Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lộ diện liên doanh bán thịt heo của bầu Đức

Hoàng Anh Gia Lai sẽ nắm giữ 55% vốn tại công ty Bapi, trong khi đối tác là công ty Dược phẩm Đông Á sẽ cử đại diện điều hành chính và sở hữu trực tiếp 40% cổ phần.

Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã chứng khoán: HAG) vừa thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Bapi Hoàng Anh Gia Lai với ngành nghề bán buôn thực phẩm.

HAGL góp góp vốn 27,5 tỷ đồng để chiếm 55% vốn điều lệ công ty mới, do vậy đơn vị này sẽ trở thành công ty con và được hợp nhất vào báo cáo tài chính của tập đoàn. Bà Nguyễn Thị Huyền là người đại diện cho phần vốn của HAGL.

Bapi sẽ bán thịt heo

Trên Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Công ty BAPI Hoàng Anh Gia Lai vừa được thành lập ngày 26/5, đặt trụ sở ngay tại tòa nhà điều hành của HAGL. Vốn điều lệ của công ty là 50 tỷ đồng, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm.

Thịt heo là dòng sản phẩm đầu tiên tập đoàn phát triển sản phẩm riêng mang thương hiệu HAGL, bên cạnh mảng bóng đá đã có dấu ấn riêng. Đây cũng là công ty con được thành lập mới nhất sau giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ và bán vốn liên tục trước đó.

"Tôi có một đối tác nói HAGL là thương hiệu lớn sao không làm sản phẩm gì cho thương hiệu này. Tôi đã suy nghĩ và bắt đầu với heo. Tôi tự tin khi ra Công ty Bapi Hoàng Anh Gia Lai sẽ sớm đạt doanh số trên 10.000 tỷ", ông Đoàn Nguyên Đức từng bày tỏ.

Hoang Anh Gia Lai,  Bapi,  ban thit anh 1

Trụ sở công ty mới được đặt ngay tại "đại bản doanh" của HAGL.

Thực tế việc cho ra mắt công ty chuyên về bán thịt heo đã được chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) nhắc đến trong cuộc họp cổ đông thường niên hồi tháng 4.

Với chiến lược tập trung vào "một cây một con", trong đó "heo ăn chuối" là sản phẩm được bầu Đức kỳ vọng rất lớn trong tương lai, bởi có lợi thế chi phí thức ăn chăn nuôi từ chuối thải ra.

Bầu Đức đánh giá thị trường Việt Nam một năm tiêu thụ 35 triệu con heo với quy mô hơn 10 tỷ USD. HAGL đặt mục tiêu bán một triệu con heo thì không phải là vấn đề.

Người đứng đầu doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển 16 cụm chuồng trại với công suất hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm và 7.000 ha chuối, đồng thời xây dựng lộ trình phát triển 5.000 cửa hàng để phân phối thịt heo có thương hiệu.

Theo đó, HAGL sẽ liên doanh với một đối tác để thành lập công ty Bapi chuyên về phân phối thịt heo. Trong đó, HAGL đảm bảo về sản phẩm và đối tác chịu trách nhiệm mở chuỗi để phân phối thịt heo Bapi tới tay người tiêu dùng.

"HAGL nếu chỉ bán heo hơi cho lò mổ thì chưa tối đa lợi nhuận từ quy trình này nên quyết định kết hợp với đối tác để phân phối thịt heo có thương hiệu Bapi, dự kiến đưa ra thị trường từ tháng 7", ông nói về lý do liên doanh.

Với lợi thế thương hiệu trên, bầu Đức tự tin công ty Bapi có thể đạt doanh số đến 10.000 tỷ đồng khi tiêu thụ hết 1 triệu con heo trong các năm tới.

Ngoài ra tập đoàn này còn có kế hoạch mở nhà máy giết mổ công suất 3.000 con/ngày; đồng thời mở cơ sở chế biến thịt heo thành xúc xích, giăm bông, thịt heo 1 nắng… để tận dụng hết cơ hội kinh doanh từ mỗi con heo.

Đại gia ngành dược phẩm

Ông bầu bóng đá cũng từng chia sẻ liên doanh Bapi sẽ do HAGL nắm giữ 55% cổ phần và đối tác sở hữu 45% cổ phần còn lại. Liên doanh dự kiến hoạt động từ tháng 7 và phát triển cửa hàng bán bán lẻ chủ yếu theo hình thức nhượng quyền.

Thực tế trong cơ cấu cổ đông Bapi còn có một tổ chức và một cá nhân tham gia góp vốn. Đó là Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á chiếm 40% cổ phần và bà Hoàng Thị Kim Nhung góp 5% vốn.

CƠ CẤU CỔ ĐÔNG BAPI HOÀNG ANH GIA LAI

NhãnHAGLCông ty Đông ÁHoàng Thị Kim Nhung
Tỷ lệ sở hữu % 55405

Đáng chú ý là người điều hành công ty mới không phải phía HAGL mà từ đối tác. Cụ thể, tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Bapi là ông Đinh Văn Lộc.

Ông Lộc sinh năm 1971, hiện tại là Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dược phẩm Đông Á có trụ sở tại Hà Nội. Công ty này dược phẩm được thành lập từ năm 1996 với 2 cổ đông lớn nhất là ông Lộc sở hữu 58% và bà Lê Minh Nguyệt (Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Đông Á) nắm giữ 40% cổ phần.

Dù khởi đầu ở mảng dược phẩm nhưng Đông Á đang dần mở rộng sang rất nhiều mảng kinh doanh khác nhau như logistics từ năm 2009, tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ từ 2012, đầu tư kho bãi và hạ tầng từ 2014...

Những năm gần đây, công ty này tập trung nguồn lực cho mảng thực phẩm chức năng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất tỏi đen có diện tích lớn nhất Việt Nam vào năm 2020 với quy mô 1,5ha và công suất 600 tấn/năm.

Một số thương hiệu lớn mà Đông Á đang phát triển như thuốc Tràng Vị Khang, dầu gội đầu SnowClear, Tỏi Kim Cương (tỏi đen), trang thương mại điện từ Đông Á Shop...

Công ty này giới thiệu hệ thống phân phối đã bao phủ 64 tỉnh thành (hơn 600 bệnh viện và gần 20.000 nhà thuốc). Công ty còn cung cấp các dịch vụ như xây dựng thương hiệu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống điểm bán FMCG...

Tham vọng 5.000 cửa hàng bán lẻ của bầu Đức

Bầu Đức tiết lộ sẽ liên doanh với đối tác mở đến 5.000 cửa hàng bán lẻ thịt có thương hiệu Bapi, kỳ vọng doanh số 10.000 tỷ đồng nếu bán được 1 triệu con heo.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm