Góp ý về dự thảo Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô, một số ý kiến cho rằng một số quy định đang có phần... dễ tính.
Lo doanh nghiệp nhập khẩu ôtô thành lập ồ ạt, gây hỗn loạn
Cụ thể, việc nới lỏng điều kiện nhập khẩu xe được cho là dễ dẫn đến doanh nghiệp nhỏ lẻ, chưa có uy tín trên thị trường phát sinh kinh doanh "ăn xổi ở thì".
Theo ý kiến góp ý của cá nhân này, ôtô không phải là hàng hóa thông thường mà cần phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ. Các điều kiện quy định trong điều 21 dự thảo này chưa chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng về bảo hành, bảo dưỡng xe cũng như triệu hồi xe bị lỗi, ràng buộc trách nhiệm của chủ doanh nghiệp với sản phẩm của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cá nhân này cũng cho rằng sự nới lỏng sẽ khiến doanh nghiệp nhập khẩu ôtô thành lập ồ ạt, gây hỗn loạn thị trường. Điều này sẽ kéo theo hệ lụy về an toàn giao thông khi các loại xe có điều kiện bảo hành kém thâm nhập thị trường.
Theo Bộ Công Thương, dự thảo quy định các điều kiện tối thiểu mà doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ôtô cần phải có.
Điều này để hướng đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân cũng như ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu ôtô.
Ngoài ra, việc đưa ra quy định rõ ràng cũng là tôn trọng sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu ôtô, không phân biệt lớn, nhỏ, vừa. Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện kinh doanh, vì mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì sẽ được hoạt động kinh doanh nhập khẩu ôtô.
Theo Bộ Công Thương, việc đề ra các quy định là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân cũng như ràng buộc trách nhiệm của đơn vị nhập khẩu. |
Ôtô là tài sản lớn với nhiều người việc nên cần có quy định
Bộ Công Thương cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo cần đưa quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Nguyên nhân là ôtô là loại hàng hóa có khả năng gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng cũng như môi trường. Việc đưa ra quy định là để tạo cơ chế nghiêm ngặt đối với việc đưa vào lưu thông loại hàng hóa (ôtô), bảo vệ quyền lợi người dùng, môi trường.
Theo Bộ Công Thương, ôtô là hàng hóa có khả năng gây mất an toàn nên cần có yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn cho người sử dụng cũng như cộng đồng. Ôtô còn là tài sản có giá trị lớn đối với phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam.
Ngoài ra, ôtô là sản phẩm công nghệ cao, có cấu trúc phức tạp nên yêu cầu sử dụng, vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo hành phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà sản xuất. Trong trường hợp xe phát sinh các lỗi kỹ thuật, người tiêu dùng cần được bảo đảm quyền yêu cầu đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng triệu hồi để khắc phục lỗi.
Ôtô cũng là hàng hóa có khả năng ảnh hưởng đến môi trường. Trong quá trình vận hành, ôtô phát ra các loại khí thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Khi xe hết niên hạn sử dụng, các chi tiết, linh kiện, bộ phận của xe trở thành phế liệu có khả năng gây ảnh hưởng đến an toàn môi trường. Một số bộ phận có chứa hàm lượng kim loại nặng, chất độc hại cao và việc xử lý cần nhiều chi phí.
Các điều kiện tối thiểu doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ôtô cần có
- Có xác nhận của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài về việc chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu ôtô.
- Thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài triệu hồi xe nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật.
- Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng không bắt buộc phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp, mà có thể đi thuê hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền.