Nhà đầu tư chứng khoán trong những ngày đầu năm 2022 đã chứng kiến đợt sụt giảm rất mạnh, nhiều tài khoản rơi vào tình trạng thua lỗ nặng và thậm chí là bị bán giải chấp khi nhiều cổ phiếu mất thanh khoản.
Chẳng hạn, sóng cổ phiếu bất động sản cuối năm 2021 và đà tăng mạnh của nhóm FLC Group đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư nhảy vào với mong muốn kiếm lời nhanh, không ít người đã lựa chọn All in (tất tay) toàn bộ tài sản vào các cổ phiếu nóng.
Tuy nhiên sau thời gian dài tăng phi mã thì con sóng cổ phiếu đầu cơ cũng bắt đầu hạ nhiệt và nhiều mã rơi thẳng đứng. Nhà đầu tư dần mất niềm tin và hoảng loạn bán tháo nhưng vẫn khó thoát cảnh nhìn tài khoản bốc hơi mỗi ngày, nhất là một số cổ phiếu đang mất thanh khoản như FLC Group hay bất động sản...
CEO Passion Investment Lã Giang Trung. |
Tháo chạy khỏi thị trường
Nói về tâm lý tháo chạy của một số nhà đầu tư khỏi cổ phiếu nóng, CEO Passion Investment Lã Giang Trung nhận định sự hoảng loạn chỉ xảy ra khi tài sản của nhà đầu tư thiệt hại rất lớn mới tranh nhau bán cổ phiếu, nếu thiệt hại nhỏ thì sẽ không quá hoảng loạn.
Với thực trạng bán tháo các cổ phiếu nóng trong thời gian gần đây, ông Trung đánh giá có một tỷ lệ khá lớn các nhà đầu tư đang tất tay vào các mã đầu cơ này và có hiện tượng "giẫm đạp" nhau tháo chạy khỏi thị trường.
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư lỡ tất tay với cổ phiếu bất động sản, Phó giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng khuyến nghị với tình hình thua lỗ dài thì nên dừng giao dịch chứ không phải tiếp tục nắm giữ, trước khi giao dịch phải nên có kế hoạch và tâm lý ổn định.
Một khi trông vào may mắn quá nhiều thì đầu tư sẽ giống như đánh bạc
Phó giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng
Còn đối với các nhà đầu tư thu được những khoản lãi đột biến đến vài lần, ông Hưng đánh giá phần lớn là do may mắn. Một khi trông vào may mắn quá nhiều thì đầu tư sẽ giống như đánh bạc, mà đánh bạc thì may mắn nhất là biết "đứng dậy đi về".
Đồng quan điểm, CEO Lã Giang Trung khuyên nhà đầu tư trước khi mua bán cần phải đặt ra kế hoạch nếu lỡ thua lỗ cần phải hành động gì.
Đơn cử như khi đầu tư vào nhóm bất động sản nhưng lại không tìm hiểu lý do thì bước đầu tiên đã sai lầm, và khi đã thua lỗ thì phải bình tĩnh xử lý. Vị chuyên gia khuyên không nên chìm đắm trong thua lỗ vì nó dẫn đến cảm giác rối loạn, đông cứng về tư duy.
"Khi mất tiền cảm xúc thường tăng mạnh, nếu không đủ can đảm cắt lỗ toàn bộ thì cũng phải cắt lỗ 50% danh mục để tỉnh táo suy nghĩ lại", ông bổ sung.
Cần xác định giá cổ phiếu có thể biến động khôn lường
Thực tế Passion Investment của ông Lã Giang Trung cũng từng All in vào cổ phiếu VPB năm 2018 để rồi ôm khoản lỗ hơn 20% với con số tuyệt đối rất lớn. Điều này là do đội ngũ quản lý cảm thấy tự tin khi tỷ lệ đầu tư thành công trước đó lên đến 90% và cứ thế đặt cược giá trị lớn dần.
Hậu quả sau đợt tất tay thua lỗ đó là CEO phải bán nhà để trả tiền cho nhà đầu tư cũng như bị đổ vỡ về mặt tâm lý. Passion Investment sau đó đã có thay đổi chiến lược sang hướng tập trung và kết quả đang là quỹ đầu tư chủ động có hiệu suất cao nhất tại thị trường Việt Nam.
Vị chuyên gia rút ra bài học là bất cứ quyết định ở thời điểm nào cũng có thể đúng hoặc sai, nên nghe phản biện nhiều hơn và biết nhận sai. Trong đầu tư, tỷ lệ thắng phải 100% thì mới nên All in, còn nếu không thì phải giảm tỷ lệ đặt cược xuống và việc này phụ thuộc vào nghệ thuật đầu tư.
Nếu nhà đầu tư quên những "đau khổ" khi mất tiền trong quá khứ, những sai lầm có thể lặp lại trong tương lai
CEO Passion Investment Lã Giang Trung
Ông Trung nói thêm nếu nhà đầu tư muốn tất tay vào một cổ phiếu thì cần xác định giá cổ phiếu có thể biến động khôn lường. Nhà đầu tư cần quan sát hoạt động kinh doanh và cả giá cổ phiếu, một khi giá cổ phiếu bắt đầu đi ngược với kỳ vọng thì đó là dấu hiệu có gì đó sai lầm.
Tuy nhiên các chuyên gia chứng khoán cũng chỉ ra rằng đặc điểm của nhà đầu tư cá nhân là hay quên. Ông Hưng giả định nếu thị trường tăng mạnh sau Tết cổ truyền thì khả năng mọi người lại quên hết những gì đã diễn ra trong tháng 1, dòng tiền sẽ lại chảy vào chứng khoán.
Giám đốc SSI Research lưu ý nhà đầu tư rằng thị trường sẽ luôn lặp lại lịch sử và việc "quên nhanh" không phải là điều tốt trong đầu tư chứng khoán. Ông Lã Giang Trung nhận định nếu nhà đầu tư quên những "đau khổ" khi mất tiền trong quá khứ, những sai lầm có thể lặp lại trong tương lai.
Do đó, nhà đầu tư chỉ có thể duy trì được kỷ luật khi nhớ lại những "cú ngã" trước đó.