Hợp đồng bán các khoản nợ của 11 khách hàng doanh nghiệp trong đợt đầu được Agribank ký với công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chiều qua có tổng dư nợ gốc dự kiến bán là 2.534 tỷ đồng với giá bán dự kiến cho VAMC là 1.723 tỷ đồng. Ở hợp đồng này, VAMC sẽ thanh toán cho Agribank bằng trái phiếu đặc biệt do bên mua nợ phát hành. Số trái phiếu đặc biệt này, theo như quy định, sẽ được Agribank sử dụng vay tái cấp vốn tại NHNN.
Nợ xấu của Agribank chiếm đến 24% tổng số nợ xấu trên toàn bộ hệ thống ngân hàng. |
Động thái Agribank bán nợ xấu cho VAMC không quá bất ngờ bởi thông tin này, cũng như việc sẽ có thêm một vài nhà băng khác tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC được thị trường dự báo và chờ đón cách đây nhiều ngày. Chỉ có điều, chính với các thông tin được Agribank phát đi chiều cùng ngày, thị trường dường như lần đầu tiên có được con số nợ xấu cụ thể của Agribank, chi tiết đến… bảy con số. Một lãnh đạo của Agribank cho hay, nhờ đợt bán nợ xấu này, Agribank giảm được đến 7,56% tổng nợ xấu của toàn hệ thống. Phép tính đơn giản theo đó cho thấy, tổng nợ xấu của toàn hệ thống Agribank sẽ lên đến 33.518,52 tỷ đồng. Dù rằng, nếu so với con số tổng dư nợ cho vay đến 31.8 đạt 512.636 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu của Agribank chỉ tương đương mức 6,54%. So với con số nợ xấu xấp xỉ mức 9% của SHB hay PGBank, nợ xấu của Agribank có vẻ vẫn khiêm tốn hơn.
Điều đáng nói là, so với con số tổng nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng vào khoảng gần 139.000 tỉ đồng đến thời điểm gần đây theo công bố của Ngân hàng Nhà Nước, chỉ riêng lượng nợ xấu của Agribank chiếm đến 24%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, có làm hết “công suất”, VAMC với kế hoạch phát hành 35.000 tỷ đồng trái phiếu từ nay đến cuối năm, cũng chỉ có thể giải quyết được riêng phần nợ xấu hiện nay của Agribank. Câu chuyện là, nợ xấu không bỗng dưng ngừng lại mà vẫn tiềm ẩn rủi ro phát sinh song hành với quá trình cho vay.