Mỹ giành lại ngôi vương về tốc độ điện toán với siêu máy tính mới tại bang Tennessee, một cột mốc cho ngành công nghệ quan trọng đối với khoa học, dược phẩm và các lĩnh vực khác.
Hôm 30/5, cỗ máy tính khổng lồ có tên “Frontier” tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge được tuyên bố là cỗ máy đầu tiên có khả năng tính toán một tỷ tỷ phép tính trong một giây, theo New York Times.
Tốc độ tính toán của Frontier nhanh hơn gấp đôi so với tốc độ của siêu máy tính Fugaku của Nhật Bản - cỗ máy đã giữ vị trí đầu trong 4 lần khảo sát gần nhất, bắt đầu từ tháng 6/2020. Fugaku do Viện Riken và Fujitsu phát triển.
“Đây là một khoảnh khắc đáng tự hào cho đất nước của chúng ta”, ông Thomas Zacharia, Giám đốc Oak Ridge, nói.
Mạng lưới đường ống nước để làm mát cho hàng nghìn con chip của siêu máy tính Frontier. Ảnh: Oak Ridge National Laboratory. |
Cấu thành hệ thống của Frontier là 74 tủ linh kiện, mỗi tủ nặng hơn 3.600 kg.
Quá trình xây dựng hệ thống này đã gặp phải khó khăn vì đại dịch và khủng hoảng chuỗi cung ứng nhưng ông Zacharia dự đoán cỗ máy này sẽ nhanh chóng có đóng góp lớn vào các công việc như tìm hiểu tác động của Covid-19 hoặc trợ giúp trong tiến trình chuyển giao sang nguồn năng lượng sạch.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng Frontier có thể đã thất bại trước hai siêu máy tính của Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm 2 hệ thống này đã không được gửi đến tay các nhà khoa học phụ trách Top500, bảng xếp hạng 500 máy tính mạnh nhất thế giới, để đánh giá.
Siêu máy tính từ lâu đã là lĩnh vực cạnh tranh giữa các cường quốc. Ban đầu, những cỗ máy có kích cỡ to bằng căn phòng này được dùng để giải mật mã và thiết kế vũ khí. Lúc này, chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển vaccine, thử nghiệm thiết kế ôtô mới và lập mô hình biến đổi khí hậu.
Mỹ thống trị lĩnh vực này trong nhiều thập kỷ nhưng Trung Quốc cũng đã trở thành đối thủ đáng gờm. Trung Quốc có 173 hệ thống trong danh sách mới nhất của Top500, so với 125 máy của Mỹ.