Thái tử Haakon và Công nương Mette-Marit. Ảnh: Roycalcourt |
Công nương Mette-Marit từng là bà mẹ đơn thân trước khi kết hôn với người thừa kế ngai vàng của vương quốc Na Uy, Thái tử Haakon. Những câu chuyện thời tuổi trẻ của bà khiến dư luận nước này xôn xao một thời gian dài.
Quá khứ nổi loạn
Công nương Mette-Marit Tjessem Hoiby chào đời vào tháng 8/1973. Bà là con út trong gia đình của một nhân viên ngân hàng và một nhà báo. Bố, mẹ Mette-Marit ly hôn vào năm 1984. Bà cùng các anh, chị lớn lên tại thị trấn Kristiansand phía nam Na Uy, trải qua những tháng ngày rong ruổi, nô đùa quanh bờ biển. Với phẩm chất lãnh đạo vốn có và lòng yêu thích thể thao, Mette-Marit tham gia đội bóng chuyền khi vào trường trung học, sau này trở thành huấn luyện viên đội bóng.
Từ năm 2000 đến 2002, Mette-Marit theo học tại khoa Khoa học Xã hội ở Đại học Oslo. Bà đi làm phục vụ bán thời gian tại một nhà hàng để trang trải cuộc sống.
Trong khoảng thời gian này, Mette-Marit bắt đầu gặp gỡ Thái tử Haakon thông qua sự giới thiệu của một người bạn, nhân dịp ngài trở về nước sau chuyến du học tại Đại học Carlifornia (Berkeley, California, Mỹ). Cả hai hẹn hò với nhau trong nhiều tháng, nhưng họ chưa bao giờ công khai mối quan hệ.
Quá khứ nổi loạn của bạn gái thái tử bỗng nhiên trở thành đề tài bàn tán của người dân Na Uy sau khi cặp đôi tuyên bố đính hôn vào ngày 1/12/2000.
Thái tử Haakon sát cánh bên người bạn đời trong một buổi họp báo trước ngày cưới. Ảnh: AP |
Giới truyền thông chú ý đến chuyện Mette-Marit đã có một con trai 3 tuổi với tên tội phạm từng bị kết án tàng trữ ma túy. Dù sinh con ngoài giá thú không phải chuyện hiếm tại Na Uy thời bấy giờ, nhưng vẫn nhiều người lo ngại với sự lựa chọn bạn đời của thái tử, đặc biệt tại một đất nước phản đối việc chung sống không qua kết hôn. Dân chúng cũng rất ngỡ ngàng khi biết Mette-Marit từng dự những buổi tiệc mà người tham gia đều sử dụng ma túy.
Dũng cảm đối mặt quá khứ
Tháng 8/2001, vài ngày trước khi đám cưới hoàng gia diễn ra, Mette-Marit xuất hiện tại một cuộc họp báo dũng cảm thừa nhận về sai lầm trong quá khứ.
"Quá khứ của tôi rất khác biệt so với nhiều người. Tôi đã trải qua một cuộc sống buông thả trong thời gian dài. Tôi đã vượt qua nhiều giới hạn và chuyện này khiến tôi phải trả giá đắt", Mette-Marit rơi lệ khi phát biểu.
Người hứa hôn với thái tử khẳng định: "Tôi lên án việc sử dụng ma túy. Tôi không thể quay ngược quá khứ để lựa chọn lại, dù có muốn thế nào chăng nữa. Tôi sẽ không bao giờ lặp lại hành động sai trái và mong giới truyền thông sẽ tôn trọng ước muốn này, hãy để quá khứ của tôi vào dĩ vãng".
Thái tử Haakon nhấn mạnh quốc vương và hoàng hậu rất ủng hộ cuộc hôn nhân với Mette-Marit. "Tình cảm giữa chúng tôi rất sâu đậm nên tôi không thể để vuột mất nó. Các bậc thân sinh đều tán đồng chuyện kết hôn của chúng tôi. Họ nói rằng 9 năm chờ đợi là một khoảng thời gian rất lâu (Quốc vương Harald, bố của Thái tử Haakon, phải mất 9 năm mới được phép kết hôn cùng cô gái dân thường là hoàng hậu Sonja Haraldsen hiện nay)”, Thái tử Haakon nói tại buổi họp báo.
Kirsti Kolle Grondahl, chủ tịch quốc hội Na Uy bấy giờ, ủng hộ Mette-Marit và thúc giục người dân "đừng bàn tán về quá khứ của công nương, đừng để thanh danh của cô bị tổn hại".
Đám cưới giữa Thái tử Haakon và Công nương Mette-Marit năm 2001. Ảnh: AP |
Đám cưới hoàng gia
Ý kiến dư luận về công nương tương lai thay đổi đáng kể sau buổi họp báo. Phần lớn người dân bắt đầu đồng cảm với quá khứ của Mette-Marit. Họ ấn tượng trước thái độ dũng cảm đối mặt với quá khứ của bà. Một khảo sát cho biết gần 40% người dân khẳng định đã suy nghĩ tốt hơn về Mette-Marit.
Ngày 25/8/2001, BBC cho biết hàng nghìn người dân Na Uy đã tập trung tại thủ đô Oslo để chúc mừng cuộc hôn nhân hoàng gia đầu tiên kể từ năm 1986. Các quan khách cấp cao dự tiệc cưới gồm có Thái tử Charles từ vương quốc Anh, Quốc vương Carl XVI từ Thụy Điển, Nữ hoàng Margrethe II từ Đan Mạch...
Công nương Mette-Marit không kìm được nước mắt khi Thái tử Haakon đeo chiếc nhẫn vàng lên ngón tay cô dâu.
Gia đình viên mãn của Thái tử Haakon và Công nương Mette-Marit. Ảnh: Royalcourt |
Sau đám cưới, Mette-Marit bắt đầu trọng trách của một công nương hoàng gia. Bà tích cực tham gia vào những hoạt động về phòng chống HIV/AIDS. Năm 2006, bà trở thành đại diện đặc biệt của tổ chức UNAIDS thuộc Liên Hợp Quốc. Công nương Na Uy rất quan tâm việc củng cố vai trò lãnh đạo của thanh niên trong các hoạt động đối tác quốc tế phòng chống AIDS. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vinh danh bà là Lãnh đạo trẻ toàn cầu vào năm 2010.
Ngày 21/1/2004, Công nương Mette-Marit hạ sinh công chúa Ingrid Alexandra, trở thành nữ thừa kế đầu tiên của ngai vàng. Một năm sau, tiểu hoàng tử Sverre Magnus tiếp tục chào đời. Theo hiến pháp Na Uy, con trai riêng của Công nương Mette-Marit không thể kế thừa ngai vàng. Tuy nhiên, Thái tử Haakon chào đón và công nhận cậu Marius là một thành viên hoàng tộc.