Theo kế hoạch, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thu phí từ ngày 1/7, sau 60 ngày vận hành miễn phí. Tuy nhiên, doanh nghiệp dự án vừa thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang về việc lùi thời gian miễn phí cho các phương tiện qua lại thêm 30 ngày.
Cùng với việc lùi thời gian thu phí, nhà đầu tư đang kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT một số giải pháp cấp bách để khắc phục các vấn đề an toàn được người dân chỉ ra sau 2 tháng vận hành.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến. Ảnh: Phạm Ngôn. |
"Dự án chưa có làn dừng khẩn cấp, chưa bố trí trạm dừng nghỉ kiểm tra kỹ thuật, cộng với lưu lượng xe quá lớn nên đã xảy ra một số vụ tai nạn làm 2 người chết, một người bị thương", báo cáo của BOT Trung Lương - Mỹ Thuận gửi cơ quan quản lý.
Nhà đầu tư cho biết lưu lượng xe lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận hiện quá lớn, ở mức 23.000 lượt xe/ngày đêm. Lưu lượng này khiến tuyến đường dù mới khánh thành, đã gần mãn tải bởi quy mô làn đường được tính toán trong bối cảnh cách đây 13 năm.
Đặc biệt, khi Chính phủ đẩy nhanh các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu... khiến phương tiện lưu thông về miền Tây tăng cao, quy mô hiện nay của tuyến TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận không thể đáp ứng.
Với thực trạng nêu trên, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết có nhiều thách thức cho việc đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Doanh nghiệp BOT kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang và Cục CSGT đánh giá lại tốc độ tối đa cho phép lưu thông trên tuyến (hiện áp dụng tốc độ tối đa là 80 km/h). Đồng thời, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu các vị trí có đủ mặt bằng để đầu tư bổ sung điểm dừng kiểm tra an toàn cho phương tiện, nơi bố trí lực lượng cứu hộ để kịp thời xử lý sự cố...
Về lâu dài, doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm báo cáo Thủ tướng cho triển khai giai đoạn 2 của dự án, mở rộng làn đường để phát huy hiệu quả đầu tư.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51 km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối là nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè). Trên tuyến bố trí các trạm thu phí gồm: Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa, trạm thu phí Cai Lậy, trạm thu phí Cái Bè, trạm thu phí An Thái Trung, tất cả trạm đã được lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng.
Giai đoạn 1 của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng cục bộ. Toàn tuyến có 11 điểm dừng với 6 điểm ở bên phải tuyến và 5 điểm ở bên trái, mỗi điểm cách nhau 10 km. Với thiết kế này, phương tiện gặp sự cố không thể tự chạy tới điểm dừng.
Sau 6 ngày vận hành thu phí thử nghiệm (không thu tiền) trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (từ 14h ngày 23/6 đến 14h ngày 29/6), đơn vị quản lý vận hành đã phục vụ hơn 186.700 lượt xe, trung bình khoảng 31.100 lượt xe mỗi ngày.