Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loạt biến động của làng thời trang thế giới năm 2020

Giới mộ điệu năm nay chứng kiến sự ra đi của nhà sáng lập thương hiệu Kenzo hay hãng Balenciaga nhiều lần bị tố ăn cắp ý tưởng.

Theo đánh giá của các tạp chí thời trang, 2020 là năm khó khăn với nhiều thay đổi và mất mát, trong đó có sự ra đi của nhà sáng lập thương hiệu Kenzo do mắc Covid-19 cũng như câu chuyện Victoria's Secret bán cổ phần công ty.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến ngành thời trang

Sự bùng phát dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu mà còn "tàn phá" ngành công nghiệp thời trang khi hàng loạt thương hiệu xa xỉ không thể quảng bá sản phẩm hiệu quả như thường lệ.

Kể từ tháng 1, các thương hiệu Louis Vuitton, Burberry và Chanel... đều buộc phải thay đổi kế hoạch. Cụ thể, nhãn hàng Pháp hủy bỏ buổi trình diễn BST Xuân - Hè 2020 tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 1, trong khi Burberry tạm hoãn show trình diễn BST Thu - Đông 2020 ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của Bain & Company, 35% các giao dịch mua hàng xa xỉ (thời trang, đồng hồ và trang sức) vào năm 2019 được thực hiện tại Trung Quốc hoặc bởi các công dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài.

Ngành công nghiệp thời trang xa xỉ toàn cầu vốn phụ thuộc nhiều vào sức mạnh sản xuất và tiêu thụ khổng lồ của Trung Quốc. Nhiều báo cáo chỉ ra việc đất nước này cũng là nơi cung cấp hơn một nửa số sản xuất dệt may trên thế giới. Tuy nhiên, mọi thứ đã chậm lại trước tình hình virus lây lan rộng.

Thậm chí, việc hoãn các show trình diễn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng thời trang.

Bien dong lang thoi trang anh 1

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngành thời trang năm 2020. Ảnh: ELLE.

Beth Cross - CEO của thương hiệu giày Ariat - thừa nhận Trung Quốc là đối tác sản xuất chính của công ty. Người này cho biết mọi thứ trở nên hỗn loạn khi một số nhân sự về Trung Quốc và không biết bao giờ quay lại. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy mà công ty hợp tác cũng đóng cửa, không có dấu hiệu mở trở lại.

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, không ít nhãn hàng quốc tế tạm ngừng hoạt động buôn bán tại cửa hàng và bắt đầu tập trung hơn về mảng kinh doanh online. Họ bắt đầu hướng đến những bộ ảnh thời trang, chụp nhiều sản phẩm hơn giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn khi đăng tải trên mạng xã hội.

Tại trang bán hàng trực tuyến, các nhà mốt như Lemaire, Proenza Schouler, Sacai, AMI... chia sẻ thông báo ngay khi người dùng truy cập. Cụ thể, họ miễn phí tiền vận chuyển cho khách. Người mua hàng chỉ việc chọn sản phẩm, nhân viên sẽ tự động chuyển đến tận nhà, giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn sức khoẻ trong mùa dịch.

Bien dong lang thoi trang anh 2

Nhiều thương hiệu tổ chức show diễn trực tuyến trong thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: Mirror.

Nhà sáng lập Kenzo qua đời do mắc Covid-19

Theo thông tin từ AFP, nhà sáng lập thương hiệu Kenzo - Kenzo Takada - qua đời tại Paris (Pháp) ở tuổi 81 vào ngày 4/10. Người đại diện của nhà mốt tiết lộ ông đã mắc Covid-19.

Trang The National cho hay việc Kenzo Takada qua đời được thông báo chỉ vài giờ sau khi show diễn Xuân - Hè 2021 của thương hiệu tại Tuần lễ thời trang Paris kết thúc.

Kenzo Takada là nhà thiết kế thời trang người Pháp gốc Nhật Bản. Năm 1971, ông trình làng bộ sưu tập đầu tiên của thương hiệu tại New York (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản).

Một năm sau, ông đoạt giải thưởng từ Hiệp hội biên tập viên thời trang Nhật Bản. Tiếp nối các thành công, nhà sáng lập quá cố mở cửa hàng trưng bày sản phẩm ở Place des Victoires (Pháp) vào năm 1976.

Năm 1993, Takada bán Kenzo cho tập đoàn LVMH. Tới năm 1999, ông từ giã sự nghiệp thiết kế thời trang để tập trung sáng tạo nghệ thuật.

Tổng biên tập Vogue Trung Quốc rời vị trí sau 16 năm

Ngày 20/11, Business of Fashion đưa tin một lá thư từ Angelica Cheung được chuyển đến cấp lãnh đạo của Condé Nast để thông báo về việc rời khỏi tạp chí Vogue sau nhiều năm đảm nhiệm vị trí tổng biên tập.

Tin tức này nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội. Nhiều người nhận định việc bà Angelica rời đi báo hiệu một kỷ nguyên mới cho ngành thời trang ở Trung Quốc.

Tài khoản @Lelixhanie1 bày tỏ: "Tôi không thể tin bà ấy rời đi. Liệu có phải do tình hình năm nay quá khó khăn? Tập đoàn Condé Nast đã từ chối đơn nghỉ việc của bà ấy một lần rồi nhưng bây giờ có lẽ là thật".

Hiện tai, chưa có ứng viên nào thích hợp để thay thế vị trí của bà. Bởi sự thành công với công việc báo chí từ đầu những năm 1990 khiến Angelica nhanh chóng trở thành người có sức ảnh hưởng lớn, giúp thời trang ở đất nước tỷ dân phát triển toàn diện.

Từ lâu, bà được ví như "người phụ nữ quyền lực" nhất làng thời trang Trung Quốc. Trước khi đảm nhận vị trí tổng biên tập Vogue Trung Quốc, bà đã mạnh dạn phát biểu với tập đoàn Condé Nast: "Tờ tạp chí này sẽ nhanh chóng bước lên vị trí danh giá, không thua kém bất cứ ai".

Bien dong lang thoi trang anh 5

Chân dung bà Angelica Cheung. Ảnh: Vogue.

Victoria's Secret bán cổ phần công ty

Theo trang The Business of Fashion, công ty L Brands chia sẻ thông tin về việc kinh doanh của Victoria's Secret tại thị trường Anh vào ngày 15/9. Công ty bán lẻ Next Plc quyết định chi số tiền lớn mua lại cổ phần của nhãn hàng nội y và chịu trách nhiệm vận hành, quyết định các chiến lược tăng trưởng doanh thu ở Anh, Ireland.

Công ty sẽ thụ hưởng 51% doanh số từ các hoạt động kinh doanh, riêng Victoria's Secret sẽ sở hữu số còn lại. Quyền quyết định trong việc sản xuất cũng thuộc về Next Plc.

Trước đó, theo như tờ BBC, Victoria's Secret mất khả năng thanh toán các khoản nợ và rơi vào tình trạng để bên thứ 3 giám sát tình hình kinh doanh ở thị trường Anh.

Vào tháng 5, thương hiệu nội y công bố kế hoạch đóng cửa 250 cửa hàng ở Mỹ và Canada. Nhãn hàng hiện có 849 cửa hàng ở khu vực Bắc Mỹ, phần lớn đều phải tạm ngừng hoạt động từ tháng 3 do dịch Covid-19.

Bien dong lang thoi trang anh 6

Nhãn hàng nội y đóng cửa 250 cửa hàng ở Mỹ và Canada trong năm 2020. Ảnh: Victoria's Secret.

Balenciaga bị tố ăn cắp ý tưởng

Năm 2020, Balenciaga nhiều lần vướng nhiều nghi án đạo nhái. Cụ thể, nhãn hàng từng bị một du học sinh Việt tố ăn cắp ý tưởng. Theo đó, Trà My đăng tải bài viết thể hiện sự bất bình khi nhìn thấy tác phẩm thực hiện cho khóa thạc sĩ của mình từ năm 2019 được thay đổi và xuất hiện trên trang cá nhân của hãng.

Theo tờ Hypebae, Balenciaga từng yêu cầu Trà My gửi hồ sơ và các tác phẩm cho vị trí thực tập sinh sau khi đến tham dự buổi triển lãm ở Đại học Mỹ thuật cô theo học tại Berlin, Đức.

Ngày 28/7, thương hiệu phủ nhận thông tin: "Bức hình chúng tôi đăng tải ngày 21/7 không dựa trên tác phẩm của bất kỳ nghệ sĩ nào. Nó được lấy cảm hứng từ những người bán hàng rong bày hàng hóa của họ".

Tiếp theo đó, Balenciaga công bố 2 tấm hình cho thấy nguồn cảm hứng và những khoảnh khắc nhiếp ảnh gia của thương hiệu chụp.

Bien dong lang thoi trang anh 7

Hình ảnh của Balenciaga (bên phải) có nhiều điểm giống tác phẩm của Trà My thực hiện năm 2019. Ảnh: @balenciaga, @tra.my1.

Vào tháng 9, Vetements đăng tải bài viết tố Balenciaga ăn cắp ý tưởng sáng tạo trong bộ sưu tập năm 2019. Cụ thể, nhãn hàng streetwear chia sẻ hình ảnh trên Instagram mẫu áo đen đơn giản và đính kèm tên của Demna Gvasalia - giám đốc sáng tạo của thương hiệu Tây Ban Nha.

2 thiết kế có điểm chung chính là phần thông tin được thêu trên ngực áo viết tên của dòng sản phẩm, người sản xuất và tông màu đen đơn giản. Điểm đáng nói trong câu chuyện này đến từ việc Demna từng là người sáng lập Vetements năm 2014. Chiếc áo thương hiệu Pháp cho rằng Balenciaga đạo nhái lại là sản phẩm được anh làm trước khi tuyên bố từ chức.

Những thiết kế giày độc đáo nhất năm 2020 Giày kết hợp với bánh xe, vẽ chân dung người nổi tiếng lên sneakers... là các xu hướng thu hút giới trẻ trong năm nay.

NTK Thủy Nguyễn: 'Tôi không dạy lịch sử hay văn hóa truyền thống'

Thủy Nguyễn khẳng định cô là nghệ sĩ và mong muốn sáng tạo nhiều tác phẩm dựa trên nền tảng con người, văn hóa Việt Nam.

Gucci dẫn đầu bảng xếp hạng thương hiệu nổi bật nhất năm 2020

Bảng xếp hạng trên Lyst cho thấy sự biến đổi về nhu cầu của người tiêu dùng trong năm 2020.

Thiên Minh

Bạn có thể quan tâm