Vụ rơi bó thép làm một người đi đường tử vong tại chỗ, nhiều người bị thương sáng 6/11 trên đường Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) khiến nhiều người bàng hoàng, lo sợ.
Vụ việc gây lo lắng cho nhiều người dân bởi sự an toàn và tính mạng của họ bị đe dọa khi phải thường xuyên qua lại trên tuyến đường huyết mạch của thủ đô - nơi nhà thầu, đơn vị thi công đã không có phương án đảm bảo an toàn khi xây dựng công trình.Tai nạn chỉ là sớm hay muộn
Ngày nào cũng đi làm qua khu vực này, chứng kiến cảnh những khối sắt, bê tông lớn được đưa lên trụ cột cao không có rào chắn, phía dưới dòng người đi lại tấp nập, anh Tùy Phong đã nghĩ thế nào cũng có tai nạn. "Và hôm nay, chuyện đó đã xảy ra”, anh chia sẻ.
Cùng tâm trạng như anh Phong, nhiều người cho hay, mỗi lần đi qua nơi này, họ lo sợ đến tình huống xấu nhất bởi trên đầu là rất nhiều dầm sắt, bê tông nặng hàng trăm tấn.
“Lúc nào đi qua cũng có cảm giác rợn người. Công nhân thi công ngay bên trên, toàn sắt, bê tông, thậm chí rỉ cả hàn tóe đầy lửa xuống đường, nhiều lần giật mình vì phải tránh tia lửa. Nghĩ là sớm muộn cũng có chuyện không hay nếu thi công kiểu như vậy. Tai nạn đã xảy ra, tội nghiệp nạn nhân và gia đình”, độc giả Thành Công viết.
Còn bạn đọc Quang Tay kể, tháng trước trong lần đi qua tuyến đường, anh bị nguyên một xô nước từ trên đổ xuống. May mắn không bị nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ướt nửa người. "Điều này cho thấy, hiểm họa có thể đến bất cứ lúc nào, bởi nếu không là xô nước, mà là vật gì đó sẽ nguy hiểm đến tính mạng", anh lập luận.
Dự liệu được sự nguy hiểm, nhiều lần độc giả Anh Đức Bùi không dám đi vào bên trong đường mà thường đi phía ngoài. Tuy nhiên, có lúc do vội đi học nên anh và bạn bè vẫn phải nhắm mắt đi qua trong nỗi hoảng sợ và dè chừng "có cái gì đó rơi trên đầu".
Trục đường đang thi công tuyến đường sắt là nơi có rất nhiều trường đại học lớn của Hà Nội và người tử vong chính là sinh viên Học viện An ninh. Vì thế, sự việc khiến nhiều sinh viên lo ngại khi ngày nào cũng phải hai lượt đi, về.
"Sinh viên chúng tôi đi xe đạp, tốc độ di duyển chậm và thường đi cùng nhóm, nếu xảy ra tình huống xấu thì chắc chắn sẽ là thảm họa lớn", Đức Anh (ĐH Hà Nội) cho hay.
Có lần thấy cảnh lao động quá mất an toàn, anh Duy Chinh dừng xe nhắc nhở thì chỉ nhận được thái độ không hài lòng của những người đang làm việc trên công trường.
Ra Hà Nội công tác được một tháng, nhìn cảnh thi công đường sắt khi trên thì cần cẩu nâng hàng tấn sắt, bên dưới người đi lại vần nườm nượp nghĩ, độc giả Gia Huy thấy vô cùng sợ hãi.
Tai nạn kinh hoàng xảy ra trên đường Trần Phú khi bó thép rơi từ trên cao. |
Với cách làm hiện nay của đơn vị thi công, nhiều người đặt ra giả thiết, nếu tai họa rơi xuống bất ngờ vào đúng lúc tắc đường hay giờ cao điểm, không biết bao nhiêu người phải mất mạng vô lý.
Nghe tin vụ tai nạn sáng nay, chồng chị Trang Thu đã gọi điện và "cấm" chị đi qua tuyến đường này. "Trước đã lo, nay nỗi sợ càng tăng. Từ mai tôi sẽ vòng qua đường Lê Văn Lương dù có xa hơn nhưng hành trình tới cơ quan và về nhà sẽ bớt căng thẳng".
Cần ngay biện pháp thi công an toàn
Những người từng sống ở nước ngoài chia sẻ, họ chưa từng thấy công trình nào đang xây dựng mà cho người và phương tiện di chuyển ở dưới, bởi tai nạn, rơi dụng cụ, vật liệu rất dễ xảy ra.
Thông thường, các công trình nước ngoài được làm hàng rào, để biển cảnh cáo và chỉ có những công nhân ra vào. Tuyến đường sắt trên cao trong khu vực nội đô Hà Nội đang thi công thì lại làm ngược lại.
Cùng quan điểm, anh Lê Tiến (sống ở Hà Đông) bày tỏ, một trong các nguyên tắc khi cẩu các vật trên cao là không bao giờ có người đứng ở phía dưới. Tuy nhiên, nguyên tắc này bị vi phạm thường xuyên ở công trường đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh.
Hiểm họa bất ngờ có thể đến bất cứ lúc nào nếu những công trình này không đủ độ an toàn cần thiết. |
Một số ý kiến của những người làm trong ngành xây dựng cho rằng những công trình lớn và độ rủi ro cao phải thi công vào ban đêm thay vì ban ngày. Vật liệu xây dựng cũng chỉ được vận chuyển vào lúc đêm vắng, chỗ thi công cần làm lan can bao rộng hơn ra ngoài phạm vi thi công đề phòng trường hợp vật liệu bị rơi.
Bổ sung, bạn đọc Thành Nam viết, trước khi cẩu vật liệu phải kiểm tra thật kỹ càng các nút buộc và khi cẩu và vận chuyển vật liệu nặng thì điều người ra hướng dẫn người tham gia giao thông chuyển hướng để tránh điều đáng tiếc xảy ra.
Họ cũng hy vọng nhà thầu và chính quyền địa phương sẽ có phương án tốt nhất để người dân có thể yên tâm lưu thông qua những tuyến đường đang triển khai dự án đường sắt trên cao không chỉ trục Nguyễn Trãi - Cát Linh.
"Mình ngày nào cũng đi đoạn đường từ Học viện Bưu chính Viễn thông tới đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) có lúc chở em đi học về rỉ hàn còn rơi trúng người, lúc thì nước rỏ vào. Chỉ mong sau vụ tai nạn này sẽ không còn tình trạng như hiện nay", nickname Công tử Nhà nghèo mong ước.