Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp có giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Đáng chú ý, cả 5 doanh nghiệp bị xử phạt đợt này đều liên quan tới việc không minh bạch thông tin.
Cụ thể, cơ quan quản lý chứng khoán đã xử phạt 70 triệu đồng với Công ty CP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng, do có hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định với báo cáo tài chính; báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020.
Đáng chú ý, Công ty Hồng Hoàng chính là doanh nghiệp năm 2019 đã phát hành lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, với lãi suất lên tới 20%/năm. Đây là lô trái phiếu được Hồng Hoàng huy động khi vốn điều lệ công ty chỉ đạt 5 tỷ đồng. Với số dư 1.400 tỷ, tính riêng tiền lãi mỗi năm công ty này phải trả đã lên tới 280 tỷ đồng.
Hồng Hoàng sau đó đã thế chấp hơn 60,77 triệu cổ phiếu ACB cho quỹ Saigon Asia Credit Limited (trụ sở tại đảo Cayman). Ngoài ra, tổ chức tư vấn cho đợt phát hành kể trên cũng là ACBS - công ty chứng khoán thuộc ngân hàng ACB.
Với thị giá cổ phiếu ACB vào khoảng 24.700 đồng/đơn vị thời điểm đó, lượng cổ phiếu ACB được Hồng Hoàng dùng làm tài sản bảo đảm có trị giá lên tới 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty này sau đó cũng bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là toàn bộ số dư, khoản tiền có trong tài ngân hàng ACB - Chi nhánh TP.HCM. Đến tháng 1 năm nay, công ty tiếp tục mang 10,96 triệu cổ phiếu ACB (là cổ tức nhận được từ số cổ phiếu đã thế chấp trước đó) làm tài sản đảm bảo tại Saigon Asia Credit Limited.
Ủy ban Chứng khoán đang đẩy mạnh quản lý thị trường chứng khoán liên quan vấn đề minh bạch thông tin. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài Công ty Hồng Hoàng, trong đợt này, Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt Công ty CP cơ khí và khoáng sản Hà Giang 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch đối với số liệu chỉ tiêu dự phòng đầu tư tài chính dài hạn, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chi phí tài chính, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế tại báo cáo tài chính năm 2020-2021.
Các khoản kê khai sai lệch này đã khiến lợi nhuận sau thuế của công ty tăng hàng chục tỷ đồng.
Cũng với hành vi tương tự, Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đã ghi nhận tăng lợi nhuận sau thuế năm 2020 gần 36 tỷ đồng. Ủy ban Chứng khoán xử phạt công ty này 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch số liệu trên báo cáo tài chính năm 2020, đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin.
Ngoài ra, Khoáng sản Á Cường còn bị xử phạt 100 triệu đồng vì không công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét, báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2021; công bố không đúng thời hạn với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020.
Trong khi đó, Krungthai Zmico Securities Company Limited (trụ sở tại Thái Lan) bị xử phạt 120 triệu đồng do không công bố thông tin khi nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Lai dắt và Vận tải cảng Hải Phòng (TUG) lên trên 5%.
Với trường hợp của Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API), Ủy ban Chứng khoán xác định công ty này đã không công bố với một loạt thông tin, như giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận tại báo cáo tài chính riêng và hợp nhất 4 quý năm 2017, quý I/2018; giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận trước và sau soát xét tại BCTC bán niên 2018; thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017…
Ngoài ra, hàng loạt thông tin liên quan việc từ nhiệm, bổ nhiệm nhân sự cấp cao trong HĐQT, Ban kiểm soát của API cũng không được doanh nghiệp công bố.
Với các hành vi trên, API bị xử phạt 100 triệu đồng.
Công ty này còn bị phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020; phạt 7,5 triệu do không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty; phạt 150 triệu do không thông qua ĐHĐCĐ/HĐQT khi thực hiện các giao dịch với tổ chức có liên quan với thành viên HĐQT.
Như vậy, tổng mức tiền phạt API phải nhận đợt này là 317,5 triệu đồng.