Nguy cơ mất tiền vì hợp đồng miệng
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Ngô Văn Hoàng (66 tuổi, chủ trại cá sấu Hoàng Phương ở thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu) cho biết, hơn một tháng trước, ông bán cho tư thương tên Thắng và Hải ở tỉnh Quảng Ninh gần 1.200 con cá sấu. Giá bán cá "cân xô" loại lớn và nhỏ là 140.000 đồng/kg. Ông Hoàng dự tính thu về trên 1 tỷ đồng.
"Tôi với người mua cá quen biết nhau nhưng không rõ địa chỉ cụ thể của họ ở đâu. Hai người này từng ăn và ở tại nhà tôi. Họ trả trước cho tôi 300 triệu đồng, còn lại hơn 700 triệu. Hiện, tôi không biết phải đòi nợ như thế nào vì cả hai người đã tắt điện thoại gần một tháng nay sau khi xe chở cá bị cơ quan chức năng tạm giữ", ông Hoàng nói.
Cơ sở của ông Hoàng được cơ quan chức năng cấp phép nuôi cá sấu và vận chuyển loài động vật này khi bán cho các tỉnh trong nước. Khi cá xuất chuồng, ngành kiểm lâm cấp giấy tờ cho trang trại để gửi theo xe vận chuyển đến Quảng Ninh.
Đêm 23/7, cơ quan chức năng phát hiện xe tải chở đàn cá sấu có nguồn gốc của ông Hoàng tại TP Móng Cái (Quảng Ninh). Lúc này, nhiều người đang cho cá uống nước. Tuy nhiên, nhà chức trách cho rằng, họ chuẩn bị dỡ lô hàng có nguồn gốc từ tỉnh Bạc Liêu để mang xuống đò chở qua Trung Quốc nên tạm giữ hàng nghìn con cá.
Lái xe là ông Lê Văn Thành (ngụ Đồng Nai) cho biết, có người thuê ông chở cá sấu từ Bạc Liêu đến Quảng Ninh. Khi cơ quan chức năng phát hiện, chủ lô hàng đã không liên lạc để nhận lại số cá trị giá tiền tỷ.
Trại nuôi cá sấu của ông Hoàng. Ảnh: Nhật Tân. |
Hiện, đàn cá sấu được nhà chức trách gửi nuôi tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) và chết khoảng 200 con. Nếu chủ hàng không gặp cơ quan chức năng để giải quyết, số cá này sẽ bị thanh lý theo quy định của pháp luật.
"Hơn nghìn con cá sấu do tài xế Thành chở ra Quảng Ninh đúng là của tôi bán cho ông Thắng với ông Hải. Tôi tin tưởng người mua hàng nên không làm hợp đồng mà chỉ giao kèo miệng. Bây giờ, không thu hồi được tiền bán cá nên tôi đã gửi đơn ra Hà Nội để xin nhận lại số hàng trên nhưng chưa được", ông Hoàng nói.
Mua bán cá sấu phải kèm điều kiện
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu cho biết, nghề nuôi cá sấu tại tỉnh này phát triển từ năm 1998. Cá sấu là động vật thuộc nhóm 2B, người dân được phép nuôi và mua bán có điều kiện.
"Cá sấu được nuôi và bán phải có nguồn gốc rõ ràng. Mua bán, vận chuyển cá sấu trong nước phải được cơ quan chức năng cấp phép. Khi xuất khẩu loài này, tổ chức CITES cấp thẻ ghi mã số của từng con", ông Phúc nói.
Theo người đứng đầu ngành kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh có trên 1.800 hộ nuôi cá sấu và được cơ quan chức năng cấp sổ theo dõi. Hiện tại, hơn 219.000 con cá sấu được nuôi tại Bạc Liêu với nguồn gốc rõ ràng, tập trung nhiều ở huyện Phước Long và Giá Rai.
"Người dân nuôi khá nhiều và xây chuồng trại như nuôi heo. Sau 18 tháng, cá sẽ nặng khoảng 12 kg là bán được. Những năm trước, lúc loại này được giá, nông dân lãi 40% trên tổng vốn đầu tư, nay chỉ còn lãi khoảng 20% đến 30%", ông Phúc chia sẻ.
Thức ăn của cá sấu nuôi tại miền Tây chủ yếu là các loại cá tạp mà nông dân đánh lưới được trên những đồng tôm. Không ít gia đình thả cá rô phi vào ao nuôi tôm để bắt bán cho các hộ nuôi cá sấu, mang về thu nhập khoảng 30 triệu đồng mỗi năm.
"Quê tôi người dân nuôi cá sấu nhiều lắm. Tôi đánh lưới bắt cá rô phi dưới vuông tôm mỗi ngày được khoảng 20 kg, bán cho trại sấu giá 12.000 đồng/kg, thu 4 triệu đồng mỗi tháng", ông Năm Long ở xã Phước Long nói.
Lãnh đạo cơ quan kiểm lâm cho biết, nông dân nào có cá sấu xuất chuồng phải liên hệ cơ quan chức năng đến kiểm tra số lượng để cấp giấy phép vận chuyển. Khi đó, phía kiểm lâm sẽ ghi rõ nơi cá sấu bắt đầu đi và điểm đến.
Nếu bán lại cho bên thứ ba, người mua phải tiếp tục xin phép cơ quan chức năng của tỉnh về địa chỉ mà đàn cá sấu sẽ tiếp tục đi và đến để tránh tình trạng xuất lậu sang Trung Quốc.