Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loạn chữ Trung Quốc: Phải có chế tài mạnh với du khách

Theo ghi nhận, trên nhiều vách hang động ở vịnh Hạ Long không chỉ có chữ Trung Quốc, có cả những chữ tiếng Việt, tiếng Anh chằng chịt.

Những “dấu vết” bằng chữ Trung Quốc xuất hiện trên nhiều vách hang động ở vịnh Hạ Long được cho là của công nhân Trung Quốc khi họ được thuê sang lắp đặt hệ thống chiếu sáng vào cuối những năm 90 thế kỷ trước. Tuy nhiên, cũng có nhiều dấu vết khả năng là khách du lịch Trung Quốc muốn “lưu danh” ở di sản thiên nhiên thế giới.

    Theo ghi nhận của PV, không chỉ có chữ Trung Quốc, có cả những chữ tiếng Việt, tiếng Anh chằng chịt tại nhiều vách hang.

    Làm thế nào để chặn đứng hiện tượng phá hoại di sản, phá hoại danh lam thắng cảnh của du khách?

    Mức phạt quá nhẹ

    Nhìn sang xứ người: Vào tháng 3/2013, khi đi tham quan di tích nổi tiếng 3.000 năm tuổi ở Ai Cập, là ngôi đền vinh danh Amenhotep III ở Luxor, một du khách Trung Quốc điềm nhiên khắc mấy chữ “Đình Cẩm Hạo đã ở đây” lên bức phù điêu trên mảng tường cổ của ngôi đền. 

    Điều đáng nói, người ta không thể tìm cách nào để xóa mấy chữ trên vì mảng tường bằng đất. Hành động này đã gây phẫn nộ ở Ai Cập và ngay cả cộng đồng Trung Quốc. Trong các thông báo không thấy ghi mức phạt, nhưng bố mẹ du khách họ Đình kia đã phải lên tiếng xin lỗi.

    Chữ Trung Quốc trên vách đá hang động ở vịnh Hạ Long.
    Chữ Trung Quốc trên vách đá hang động ở vịnh Hạ Long.

    Trong khi đó, một số nước khác có chế tài mạnh: Tại Singapore, ngoài phạt tiền, kẻ bôi bẩn di tích còn bị phạt đánh roi nơi công cộng. Italia thì phạt tù du khách cố tình vẽ bậy lên các bức tường đấu trường La Mã cổ…

    Ở nước ta: Với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật, Nghị định 158/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 12/11/2013 quy định mức phạt từ 1 triệu đồng và cao nhất là 3 triệu đồng. Đồng thời người vi phạm sẽ bị buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu. Đây là mức phạt chưa đủ sức răn đe khi mà nạn viết bậy, vẽ bậy lên di tích vẫn khá phổ biến! Và dù đã có chế tài, nhưng hầu như không có ai bị xử phạt, ngay cả khi tình trạng bôi bẩn lên di tích không hiếm gặp.

    Mới đây, cộng đồng mạng lan truyền câu chuyện đi tìm “Đoàn đại hiệp” - người đã ghi dấu ấn bằng cách viết chữ lên chóp nhôm của đỉnh Fansipan, hay một cô gái ký tên lên tường của nhà thờ Đức Bà tại TP HCM. Việc cộng đồng mạng phản ánh, bức xúc cũng không đồng nghĩa là những cá nhân thiếu ý thức kia sẽ bị cơ quan chức năng phạt hành chính.

    Loạn chữ Trung Quốc: Di sản thiên nhiên thế giới bị bôi bẩn

    Một số hang động nổi tiếng trên vịnh Hạ Long, như Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt… hiện có khá nhiều chữ Trung Quốc được khắc, vẽ trong hang.

    Không chỉ “nhắm mắt” thu vé tham quan

    Trở lại câu chuyện nhiều hang động đẹp của vịnh Hạ Long bị bôi bẩn bằng tiếng Trung Quốc. Điều đáng nói, dòng chữ này có từ nhiều năm nay nhưng không có cơ quan chức năng rốt ráo xử lý. Qua những bức hình Báo Lao Động cung cấp, các chuyên gia tiếng Trung cho rằng nội dung trên vách hang Đầu Gỗ, Sửng Sốt là những “dòng kỷ niệm”, tên riêng hoặc cách gọi địa danh. Đây là điều không thể chấp nhận.

    Bạn đọc đã rất bức xúc. Bạn đọc Lê Văn Dương cho rằng: “Tỉnh Quảng Ninh phải phải nghiêm túc xem xét vụ việc này và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan quản lý du lịch của tỉnh. Không nên chỉ biết khai thác mà không bảo vệ”.

    Bạn đọc Nguyễn Sơn viết: “Tại sao hướng dẫn viên của các đoàn tham quan du lịch không nhắc nhở cảnh báo họ? Tại sao không truyền thông bằng các bảng cấm vẽ, viết trên vách đá bằng các thứ tiếng khác nhau? Tại sao không đưa ra chế tài để phạt bất cứ ai vẽ, viết trên vách đá? Tại sao các bảo vệ khu danh lam không ngăn chặn khi thấy họ làm? Tại sao quản lý lại yếu kém như vậy... 

    Danh lam thắng cảnh đẹp như thế, được UNESCO công nhận là di sản thế giới thì tại sao chúng ta không ngồi đó mà nghĩ ra cách quản lý cho tốt nhứt? Tại sao chỉ biết thu tiền từ dịch vụ du lịch mà không có trách nhiệm bảo vệ, rồi đến một lúc nào đó danh lam sẽ là những nơi dơ bẩn, nhếch nhác không còn thu hút được ai đến thì liệu lúc đó có ngồi đó mà suy tính các biện pháp bảo vệ cũng đã muộn màng...”.

    Nhiều bạn đọc khẳng định, “làm gì có chuyện không thể tẩy xóa” những hàng chữ bẩn kia, vấn đề là có “muốn làm hay không” mà thôi.

    Không thể phủ nhận, lượng khách Trung Quốc đến Quảng Ninh thăm vịnh Hạ Long là vài trăm ngàn lượt mỗi năm, mang lại khoản thu lớn cho du lịch Quảng Ninh. Tuy nhiên, nếu buông lỏng quản lý, không có chế tài phạt nặng những du khách (trong và ngoài nước) bôi bẩn vịnh Hạ Long thì chẳng mấy chốc di sản thiên nhiên thế giới này sẽ trở nên nhem nhuốc, dơ bẩn.

    Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL):

    Tất cả các di sản, danh thắng đã được phân cấp quản lý. Trong trường hợp này, hang Đầu Gỗ thuộc sự quản lý của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, vì thế, nếu có hiện tượng gì làm thay đổi hoặc ảnh hưởng đến di sản, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm và giải quyết. 

    Trong trường hợp không giải quyết được hoặc giải quyết chưa thỏa đáng thì mới cần sự can thiệp của cơ quan Bộ. Tuy nhiên, sau thông tin Báo Lao Động nêu, chúng tôi sẽ quan tâm, theo dõi vụ việc. Việc xác định niên đại của các chữ viết cũng không quá khó đối với các nhà khoa học và ngôn ngữ học...”.

    http://laodong.com.vn/van-hoa/phai-co-che-tai-manh-voi-du-khach-375733.bld

    Theo Anh Khoa/Lao Động

    (Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

    Bạn có thể quan tâm