Tại tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 15/12, ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - nhận định cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các đối tượng, tổ chức đã lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh buôn bán, giới thiệu sản phẩm giả mạo, kém chất lượng.
"Các đối tượng buôn lậu thường tìm địa điểm hẻm hóc, ngõ nhỏ để cất giấu hàng hóa. Thậm chí, nhiều gian hàng trên sàn thương mại điện tử lớn cũng chào bán hàng kém chất lượng, hàng giả mạo", ông cho biết.
Đặc biệt ông Lê cho rằng hiện nay nhận thức của người dân là điều đáng lo ngại nhất khi đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái trên nền tảng thương mại điện tử.
"Có khoảng 80% người tiêu dùng biết sản phẩm mình mua là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm như LV, Gucci, Chanel chính hãng có giá hàng chục triệu đồng, nhưng khi đặt mua trên mạng chỉ vài trăm nghìn đồng. Nhưng vì nhu cầu làm đẹp, giá rẻ... người tiêu dùng vẫn chấp nhận", ông nói.
Kho hàng chứa khoảng 20.000-30.000 sản phẩm nhái thương hiệu Hermès, LV, Chanel bị cơ quan chức năng triệt phá ở Nam Định. Ảnh: DMS. |
Do đó, ông Lê nhận định người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho việc thu lời bất chính, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của sản phẩm.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết sẽ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tránh tạo lỗ hổng pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả về xuất xứ, chất lượng hàng hóa.
Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết hiện nay hàng hóa giả mạo xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. "Đáng nói các mặt hàng này khó phát hiện, không có địa chỉ cụ thể, gây thiệt hại lớn về uy tín của doanh nghiệp", bà nói và dẫn ví dụ vụ làm giả bao bì của Công ty Vinamit trên mạng xã hội gần đây.
"Theo tôi, hiện nay chi tiêu người tiêu dùng bị giảm, nên họ chấp nhận mua hàng giả. Chính điều này sẽ dần dần 'giết chết' các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời 'giết chết' ngành sản xuất trong nước", bà nhận định.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết trong năm 2021, tình hình buôn lậu vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là các mặt hàng như găng tay y tế, khẩu trang, thuốc, vật tư y tế phòng, chống Covid-19, thực phẩm chức năng, thời trang...
Theo ông Hùng, các đối tượng thường lợi dụng việc phân luồng, miễn kiểm tra hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại, nhãn hiệu của hàng hóa, đồng thời khai báo giá thấp để trốn thuế.
"Đối với hàng quá cảnh, các đối tượng lợi dụng khai báo theo thủ tục đơn giản, chỉ khai báo chung để vận chuyển sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng", ông nói.
Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hợp tác, trao đổi thông tin chặt chẽ với cơ quan tình báo hải quan nước ngoài để ngăn chặn hàng giả mạo, gian lận thương mại thâm nhập vào Việt Nam.