Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loại trừ nguy cơ phơi nhiễm HIV với nhóm 40 học sinh

Cục phòng chống HIV/AIDS cho hay, học sinh bị nhiễm HIV chỉ bị châm 2 lần và qua quần bò nên khó dính máu. Tất cả các em đều không phải dùng thuốc kháng virus để phòng phơi nhiễm.

Phân tích về khả năng lây nhiễm HIV của các em học sinh trường THCS Xuân Thiên (Thọ Xuân, Thanh Hóa), thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nguy cơ lây nhiễm HIV cao khi máu của người nhiễm HIV có nồng độ virus cao, tiếp xúc với số lượng máu nhiều, bị đâm sâu trong cơ.

Thời gian từ khi vật sắc nhọn đâm vào người nhiễm HIV sang người khác ngắn vì HIV rất dễ bị tiêu diệt khi ra khỏi cơ thể người. Ngoài ra, xác suất lây nhiễm HIV khi bị đâm kim tiêm của người nhiễm HIV là 0,3%. Tức 1.000 người bị phơi nhiễm theo cách đó thì có khoảng 3 người bị lây nhiễm HIV.

Trong khi đó kim tiêm có độ rỗng và lượng máu chứa trong kim tiêm sẽ nhiều hơn trên vật sắc nhọn không có nòng thì xác suất này có thể còn thấp hơn rất nhiều.

Hơn 40 học sinh trước nguy cơ nhiễm virus HIV

Cầm thanh sắt dính máu người có virus HIV, Sỹ được cho là đã đâm vào người hơn 40 học sinh khác tại một trường cấp hai ở tỉnh Thanh Hóa.

Ở vụ việc này, các em học sinh châm chọc nhau một cách ngẫu nhiên nên không phải 43 em đó đều bị phơi nhiễm với HIV từ em học sinh bị nhiễm HIV. Riêng em học sinh bị nhiễm HIV cũng chỉ bị châm chọc có 2 lần và qua quần bò nên khó dính máu nếu có bị tổn thương.

iệp (áo trắng) - một trong 6 nam sinh gây nên sự việc trần tình về sự việc.
Hiệp (áo trắng) - một trong 6 nam sinh gây nên sự việc trần tình về sự việc. "Cháu rất ân hận về hành vi của mình. Cháu biết lỗi rồi". Ảnh: Duy Cảnh.

Em học sinh nhiễm HIV này đã và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus và sức khỏe rất tốt. Việc điều trị băng thuốc kháng virus cũng ức chế và tải lượng virus thấp làm nguy cơ lây nhiễm HIV cũng giảm.

Như vậy trong trường hợp trên, cơ quan chuyên môn về HIV/AIDS khẳng định không có nguy cơ nên không có trường hợp nào phải dùng thuốc kháng virus để dự phòng phơi nhiễm.

Bác sĩ Cảnh cũng cho biết thêm, trong trường hợp bị đâm tương tự gây tổn thương da chảy máu thì phải xối ngay vết thương dưới vòi nước, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương, rồi rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế, nên đến phòng khám ngoại trú điều trị HIV gần nhất, hoặc Trung tâm y tế huyện hay Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để các y bác sỹ đánh giá nguy cơ, tư vấn và xử trí kịp thời. 

Các em học sinh của trường vẫn đón khai giảng bình thường sau sự việc - ảnh VAAC
Các em học sinh của trường vẫn đón khai giảng bình thường sau sự việc. Ảnh: VAAC.

Trước nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng các trường học nên tách học sinh bị nhiễm HIV với các học sinh khác, bác sĩ Cảnh phân tích, về mặt khoa học: HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường như ăn uống chung, học chung, sống chung, làm việc chung, muối đốt… nên không cần thiết phải tách biệt hay cấm đoán.

Đến nay chưa có bất cứ báo cáo nào trên thế giới là trẻ em bị lây nhiễm HIV do học chung, sống chung. Về mặt luật pháp, hiện nay chủ trương của nước ta là khuyến khích việc đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em. Việc tách biệt người nhiễm HIV là vi phạm pháp luật.

Tuần trước, gia đình có con em học tại trường THCS Xuân Thiên hoang mang do hơn 40 học sinh bị một nhóm nam sinh dùng vật sắc nhọn đâm vào người. Trong nhóm học sinh bị đâm, một nạn nhân đang có virus HIV. Gia đình nhiều học sinh sau đó đã tự cho con em mình uống thuốc dự phòng chống phơi nhiễm.

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm