Thỏa thuận thương mại mà Tổng thống Trump ca ngợi là thắng lợi lớn không giải quyết được những vi phạm lớn nhất mà Mỹ cáo buộc Trung Quốc - chính là những mâu thuẫn dẫn đến chiến tranh thương mại ngay từ đầu, theo POLITICO.
Ông Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận trong buổi lễ ở Nhà Trắng ngày 15/1, sau gần hai năm liên tục leo thang căng thẳng, trong đó hai bên áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau.
Theo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, Trung Quốc sẽ tăng cường mua sản phẩm nông nghiệp, năng lượng của Mỹ, đồng thời hạn chế việc chuyển giao công nghệ cưỡng ép hay phá giá đồng tiền.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Trump trong lễ ký thỏa thuận. Ảnh: AFP. |
Những thiếu sót trong thỏa thuận
Mặc dù cái bắt tay giữa lãnh đạo hai nước sẽ làm giảm căng thẳng, và giảm bớt thiệt hại kinh tế đối với cả hai bên, nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng thỏa thuận 86 trang này có những thiếu sót quan trọng: không giải quyết những lo ngại từ lâu về chính sách công nghiệp của Trung Quốc, chẳng hạn trợ cấp chính phủ hàng tỷ USD mà Bắc Kinh dành cho các doanh nghiệp nhà nước.
“Đó là lỗ hổng lớn trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1”, Chad Bown, nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói với POLITICO.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng khá rõ ràng rằng thỏa thuận sẽ bỏ qua một số vấn đề khó. “Liệu nó có thể giải quyết mọi vấn đề không? Không”, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với đài CBS vào tháng trước.
Chính quyền Mỹ lập luận rằng những bước tiến nhỏ vẫn tốt hơn là không có gì, và cho biết sẽ bắt đầu đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 để giải quyết các vấn đề còn lại. Nhưng ngoài việc ông Trump nói sẽ tới Bắc Kinh “trong tương lai không xa”, chưa có ngày tháng hay lộ trình cụ thể cho đàm phán tiếp theo.
Bản thân ông Trump đã bắt đầu hạ thấp kỳ vọng, và nói ông không vội vàng. Các đồng minh của tổng thống đã cảnh báo giai đoạn tiếp theo sẽ không kết thúc cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.
Điều đó càng khiến một số doanh nghiệp Mỹ thất vọng, vì cảm thấy ông Trump đang từ bỏ những lợi thế đàm phán phải khó khăn mới có được, để đổi lại một thỏa thuận không giải quyết được các vấn đề căn bản vốn đã dẫn đến việc Mỹ áp thuế.
“Hôm nay chúng ta không tiến gần hơn tới việc giải quyết các mâu thuẫn căn bản so với trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu”, ông Bown nói.
Dù vậy, ông Trump cũng nhanh chóng quảng bá về “một đột phá thực sự khó tin” ở lễ ký thỏa thuận ngày 15/1, có sự tham dự của hàng chục nghị sĩ Cộng hòa và các đại diện doanh nghiệp.
"Hôm nay, chúng ta có một bước đi lớn - chưa từng có trong quan hệ với Trung Quốc - hướng tới một quan hệ thương mại công bằng và tương xứng hơn trong tương lai”, ông Trump vẫn phát biểu với sự cường điệu vốn là “thương hiệu” của ông.
Ông Trump phát biểu trong họp báo trước lễ ký thỏa thuận. Ảnh: AFP. |
Mỹ có bỏ lỡ lợi thế có được từ thương chiến?
Các quan chức chính quyền nói con đường phía trước sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có giữ cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1 hay không, chẳng hạn như mua lượng hàng Mỹ như đã hứa.
Chính quyền cho biết Bắc Kinh đã đồng ý nâng mức mua hàng hóa Mỹ lên 200 tỷ USD so với mức 2017. Lượng hàng đó sẽ bao gồm 75 tỷ USD từ ngành chế tạo, 50 tỷ USD năng lượng, 40 tỷ USD hàng nông nghiệp và 35-40 tỷ USD dịch vụ.
Đổi lại, ông Trump hoãn các đợt tăng thuế mà ông đã đe dọa từ năm 2019, nhưng thuế đánh vào 370 tỷ USD hàng Trung Quốc vẫn giữ nguyên. Giữa những đồn đoán về việc gỡ bỏ các khoản thuế này nếu Bắc Kinh thực hiện tốt các cam kết, ông Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuần này nhấn mạnh “không có thỏa thuận tương lai nào nhằm giảm thuế”.
Trong khi thỏa thuận giai đoạn 1 có thể giúp ông Trump ghi điểm chính trị, giúp ông chứng tỏ trước các cử tri về khả năng đàm phán các thỏa thuận, nhiều ý kiến khác cho rằng lợi ích mang lại chỉ là gỡ bỏ những thiệt hại mà chính tổng thống tự mình gây ra.
“Chính quyền đã dừng việc leo thang cuộc chiến thương mại, và tôi cho rằng đó là một điều tích cực. Nhưng chính họ đã khởi đầu mọi chuyện”, Daniel Griswold, nhà nghiên cứu của Đại học George Mason, nói với POLITICO.
“Tôi vẫn không nghĩ chúng ta có lợi hơn so với trước khi chính quyền Trump bắt đầu các động thái thương mại nhắm vào Trung Quốc”, ông nói.
Câu hỏi hiện nay là liệu Bắc Kinh có cam kết trở lại bàn đàm phán để giải quyết các vấn đề còn lại mà từ lâu họ đã tránh - hay Trung Quốc đơn giản chỉ đang muốn đợi cho ông Trump hết nhiệm kỳ và có thể không có nhiệm kỳ thứ hai.
“Sẽ rất khó để buộc Trung Quốc quay lại bàn đàm phán đối với những vấn đề thực sự quan trọng”, Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu thuộc nhóm phân tích của Economist, nói với POLITICO. “Thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang chơi trò ‘chờ đợi’”.
Quốc hội Mỹ có phản ứng trái chiều. Một số nghị sĩ đánh giá cao việc hạ nhiệt cuộc thương chiến, nhưng cũng kêu gọi chính quyền tiếp tục đòi hỏi thêm.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hòa, bang Florida), chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, cho biết ông Trump “xứng đáng được ghi nhận” khi đã đối đầu với Bắc Kinh, nhưng cũng cảnh báo rằng “một thỏa thuận thương mại sẽ không giải quyết được sự mất cân bằng mang tính cấu trúc” giữa hai nước.
Nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số ở Thượng viện, lại chỉ trích ông Trump vì đã đồng ý một thỏa thuận không chống lại được những chính sách thương mại bất công của Trung Quốc, và gọi đây là “thất bại lịch sử”.
Ông Schumer, từ bang New York, lập luận rằng các quan chức dưới quyền ông Trump biết đó không phải thỏa thuận tốt, vì nếu không, họ đã khoe rộng rãi về nó.
“Họ không thể tô hồng thỏa thuận này”, ông Schumer nói trong cuộc họp Quốc hội. “Đó là một thỏa thuận tồi”.