Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lộ diện người thâu tóm

Phần lớn doanh nghiệp đi thâu tóm là những cái tên khá mới mẻ như CEO Group, FLC hay Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa.

Việc CEO Group chuẩn bị khởi công khu nghỉ dưỡng Sonasea Villas & Resort với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng ở đảo Phú Quốc là một động thái khá bất ngờ. Bởi lẽ, từ trước đến nay, CEO Group chỉ tập trung đầu tư và kinh doanh bất động sản ở Hà Nội, với một số dự án như tháp văn phòng CEO Tower, Khu Đô thị Sunny Garden City và Khu Đô thị mới Chi Đông. Hơn nữa, khả năng thâm nhập vào Phú Quốc đối với một doanh nghiệp phía Bắc gần như không có, vì hầu như đất đai ở hòn đảo này đã được các nhà đầu tư “xí phần” hết từ rất lâu.

Lexington Residence (quận 2) là 1 trong 3 dự án khu căn hộ mà Novaland vừa mua lại.
Lexington Residence (quận 2) là 1 trong 3 dự án khu căn hộ mà Novaland vừa mua lại.

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group, thừa nhận nếu xin hồ sơ lập dự án mới ở Phú Quốc, chắc chắn sẽ không có cửa. May mắn là khi CEO Group quyết định mở rộng đầu tư vào hòn đảo này năm 2010, ông Bình đã kết nối được với các cổ đông của công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Quốc. Doanh nghiệp này đang sở hữu 2 dự án gồm khu nghỉ dưỡng rộng gần 80 ha ở Bãi Trường và khu sân golf ở xã An Thới rộng 150 ha, nhưng các cổ đông là Việt kiều lúc đó không đủ tiềm lực tài chính để triển khai và buộc phải bán lại doanh nghiệp cho CEO Group.

Nhờ đó, CEO Group đã thâu tóm được 2 dự án bất động sản nghỉ dưỡng và sân golf tọa lạc tại những vị trí đẹp ở Phú Quốc. Giá trị chuyển nhượng và những thông tin liên quan đến thương vụ chuyển nhượng này đều được giữ kín trong thời gian dài. Chỉ đến khi CEO Group tuyên bố chuẩn bị khởi công dự án và phóng viên NCĐT đến tìm hiểu thì thương vụ mới “bị lộ”.

Tiết lộ của người trong cuộc

Có một số thương vụ mua bán bất động sản đã được công bố công khai trong những năm qua như thương vụ Vingroup chuyển nhượng dự án Vincom Centre A với giá gần 10.000 tỷ đồng; VinaCapital bán lại khách sạn Legend Saigon, Sheraton Nha Trang và Movenpick Saigon; hay Novaland bỏ ra hơn 3.000 tỷ đồng để thâu tóm 3 dự án bất động sản tại TP. HCM.

Nhưng còn nhiều thương vụ không được công bố như trường hợp của CEO Group. Một thương vụ thâu tóm âm thầm khác là việc một tập đoàn tư nhân trong nước mua lại Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay tại Khánh Hòa.

Gần đây nhất, chỉ đến khi họp Đại hội cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai và chắp nối các thông tin lại với nhau thì giới đầu tư bất động sản mới biết, Tập đoàn Him Lam đã thâu tóm một dự án rộng 35 ha trước đây thuộc sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai với giá trị chuyển nhượng gần 1.100 tỷ đồng. Him Lam còn thâu tóm một số dự án khác nhưng các giao dịch này cũng không được công bố.

“Những giao dịch được công bố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều giao dịch mua bán dự án bất động sản diễn ra âm thầm,” ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, công ty chuyên tư vấn môi giới mua bán dự án bất động sản, cho biết.

Bản thân ông Cần đã môi giới và tư vấn thành công ít nhất 3 thương vụ mua bán khá lớn ở Hà Nội trong thời gian gần đây, nhưng trên thị trường, thông tin về các thương vụ này rất nhỏ giọt. Rõ nhất hiện nay là việc Sohovietnam tư vấn cho Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa mua lại Khu phức hợp Sky Park Residences tại quận Cầu Giấy, Hà Nội từ Licogi 16 với giá trị chuyển nhượng 143 tỷ đồng. Sohovietnam cũng tư vấn thành công thương vụ chuyển nhượng một dự án khách sạn 4 sao trên đường Cát Linh, quận Ba Đình với giá trị chuyển nhượng khoảng 150 tỷ đồng.

Mới đây, ông Cần đã giúp một doanh nghiệp trong nước bán thành công dự án tại 36 Phạm Hùng, quận Cầu Giấy. Giá trị thương vụ và danh tính của bên mua và bên bán chưa được tiết lộ, nhưng theo ông, đây là dự án khá lớn có diện tích gần 3.600 m2, xây 35 tầng, trong đó có cả căn hộ để bán. Một chi tiết đáng chú ý là tòa nhà vừa trưng biển mới là FLC Group. Điều đó có thể hiểu là FLC đã thâu tóm xong dự án này.

Theo ông Cần, các thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản thường phức tạp, đòi hỏi phải hoàn thiện nhiều thủ tục cũng như phải cân đo các số liệu tài chính nên cả bên mua lẫn bên bán đều không muốn tiết lộ. Trừ khi bên mua hoặc bên bán là các công ty niêm yết phải công bố thông tin theo quy định, còn không chỉ đến khi nào hoàn tất thủ tục, dự án hoạt động trở lại hoặc triển khai bình thường thì người mua mới công bố.

Chẳng hạn, ngoài khách sạn Hilton Hanoi Opera, Tập đoàn BRG từng thâu tóm thành công khu căn hộ cho thuê Oriental Park hay sân golf Đồng Mô, nhưng hầu như rất ít người nắm được thông tin. Chỉ đến khi BRG công bố là đang sở hữu những bất động sản này thì thương vụ mới bị lộ.

Những nữ doanh nhân Việt siêu giàu mới lộ diện

Lộ diện hay ẩn danh, nhưng những khối tài sản khổng lồ, lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng sở hữu của họ hoàn toàn đủ tiêu chuẩn đứng trong giới siêu giàu Việt Nam.

Những người đi săn

Vì thông tin về các thương vụ chuyển nhượng bị giữ kín nên thị trường đang rất tò mò với những người mua dự án trong thời điểm thị trường bất động sản đang khó khăn. Đặc biệt, danh tính của những người thâu tóm càng được để ý đến trong bối cảnh người bán là các công ty có thâm niên trong ngành.

Có người cho rằng, chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mới đủ tiềm lực để thâu tóm các dự án lớn. Bằng chứng là những dự án như tòa nhà văn phòng Gemadept Tower hay khách sạn Legend Saigon đều được chuyển nhượng cho các công ty nước ngoài. Gần đây, Tập đoàn Tung Shing đã mua lại khách sạn Movenpick Saigon từ VinaCapital. Tuy nhiên, trên thực tế, những giao dịch mà người mua là nhà đầu tư nước ngoài rất khiêm tốn.

Trường hợp thâu tóm của CEO Group cho thấy một thực tế là những người đi săn không phải ai xa lạ mà chính là doanh nghiệp trong nước. Ngoài một số tên tuổi quen thuộc như Novaland, Him Lam hay Đất Xanh, phần lớn doanh nghiệp đi thâu tóm là những cái tên còn khá mới mẻ như CEO Group, FLC Group, hay Doanh nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu, Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa.

Ông Cần tiết lộ cũng có một số nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn trong nước nhòm ngó mua dự án trong thời gian qua, nhưng trên thực tế, trong các giao dịch thành công, bên mua thường là các doanh nghiệp “mới lớn” hoặc bắt đầu mon men đầu tư vào bất động sản. Trong số này, có không ít là những “đại gia tỉnh lẻ”. Họ sinh sống ở Hà Nội hoặc TP. HCM, nhưng lại kinh doanh thành công ở các tỉnh lẻ và tích lũy được đủ tiền để quay lại mua dự án ở Hà Nội và TP. HCM. 

Hé lộ bàn tay đạo diễn những vụ thâu tóm dự án ở Hà Nội

Ngoài khu đất vàng 3.600 m2 trên đường Phạm Hùng, nhiều dự án triệu đô khác cũng bị thâu tóm dưới bàn tay của Phan Xuân Cần, ông chủ SohoVietnam.

 

http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=20149--lo-dien-nguoi-thau-tom/bat-dong-san/

Theo Ngọc Sơn/Báo Nhịp cầu đầu tư

Bạn có thể quan tâm