Bạo loạn tại sân vận động Kanjuruhan ở Indonesia ngày 1/10. Ảnh: Reuters. |
Vụ bạo loạn tại sân vận động bóng đá dẫn đến cái chết của 125 người Indonesia đã nhắc lại tầm quan trọng trong công tác tổ chức và quản lý những trận đấu thu hút hàng chục nghìn người hâm mộ đến sân. Những quy định và hành động hung hãn có thể dẫn đến thảm họa như ở sân Kanjuruhan.
Vụ bạo loạn gây rúng động đã diễn ra tại sân vận động Kanjuruhan, ở Đông Java hôm 1/10, sau khi cổ động viên giữa đội Java Arema và Persebaya Surabaya xô xát vì đội Arema bị đánh bại 2-3 trong trận đấu.
Hầu hết nạn nhân bị giẫm đạp đến chết sau khi cảnh sát bắn hơi cay để giải tán bạo loạn, dù hơi cay vốn bị Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) cấm sử dụng tại các sân vận động.
Indonesia không phải lần đầu
Các trường hợp tử vong trong môn bóng đá rất hiếm xảy ra, song đây không phải lần đầu tiên trong năm nay môn thể thao này đối mặt với thực tế rằng khi thảm kịch xảy ra, chúng thường không bắt nguồn từ xu hướng bạo lực của người hâm mộ, mà là sự hạn chế trong công tác kiểm soát đám đông và đảm bảo an ninh, New York Times cho hay.
Hồi tháng 1, ít nhất 8 người thiệt mạng và 38 người khác bị thương trong vụ xô xát bên ngoài sân vận động Olembe ở thành phố Yaounde, thủ đô Cameroon, trước khi đội chủ nhà có trận đấu với Comoros tại Cúp Quốc gia châu Phi (AFCON).
Người bị thương được đưa bằng cáng sau vụ bạo loạn tại sân Olembe ở Cameroon. Ảnh: Sky News. |
Patrice Motsepe, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi, cho rằng vụ bạo loạn xảy ra khi hàng nghìn người hâm mộ đang cố vào sân vận động. Theo Sky Sport, nhân chứng tại sân vận động nói rằng vụ việc xảy ra khi các nhân viên đóng cửa và ngừng tiếp nhận người bên ngoài vào sân.
Trước giờ bóng lăn, họ được chỉ dẫn đến một cửa vào, nhưng đã bị đóng vì “lý do không giải thích được”, ông Motsepe nói. “Nếu cánh cửa đó được mở như thường lệ, chúng ta đã không hứng chịu thiệt hại về người như thế này”.
Dấu hỏi tại những cầu đinh
Trong khi đó, những trận cầu quan trọng ở các giải đấu hàng đầu châu Âu trong hai năm qua cũng ghi nhận những nguy hiểm nghiêm trọng với khán giả.
Tại chung kết EURO 2020 được tổ chức ở sân vận động Wembley, London, hàng nghìn cổ động viên đã vượt rào an ninh để vào cửa.
Một trận khác là chung kết Europa League vào năm nay giữa hai câu lạc bộ (CLB) Eintracht Frankfurt và Rangers tổ chức ở Sevilla, Tây Ban Nha. Cả hai CLB đã gửi thư khiếu nại tới Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) về công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp đối với các cổ động viên, Glasgow Times đưa tin.
“Ngoài việc các trạm bán hàng thiếu thức ăn và nghiêm trọng hơn là nước uống, còn có một số vấn đề về công tác an ninh, khám xét người và hơn thế nữa. Cả hai câu lạc bộ, cũng như Hội cổ động viên bóng đá châu Âu (FSE), đã nhận nhiều lời phàn nàn từ nhân chứng có mặt tại sân vận động”, hai đội bóng ra tuyên bố chung.
Mới nhất là vụ việc tại chung kết Champion League, trận đấu được mong đợi nhất bóng đá châu Âu cấp CLB, giữa hai CLB Liverpool và Real Madrid ở Paris vào tháng 5.
Bên ngoài sân vận động Stade de France, nhân viên an ninh Pháp đã bắn hơi cay vào đám đông cổ động viên - phần đông là của CLB Liverpool - đang xếp hàng dài để được vào trong. Ban tổ chức nói rằng những cổ động viên dùng vé giả để cố vào trận đấu. Dù vậy, các báo cáo cho rằng những cổ động viên này dùng vé hợp lệ, nhưng bị mắc kẹt hàng giờ do ít lối vào và thiếu nhân viên kiểm tra.
Cổ động viên Liverpool ở bên ngoài hàng giờ và không được vào trong. Ảnh: Football365. |
Đến tháng 7, Thượng viện Pháp đã quy trách nhiệm cho giới chức nước này về công tác quản lý “thất bại” tại trận chung kết. Thượng viện xác định rằng việc phối hợp kém và nhiều sai sót của ban tổ chức đã gây ra hỗn loạn, New York Times cho hay.
“Với chúng tôi, rõ ràng không phải vì người hâm mộ Liverpool đến xem đội bóng mà mọi thứ trở nên tồi tệ”, Thượng nghị sĩ Laurent Lafon nói hồi tháng 7.
Ông Lafon nói các quan chức bóng đá, cảnh sát và cơ quan giao thông đã không có sự phối hợp, và đã thất bại trong việc quản lý lượng lớn cổ động viên.
Tương tự vụ việc tại Indonesia vào ngày 1/10, các quan chức phụ trách an ninh và quản lý tại Pháp ban đầu đổ lỗi cho người hâm mộ. UEFA thậm chí đăng thông tin nói rằng trận đấu bị hoãn (hơn 30 phút) là do cổ động viên đến muộn, dù biết rằng họ đã xếp hàng đợi trong nhiều giờ.
Trước thềm Olympics diễn ra tại Paris vào năm 2024, vụ việc tại chung kết Champion League đặt ra yêu cầu cho giới chức Pháp để xóa tan hoài nghi về việc tổ chức sự kiện thể thao quy mô lớn tại nước này.