Hiện có 8 ngân hàng thương mại đã đưa ra mức lãi suất huy động tiền gửi 9%/năm trở lên. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong thông báo mới nhất, Techcombank đưa ra biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 15/11 với mức tăng 0,3 điểm % ở hầu hết kỳ hạn gửi. Đáng chú ý, đây đã là lần tăng lãi suất huy động thứ 3 liên tiếp mà ngân hàng này đưa ra trong hơn một tháng trở lại đây.
Theo biểu lãi suất huy động mới, Techcombank đã nâng lãi suất tiền gửi tối đa khách hàng cá nhân có thể nhận được từ mức 8,7%/năm lên 9%/năm. Trong đó, mức lãi suất này được ngân hàng áp dụng với nhóm khách hàng Private/VIP 1 gửi tiền kỳ hạn 12 tháng trở lên ở cả kênh quầy và online. Tuy nhiên, điều kiện để khách hàng được hưởng mức lãi suất này là số tiền gửi không thấp hơn 3 tỷ đồng.
Lãi suất tiền gửi 9%/năm
Nếu gửi với số tiền thấp hơn, lãi suất nhóm khách hàng VIP 1 này được chi trả sẽ dao động trong khoảng 8,6-8,8%/năm.
Đối với các nhóm khách hàng còn lại, lãi suất Techcombank chấp nhận chi trả cho khoản tiền gửi tương tự vào khoảng 8,5-8,9%/năm áp dụng cho khách hàng VIP 2/VIP 3 và 8,4-8,8%/năm với khách hàng thường.
Ngoài ra, các mức lãi suất kể trên chỉ áp dụng với các khoản tiền gửi mở mới tại ngân hàng, với các khoản tiền tất toán quay vòng, lãi suất khách hàng nhận được sẽ thấp hơn 0,7-1 điểm %.
Ở các kỳ hạn 6-11 tháng, nhà băng này hiện đưa ra mức lãi suất 8,2-8,7%/năm với nhóm khách hàng VIP và 8,1-8,5%/năm với khách hàng thường. Trong khi đó, các khoản tiền gửi 1-5 tháng hiện đều được niêm yết ở mức kịch trần 6%/năm.
Việc Techcombank nâng lãi suất tiền gửi như trên đã đánh dấu ngân hàng thương mại thứ 9 có lãi suất tiền gửi 9%/năm trở lên.
Hiện tại, ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất thị trường vẫn là SCB với mức 9,75%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi 13 tháng trở lên trên kênh online. Đáng chú ý, mức lãi suất này được SCB áp dụng với tất cả khách hàng gửi tiền và không yêu cầu điều kiện về số dư tối thiểu.
- Những ngân hàng trả lãi suất huy động 9%/năm trở lên (%/năm):
Ngân hàng | Tiền gửi tiết kiệm thông thường | Lãi suất cao nhất | |||
1-5 tháng | 6-11 tháng | 12 tháng | Điều kiện | ||
SCB | 6 | 9,35-9,6 | 9,65 | 9,75 | Gửi 13-36 tháng |
MSB | 6 | 8,1 | 8,5 | 9,5 | Gửi 24 tháng, tối đa 5 tỷ đồng |
HDBank | 6 | 7,3-7,5 | 7,9 | 9,2 | Gửi 12-13 tháng, tối thiểu 300 tỷ đồng |
NCB | 6 | 8,7-8,7 | 9,05 | 9,1 | Gửi 15-60 tháng |
SHB | 6 | 8,4 | 8,7 | 9 | Gửi 36 tháng |
Sacombank | 6 | 8,3-8,8 | 8,9 | 9 | Gửi 15-36 tháng |
Techcombank | 6 | 8,1-8,7 | 8,4-8,8 | 9 | Gửi 12 tháng trở lên, khách hàng Private/VIP 1 |
Baoviet Bank | 6 | 8,5-8,8 | 8,9 | 9 | Gửi 13-15 tháng |
Ở các kỳ hạn thấp hơn, SCB cũng đưa ra mức lãi suất rất cao với 9,65%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; 9,35-9,6%/năm cho kỳ hạn 6-11 tháng, đều là mức cao nhất tại mỗi kỳ hạn trên thị trường.
Xếp sau SCB là MSB với sản phẩm tiền gửi online “lãi suất đặc biệt” với mức tối đa lên tới 9,5%/năm áp dụng cho tiền gửi 24 tháng. Ở các kỳ hạn ngắn hơn, nhà băng này chấp nhận chi trả mức lãi suất 9,2%/năm nếu gửi 15 tháng; 9%/năm nếu gửi 12 tháng và 8,6%/năm khi gửi kỳ hạn 6 tháng.
Tuy nhiên, MSB cũng đưa ra điều kiện để khách hàng được hưởng mức lãi suất đặc biệt này là số tiền gửi tối đa trên mỗi khách hàng không quá 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho các khách hàng mở sổ tiết kiệm mới và mỗi khách hàng chỉ được mở một sổ tiết kiệm trong kỳ.
Đối với tiền gửi thông thường trên kênh online, lãi suất tối đa MSB đang trả cho các khách hàng cá nhân cũng là 9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24-36 tháng. Ở kỳ hạn thấp hơn, nhà băng này hiện niêm yết mức 8,7%/năm với kỳ hạn 13-18 tháng; 8,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng; 8,1%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 6%/năm với tiền gửi 1-5 tháng.
Ngoài các nhà băng trên, hiện Baoviet Bank, Sacombank, NCB, SHB và HDBank đều có các sản phẩm tiền gửi với lãi suất 9%/năm trở lên, chủ yếu tập trung ở các khoản tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Phổ biến lãi suất trên 8%/năm
Hầu hết nhà băng đều áp dụng mức lãi suất này cho tất cả khách hàng gửi tiền mà không yêu cầu số dư tối thiểu hoặc tối đa. Duy nhất HDBank chi trả mức lãi suất 9,2%/năm cho các khoản tiền gửi 12-13 tháng với điều kiện số dư tối thiểu 300 tỷ đồng. Nếu không đáp ứng điều kiện này, lãi suất khách hàng được chi trả chỉ là 7,9%/năm.
Toàn thị trường hiện có hơn 20 ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân trên 8%/năm. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Theo khảo sát của Zing, ngoài 9 ngân hàng có mức lãi suất huy động tiền gửi 9%/năm trở lên kể trên, hiện thị trường cũng ghi nhận một loạt nhà băng đưa ra mức lãi suất xấp xỉ con số này như Vietcapital Bank, Kienlongbank, VPBank, DongABank cùng ở 8,9%/năm; OCB, VietABank, Saigonbank trả 8,8%/năm; PVComBank trả 8,75%/năm; BacABank trả 8,65%/năm hay MBBank và GPBank cùng có lãi suất tối đa 8,6%/năm…
Với nhóm ngân hàng quốc doanh (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank), VietinBank hiện là nhà băng có mức lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân cao nhất với 8,2%/năm, áp dụng với các khoản gửi online kỳ hạn 12-24 tháng.
Trong khi đó, với kỳ hạn tương tự, Vietcombank hiện chỉ đưa ra mức lãi suất 7,4%/năm, Agribank trả 7,6%/năm và BIDV chấp nhận chi trả 7,9%/năm.
Với tiền gửi tại quầy, mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên phổ biến của nhóm Big 4 ngân hàng này vẫn là 7,4%/năm.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...