách phim dự thi có 17 tác phẩm, gồm năm bộ phim đến từ các hãng phim Nhà nước và 12 do các đơn vị tư nhân sản xuất.

Chùm phim trăm tỷ tranh giải

Cuối năm 2019, Mắt biếc của Victor Vũ ra rạp và thành công mang về 180 tỷ đồng. Tác phẩm cũng đại diện cho điện ảnh Việt Nam dự tranh Oscar 2021 tuy sớm phải dừng bước. Trong năm 2020, Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã vực dậy phòng vé Việt sau quãng thời gian ảm đạm vì dịch bệnh, thu tổng cộng 175 tỷ đồng.

Dịp cuối năm 2020, đầu năm 2021, hậu truyện Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử thắng lớn khi kiếm 108 tỷ đồng bán vé. Đến tháng 3, Bố già của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng viết nên trang sử mới cho điện ảnh Việt khi trở thành bộ phim đầu tiên cán mốc doanh thu 420 tỷ đồng.

Tác phẩm với Trấn Thành trong vai chính cũng được phát hành tại nhiều thị trường quốc tế.

Đây là bốn cái tên thuộc “Câu lạc bộ phim trăm tỷ đồng” của điện ảnh Việt cạnh tranh trên đường đùa Bông sen 2021.

Điểm chung của bốn phim là đều chuyển thể, làm lại, hậu truyện hoặc phiên bản điện ảnh của một tác phẩm đã ra mắt và thành công vang dội trước đó.

Kịch bản Mắt biếc chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, Tiệc trăng máu là bản làm lại bộ phim Perfect Strangers (2016) của Italy, cả Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tửBố già đều được phát triển từ web-drama ăn khách cùng tên.

Thành tích doanh thu tỷ lệ thuận với lượng khán giả tiếp cận cũng như quy mô dư luận. Do đó, dễ thấy các bộ phim với doanh thu trăm tỷ đồng có lợi thế nhất định về độ phổ biến khi cạnh tranh với những cái tên còn lại.

Tuy nhiên, lịch sử ghi nhận Em chưa 18 (2017) là bộ phim với doanh thu trên 100 tỷ đồng duy nhất thắng giải Bông sen Vàng cho đến nay. Hai Phượng (200 tỷ đồng) và Cua lại vợ bầu (191,8 tỷ đồng) là các tác phẩm tiếp theo trong top 10 phim Việt Nam có doanh thu cao nhất lịch sử từng được trao Bông sen Bạc.

Hai năm thị trường điện ảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 cũng mang lại cho Mắt biếc, Bố giàTiệc trăng máu thêm nhiều cơ hội cạnh tranh giải Bông sen Vàng cho phim truyện điện ảnh. Ngoài ra, việc thủ vai trong các bộ phim cũng mang về cho Thái Hòa, Thu Trang, Trấn Thành… nhiều cơ hội giành giải thưởng Bông sen cho diễn viên chính xuất sắc.

Sự xuất hiện của các tựa phim gây tranh cãi

Bằng chứng vô hình, Gái già lắm chiêu V, Kiều, Nắng 3 - Lời hứa của cha, Ngốc ơi tuổi 17, Ròm, Võ sinh đại chiếnMiền ký ức là những cái tên tiếp theo đến từ khu vực tư nhân tranh giải Bông sen Vàng 2021. Trong đó, Miền ký ức của tác giả Bùi Kim Quy vừa được công chiếu tại LHP Busan 2021 hồi tháng 10 và nhận nhiều ngợi khen từ các cây bút phê bình quốc tế. Tuy nhiên, phim vẫn chưa có kế hoạch phát hành tại Việt Nam.

Dù chỉ đạt doanh thu 64,6 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam), Ròm vẫn là ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua Bông sen Vàng.

Bộ phim độc lập của đạo diễn Trần Thanh Huy từng tham gia nhiều LHP quốc tế và gặt hái giải thưởng: Phim xuất sắc tại hạng mục New Currents của LHP Quốc tế Busan 2019, Phim xuất sắc tại hạng mục Special Section của LHP châu Á Barcelona 2020 và Phim truyện đầu tay xuất sắc hạng mục New Flesh Award for Best First Feature của LHP Fantasia 2020.

Ra mắt hồi đầu năm, Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả - phần mới nhất của loạt phim Gái già lắm chiêu từ hai nhà làm phim Bảo Nhân và Nam Cito - từng được kỳ vọng lặp lại thành công phòng vé tương tự Gái già lắm chiêu 3 hồi 2020. Tuy nhiên khi ra rạp, Những cuộc đời vương giả nhanh chóng bị đè bẹp dưới cái bóng của Bố già. Phim rời rạp khi chưa có lãi và phải tìm cơ hội hòa vốn trên các nền tảng trực tuyến.

Bằng chứng vô hình (2020) là bộ phim mới nhất của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Tác phẩm đánh dấu lần thứ hai vị đạo diễn trẻ có phim nhận đề cử Bông sen sau Thưa mẹ con đi (2019). Kịch bản bộ phim giật gân được Việt hóa từ tác phẩm Blind (2011), tuy nhiên thất bại trong việc tái hiện sự hấp dẫn của nguyên tác.

Là bộ phim mở màn phòng vé Việt 2021, nhưng số phận Võ sinh đại chiến lận đận kể từ ngày khởi chiếu. Tới nay, nhắc đến Võ sinh đại chiến, khán giả khó lòng kể về nét đặc sắc của phim mà chỉ nhớ con số 24 tỷ thua lỗ và cuộc luận tội giữa nhà sản xuất và hãng phát hành. Nếu Võ sinh đại chiến có đóng góp gì cho sự phát triển của điện ảnh Việt, đó chính là các nhà làm phim cần dừng ngay văn hóa đổ lỗi khi đứa con tinh thần không đạt doanh thu như ý.

Gần đây, khi danh sách phim tham gia LHP Việt Nam lần thứ XXII được công bố và Kiều xuất hiện, dư luận lập tức dấy lên nhiều quan điểm trái chiều. Ngay thời điểm bộ phim của đạo diễn Mai Thu Huyền ra rạp, tác phẩm đã vấp phải chỉ trích từ cả khán giả và các cây bút điện ảnh. Bộ phim “xào xáo” một phần danh tác Truyện Kiều thành câu chuyện tình tay ba nhạt nhẽo, sống sượng trên màn ảnh. Kỹ xảo thô sơ cùng diễn xuất nghèo nàn của các vai chính càng khiến Kiều mất điểm trong lòng khán giả.

Võ sinh đại chiến có thể mất điểm vì những bê bối bên lề, về bản chất, đây vẫn là bộ phim với kịch bản chất lượng - chủ yếu từ cốt truyện có phần cũ kỹ nhưng khá an toàn. Do đó, phim được chọn là điều có thể hiểu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Bằng chứng vô hìnhKiều, hay những tác phẩm khá mờ nhạt như Nắng 3 - Lời hứa của cha hay Ngốc ơi tuổi 17, lại cho thấy ban tổ chức dường như đã quá dễ dãi hoặc có quá ít sự lựa chọn.

Sự trở lại của những bộ phim Nhà nước

Đóng góp 5 tác phẩm, tương đương 29% trong cơ cấu, là chùm tác phẩm Nhà nước đặt hàng. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI tổ chức năm 2019, trong số 15 bộ phim truyện tham gia tranh giải, điện ảnh Nhà nước chỉ đóng góp 4/15 tác phẩm. Năm 2017, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX đi vào lịch sử khi là kỳ liên hoan đầu tiên không có phim Nhà nước được đề cử.

Điểm chung của chùm tác phẩm được Nhà nước đặt hàng - gồm Bình minh đỏ, Con đường có mặt trời, Cơn giông, Khúc mưaLính chiến - chính là xu hướng tiếp tục đào sâu đề tài chiến tranh, các vấn đề thời hậu chiến. Những bộ phim này cũng xa lạ với khán giả đại chúng do đặc thù chỉ phát hành giới hạn trong các dịp đặc biệt.

Kể từ năm 2013 - khi Những người viết huyền thoại của Hãng phim truyện Việt Nam được trao Bông sen Vàng cùng Scandal: Bí mật thảm đỏ từ hãng phim tư nhân - tới nay, vẫn chưa có thêm bộ phim Nhà nước đặt hàng nào được xướng danh ở hạng mục quan trọng nhất. Trong kỳ LHP thứ XX, bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ và hãng TFS sản xuất đã giành giải Bông sen Bạc.

Có thể tạm dự đoán tại LHP Việt Nam năm nay, các bộ phim Nhà nước vẫn sẽ xuất hiện trong danh sách rút gọn 5 tác phẩm đoạt giải nhưng khó có cơ hội đoạt Bông sen Vàng. Cơ hội leo cao có thể thuộc về Khúc mưa, Con đường có mặt trời hoặc Lính chiến - những tác phẩm đã công chiếu trong năm 2020 và nửa đầu 2021.

Lý do Tom Hardy chỉ đóng vai gai góc trên màn ảnh

Tài tử Tom Hardy quyết định từ bỏ các vai nam chính dòng phim tình cảm, lãng mạn sau màn thử vai thất bại cho “Pride & Prejudice”.

Các cụm rạp vắng phim Việt sau khi mở lại

Đa số nhà sản xuất phim Việt chọn thời điểm ra mắt vào dịp cuối tháng 12 hoặc đầu năm 2022.

Dàn quái nhân xuất hiện trong ‘Spider-Man: No Way Home’

Ngày 16/11, Sony Pictures đã tung trailer chính thức thứ hai cho “Spider-Man: No Way Home”. Đoạn giới thiệu có sự hiện diện của dàn phản diện đông đảo.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm